Thursday, September 4, 2008

BÀN GIAO CỔ VẬT CHO SỞ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH.


Ngày 29/8/2008, tại đồn Biên phòng 356, huyện Đông Hoà, Bộ chỉ huy Biên phòng Phú Yên tiến hành bàn giao 158 hiện vật gốm sứ cho Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Phú Yên. Những hiện vật trên do Đồn Biên phòng 356 bắt giữ trên tàu đánh cá bằng chất nổ của Quảng Ngãi tại vùng biển Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà vào tháng 6/2008. Những hiện vật gốm sứ trên đã được ngành chức năng giám định có giá trị lịch sử, văn hoá ở niên đại vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII.
Sau khi tiếp nhận Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã giao cho Bảo tàng Phú Yên Bảo quản, nghiên cứu và trưng bày./.
Mạnh Minh Tâm

LOÀI HOA NẶNG NGHĨA ĐẤT QUÊ



Một sáng cuối thu, mưa bay bay, gió thốc nhẹ, vườn nhà ngoại chợt rực lên những giề hoa sắc tím nhuỵ vàng. Những đụn hoa mới nhô lên từ lòng đất như những ngôi biệt thự trong vườn cổ tích, đó là lúc Bông giề đang nở . Dân quê ai cũng biết, từ bao đời nay, bông giề mỗi năm chỉ một lần nở. Hoa nở không phải để cho người đời chiêm ngưỡng sắc hương và cũng không uổng phí đời hoa khi cánh tàn nhuỵ rữa. Hoa nở để làm hương vị nồng nàn cho những bát canh rau dân dã tập tàng thơm ngát tình quê.
Đất quê dâng cho đời muôn vàn hoa thơm cỏ lạ. Các loài cây cỏ thông thưòng từ đất mọc lên, cây đâm cành rồi mới ra hoa kết trái. Nhưng duy nhất chỉ có loài bông giề, một loài có đặc điểm hiếm thấy là từ đất mọc lên đã là hoa, từ hoa nức ra lá, khi lá sum suê cũng là lúc hoa tàn. Một loài hoa không phải nhọc công vun trồng chăm bón, bởi nó không cần tưới nước bón phân. Và chỉ mọc ở đất vườn, đất nhà ở chứ không phải bất kỳ.
Như có phép lạ, loài hoa trồng một lần rồi cứ tự phát tán, lây lan như nấm, mọc chen chúc dưới thân những bụi cây Bồ ngót, Táo nhơn, hàng rào Dâm bụt. Hoa chỉ nở vào mùa thu và chỉ một lần nở khi gặp một cơn mưa làm mềm đất. Đất sinh ra hoa, hoa tạo ra lá. Ít có loài hoa nào mà hoa, lá, củ, đều hữu dụng, không bỏ thứ gì. Hoa lá bông giề dùng để nấu canh, củ bông giờ ngày xưa dùng chế biến thành bột huỳnh tinh để dành chữa bệnh kiết lỵ hoặc dùng uống giải nhiệt, cấp cứu khi bị thương hàn nóng sốt. Để có một bát canh bông giề thơm ngon, khi phát hiện những giề bông vừa nhú lên từ đất, phải đợi cho hoa nở đều từng cánh. Thời chưa có tủ lạnh, khi hái Bông giề ngoại tôi thường dùng ngọn lá chuối tươi lót vào lòng rổ, rồi nhẹ nhàng nhón rút từng vòi bông, xếp nằm từng lớp, cuốn lại để giữ cho tươi lâu, ăn nhiều ngày. Hoa nở, gặp lúc mưa dầm, phải đội mưa, nhanh tay hái để tránh cát nhảy vào bì hoa, rửa không kỷ, ăn canh phải sạn.
Mặc dù, không phải là nguyên liệu chính cho những nồi canh. Bông giề trong những bữa canh quê, mỗi năm chỉ có dịp ăn ít ỏi đôi ngày nhưng là những bữa canh nhớ đời bởi nó là một thứ gia vị tạo nên hương vị không lẫn bất cứ loại gia vị đồng quê nào khác. Những nồi canh tập tàng rau dền, bồ ngót, lá bát với một ít bông giề thì không nhất thiết phải có thịt cá. Chỉ cần một vốc đậu phộng tươi giã nhỏ, khi nấu canh có màu nước trắng đục nêm vừa, ăn với chút muối é trắng ( giã với ớt cay), chúng ta sẽ có bát canh thơm lừng mùi bông giề, ngon ngót vị bồ ngót, cay cay mùi é đồng. Lâu ngày được ăn canh bông giờ, lạ miệng, no bụng vẫn cứ thèm cơm.
Lâu rồi, xa quê chợt nhớ một loài hoa đã tạo nên hương vị văn hóa làng và lo tiếc, một ngày nào đó bông giề không còn trong những bữa cơm đậm đà, chan chứa tình quê./.
Mạnh Minh Tâm

BÔNG GIỀ


LÁNG GIỀNG

Tình láng giềng
Ba Em
Trong dân gian chúng ta vẫn truyền cho nhau câu tục ngữ “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” và trong cuộc đời của mỗi chúng ta điều may mắn lớn nhất trong cuộc sống là có được những người láng giềng tốt.
Ở một cộng đồng dân cư mà tình nghĩa xóm làng được gắn bó như máu mủ ruột rà thì sẽ tạo nên sự an cư của mỗi gia đình. Ngược lại, ở một chòm xóm hay một khu phố nào mà mối quan hệ láng giềng thường bị xung đột, rạn nứt thì cuộc sống sẽ khó có được sự yên ổn sau những ngày làm việc mệt nhọc.
Láng giềng là những người có gia đình sống kề cận nhau về mặt cư trú, luôn có sự gắn bó mật thiết với nhau đã trở thành truyền thống từ ngàn xưa, với câu nhắc nồng ấm tình người “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Vậy mà ngày nay vẫn có người lãng quên ? Vì một con gà bươi phá vườn rau, vì vài bụi dâm bụt hàng rào lấn đất, con trẻ chọc ghẹo qua lại ... mà họ đã vội coi thường tình làng nghĩa xóm. Mặc cho đám giỗ, ngày tết, ốm đau hoạn nạn của người bạn láng giềng; họ cứ dửng dưng theo kiểu “Đèn nhà ai nấy tỏ, ngõ nhà ai nấy biết” như không có gì xảy ra. Thật đáng buồn cho những ông hàng xóm cố chấp, quá quắc đáng trách.
Nếu ai ai cũng hiểu, có một láng giềng tốt là có được một người bạn thân thiết, một cộng sự đắc lực để nương tựa qua lại, nhất là những lúc không may bị “trái gió trở trời” thì tình nghĩa xóm làng lại càng quý hơn.
Để người láng giềng sống với nhau như bát nước đầy, tôi nghĩ bản thân của từng người, từng gia đình chúng ta phải là những gia đình văn hóa. Và điều quan trọng hơn là phải biết bình đẳng, không xâm phạm đến quyền lợi của những láng giềng. Biết khoan dung, rộng lượng trước những cá tính, đặc điểm hoàn cảnh của người hàng xóm mà mình cho là không phù hợp. Có được như vậy chúng ta mới có được sự “nhân hòa” trong cuộc sống thường ngày, và tất nhiên là gia đình chúng ta sẽ có được trong một mái ấm “an cư” để thực hiện ước mơ “lạc nghiệp”./.

NGÀY HỘI CÁC DÂN TỘC



THÀ CHẾT CHỨ KHÔNG THEO GIẶC !



Đó là lời thề một lòng chung thuỷ, son sắc với Đảng, với cách mạng của dân tộc Chăm, Ba Na vùng cao Thồ Lồ - Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, Phú yên). Đó cũng là câu nằm lòng của các dân tộc thiểu số Miền Tây đã giúp họ bền gan, vững chí, kinh thượng đoàn kết, quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ. Ông La Chí Noa – nguyên là uỷ viên thường vụ huyện uỷ được giao phụ trách mặt trận Miền Tây của tỉnh vừa kể chuyện, vừa nhắc lại như vậy với giọng điệu khẳng khái của một vị tổng chỉ huy các lực lượng trước lễ xuất quân năm nào. Ông kể rằng: Vào những năm 1962-1963, đây là thời điểm Mỹ nguỵ thực hiện chính sách khủng bố “Tam quang” - đốt sạch, giết sạch, cướp sạch. Chúng coi đó là biện pháp tách cá khỏi nước hòng cô lập hoạt động cách mạng. Mặt khác chúng ra sức càn quét, đánh phá dữ dội; toàn bộ nhà cửa, bò ngựa các vùng căn cứ cách mạng đều bị chúng đốt phá, cướp bóc không thương tiếc. Nhân dân bị chúng dồn vào các ấp chiến lược Bình Tuy, Đồng Tre, La Hai.
Lúc này Làng Đồng – xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) là một trong những căn cứ trú quân của huyện đội Miền Tây và Trung đoàn Ngô Quyền - bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào chuẩn bị cho những trận đánh lớn vào quận lỵ Đồng Xuân, Sông Cầu.
Vào mùa khô năm 63, trong một trận càn quét 7 ngày đêm của địch ở vùng núi Xuân Quang 1, Phú Mỡ. Chúng huy động rầm rộ các lực lượng không kích, pháo binh, bộ binh; trên không máy bay oanh tạc, dưới đất biệt kích, lính dù đổ bộ. Rừng ChưnBran, sông Hà Đan, suối Cà Tơn một dãy trường sơn mênh mông trong xanh bổng chốc rung chuyển, gầm rú tan hoang trong lửa đạn. Dân làng Đồng được lệnh di tản vào gộp đá Kôncalor tránh bom đạn – đó là một đường hầm thiên tạo dài hun hút, đủ sức che chở cho hàng trăm người lánh nạn càn quét. 7 ngày nằm trong hang đá, cái chết do đói khát đã rình rập, khắc khoải dân làng. Sau khi địch rút đi, trên 50 gia đình, với hàng trăm con người trở về làng. Thì than ôi ! nhà cửa, rinh lúa (kho) chỉ còn là đống tro tàn đổ nát, bò ngựa, heo gà lớp bị chúng cướp di, lớp bị chúng sát hại – xác súc vật chết ngổn ngang, vất vưởng ung thối cả một vùng rừng. Vừa đương đầu với bom đạn, chết chóc giờ lại phải cầm cự với cái đói nghiệt ngã cùng cực.
Ông La Văn Lung - trưởng thôn Xí Thoại – nguyên là trung đội trưởng đơn vị C3 đóng quân tại Làng Đồng cho biết: Nạn đói của làng Đồng bắt nguồn từ trận càn quét năm 63, tiếp đến là những đợt máy bay rải chất độc hoá học rừng cây trụi lá, rồi hạn hán mất mùa. Cái đói cứ lây lan cho dân làng và bộ đội sang tới năm 67. Đói dữ lắm, đói không thể tả - chuối cây, lá đu đủ người ăn cây không kịp lên, cành không kịp bén lá. Mỗi đọt lá sắn bây giờ là một hạt gạo quý, vậy mà chất độc hoá học của Mỹ thiêu rụi, triệt lấy nguồn sống. Mỹ nó độc ác còn hơn cọp beo trên rừng.
Dân làng hết cái ăn do mình làm ra thì quay sang tìm rau rừng, củ núi: trái sung, trái ngái, củ pấu, củ Nần, củ mài, rau chóc, lá rướng… là nguồn sống xung quanh làng nhưng đến lúc cũng phải cạn kiệt. Tìm cái ăn con người phải lang thang như con hươu, con nai đi tìm lộc cây, nguồn nước. Nhiều người đi tìm cái ăn bị đói lả, kiệt sức rồi chết ngoài suối, trong rừng. Củ nần, nấm độc đã cướp đi nhiều sinh mạng… Ngày laị qua ngày, nhìn những người thân thích ruột rà của mình lần lữa trút hơi thở cuôí cùng… mà bất lực, không biết phải làm gì. Trong làng ngày nào cũng có người chết. Nhà ông Ma Dơn – giàu có nhất làng, bò năm bảy chục con, giờ trắng tay; 15 người thân trong nhà (kể cả người ở mướn) lần lượt chết rụi không còn một ai. Nhẩm tính từ năm 63 đến năm 67, làng Đồng đã có 74 người chết đói và bệnh tật, chết nhiều nhất là năm 1963. Trong cảnh khốn cùng có người bức không chịu nổi bỏ theo địch vào ấp chiến lược nhưng đại đa số dân làng vẫn ở lại với bộ đội, đồng cam cộng khổ sống chết có nhau.
Ông Ma Doãn - sống thời đó, hiện giờ là già làng của làng Đồng, nguyên Bí thư xã Phú Mỡ từ năm 1967 - kể thêm: Gia đình tôi sống đông đủ đến nay là may mắn nhất; thằng La Chí Dũng kia, mẹ sinh ra nó năm 1964, năm đó đói quá, mẹ mất sữa, mỗi bữa tôi lần mò đến nhà nào có gạo nấu cơm để xin chắt vài giọt nước cơm mang về nhỏ vào miệng nó; vậy mà qua được, sống và lớn phỏng phao tới giờ. Tội cho bộ đội mình thời đó, một trung đội vài chục người ăn mà mỗi lần nấu chừng 2 ký gạo, miếng sắn, trái sung cõng trên lưng vài ba hột cơm - chấm với tro tranh mà ăn ngon ngọt. Thấy mà thương đứt ruột, nhưng chẳng biết làm sao được. Vậy mà vẫn gan dạ sống và chiến đấu đến ngày thắng lợi.
Cũng như bao chiến công thầm lặng, 74 người chết ở Làng Đồng chỉ là con số nhẩm tính, có thể chưa chính xác. Nhưng sự kiện chết đói do kẻ thù o ép, vùi dập là có thật. Những cái chết buất khuất, kiên cường để bám trụ buôn làng, để được tự do, để được sống với cách mạng, để núi rừng miền Tây trở thành luỹ thép thời đánh Mỹ. Sự hy sinh anh dũng và chiến công của họ đáng được nhắc nhớ để tự hào và tôn vinh.
Mạnh Minh Tâm.

NGÀY HỘI CỦA SẮC MÀU VÀ HÌNH KHỐI




Đã thành thông lệ, mỗi năm một lần, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm ở 9 khu vực trong cả nước. Năm nay, lần thứ hai Phú Yên đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XIII, quy tụ đông đảo họa sĩ trong khu vực. Đây thật sự là một ngày hội sắc màu của giới cầm cọ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Kim Anh: Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XIII là ngày hội lớn của giới mỹ thuật khu vực, góp phần khơi nguồn cảm hứng trong sáng tác hội họa, đồ họa, điêu khắc… của các nghệ sĩ. Hoạt động này là động lực để các họa sĩ sáng tạo, không ngừng tìm tòi những nét mới trong sáng tác nghệ thuật; giao lưu, học hỏi, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.Với giới họa sĩ, triển lãm là dịp tốt để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời là cơ hội để “thử sức” ở một sân chơi quy mô, quy tụ khá nhiều họa sĩ đã có danh trong nghề. Họa sĩ Ngô Thái Bình (Khánh Hòa) gây ấn tượng bởi sự sáng tạo và hàm ý sâu xa trong tác phẩm Lời ru của rừng. Họa sĩ Trần Quyết Thắng với tác phẩm sơn dầu Đô thị trẻ khắc họa sự đổi thay trên quê hương Phú Yên với những tòa nhà cao tầng mọc lên, đường phố nhộn nhịp hơn, cuộc sống hối hả… Nguyễn Huy Bách, một họa sĩ khác ở Phú Yên tham gia triển lãm với bức tranh sơn mài Tàn phiên chợ bố cục hợp lý, màu sắc hài hòa… Cùng với Niềm nhớ - tranh sơn mài của Hồ Thị Xuân Thu (Gia Lai), Biển mặn tình người - tranh lụa của tác giả Nam Kha (TP Đà Nẵng), Tàn phiên chợ được Hội đồng nghệ thuật giới thiệu để dự giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây nguyên lần thứ XIII có nhiều tác phẩm thể hiện sự bứt phá, tìm tòi sáng tạo; nhiều tác giả tuy chưa có tên tuổi nhưng cũng khá vững tay nghề. Điều dễ nhận thấy tại triển lãm lần này là tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc ở những địa phương có không khí mỹ thuật sôi nổi như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai… có chất lượng vượt hẳn so với các địa phương khác. Ngô Thái Bình, một trong hai họa sĩ đoạt giải C ở Khánh Hòa cho biết, không khí làm việc của các họa sĩ, nhà điêu khắc ở Khánh Hòa rất sôi động. Anh em cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương và lãnh đạo tỉnh. Mỗi lần tham gia triển lãm tranh khu vực là một lần anh em cầm cọ Khánh Hòa có điều kiện tập trung trí tuệ, công sức nâng cao tay nghề, mang đến cho công chúng những đứa con tinh thần tốt.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: Triển lãm lần này cho thấy sự cố gắng sáng tạo của các học sĩ. Các tác phẩm nhìn chung đã có sự đồng đều hơn về chất lượng, mặt bằng sáng tác được nâng lên, chất liệu sơn dầu đã được nhiều tác giả quan tâm, khai thác. Một số tác phẩm sơn mài của các hội viên địa phương có chất lượng. Tuy nhiên, mảng đồ họa, tranh khắc còn ít được khai thác. Tuy giải B thuộc về lĩnh vực điêu khắc nhưng nhìn chung còn chưa xứng tầm với một khu vực có điều kiện sáng tác điêu khắc. Nhiều tác phẩm còn sơ lược, khô cứng, quá chú trọng đến hình thức mà thiếu biểu cảm, rung động trong sáng tạo. Một số tác phẩm lặp lại mô típ của Tây Nguyên, chưa có sự tìm tòi nên thiếu hấp dẫn. Cũng theo họa sĩ Trần Khánh Chương, các nghệ sĩ tạo hình miền Trung - Tây Nguyên đã có bước tiến dài trong sáng tạo, tuy nhiên cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để có những tác phẩm xuất sắc trong các cuộc triển lãm khu vực.

Đến với Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XIII, người yêu mỹ thuật không chỉ được thưởng lãm tác phẩm mà còn gặp gỡ, chuyện trò với các họa sĩ, những người lặng lẽ làm nên cái đẹp cho cuộc sống.

Ban tổ chức đã nhận được 185 tác phẩm của 158 tác giả. Qua 4 vòng xét, Hội đồng nghệ thuật chọn 129 tác phẩm của 121 tác giả ở 9 tỉnh trong khu vực để dự treo, trong đó có 54 tác phẩm của 46 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; 75 tác phẩm của 75 tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật địa phương.

Ban tổ chức đã trao giải B (không có giải A) cho tác phẩm Âm vang (gỗ) của Nguyễn Văn Hàm (TP Đà Nẵng); 2 giải C cho tác phẩm Lời ru của rừng (sơn dầu) của Ngô Thái Bình và Hoài cổ (sơn dầu) của Lê Trí (Khánh Hòa); tặng thưởng cho 3 tác phẩm: Đô thị trẻ (sơn dầu) của Trần Quyết Thắng (Phú Yên), Biển mặn tình người (lụa) của Hồ Đình Nam Kha (TP Đà Nẵng) và Niềm nhớ (sơn mài) của Hồ Thị Xuân Thu (Gia Lai).

KIM CHI