Monday, October 13, 2008

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ NHÀ LỚN
VÀ NHỮNG TẬP TỤC KỲ LẠ

Mạnh Minh Tâm

Trong chuyến tham quan ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được về khu di tích Nhà Lớn thuộc xã Long Sơn, huyện Long Đất nằm phía Tây thành phố Vũng Tàu. Di tích là một quần thể kiến trúc đồ sộ, bằng vật liệu gỗ, nhà cửa lâu đài trông nguy nga, chập chùng được xây dựng từ những năm 1910-1927, trên một khuôn đất rộng hơn 02 ha. Di tích Nhà Lớn được Bộ Văn hoá –Thông tin công nhận là di tích Lịch sử- văn hoá Quốc gia vào năm 1991.
Vừa đặt chân vào Nhà lớn, đoàn chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước một công trình quy mô hoàng tráng chưa từng thấy mà chủ nhân của nó là những người phụ nữ - xưng gọi nhau là “cô hai, cô ba” quản lý.

NGƯỜI SÁNG LẬP DI TÍCH NHÀ LỚN
Chuyện có thể tóm tắt như thế này, người lập nên di tích là ông Lê Văn Mưu, sinh năm 1856; gốc gác ở tỉnh Kiên Giang; từ thuở thiếu niên ông đã theo các Thủ lĩnh Nghĩa quân chống Pháp. Sau những cuộc khởi nghĩa thất bại (1867-1873), để tránh sự truy nã gắt gao của thực dân Pháp, năm 1900 ông đã đưa gia đình lánh nạn về đây; khai khẩn vùng đất phía đông Núi Nứa, lập nên ấp Long Sơn Hội ngày nay.
Long Sơn Hội ngày xưa vốn là một vùng đất hoang vu, trên là rừng già, dưới là rừng đước, địa thế hiểm trở nhưng với quyết tâm của những lưu dân có chí lớn; qua bao tháng ngày lao động miệt mài, cần mẫn ông Mưu cùng những người thân quyến đã chinh phục vùng đất khắc nghiệt này trở thành những ruộng lúa phì nhiêu màu mỡ. Tiếng lành đồn xa, người tứ xứ quy tụ về đây ngày một đông. Để ổn định cuộc sống cho những cư dân lưu lạc, mới đến ông Mưu chia nhà cho họ ở, chia đất cho họ cày. Ông tổ chức cho làng làm thuỷ nông, xây chợ, cất trường học, mời thầy giáo về dạy chữ cho con em nơi đây. Khi cuộc sống đã có của ăn, của để ông Mưu đã huy động mọi nguồn tài chính xây dựng quần thể kiến trúc Nhà lớn với những Lầu Cấm, Lầu Phật, Lầu Dài…làm nơi thờ tự các đấng Tiền hiền, cũng là nơi sinh hoạt văn hoá cho gia tộc và dân làng ấp, xã.
Sinh thời Lê Văn Mưu thường dạy con cháu và những người theo ông lập nghiệp: “Tu không để thành tiên, thành phật mà thành người”. Ông cũng không truyền bá hay viết kinh kệ gì mà chỉ dạy mọi người “ăn hiền, ở lành - ăn ngay, nói thẳng, việc phải thì làm, việc quấy thì chừa, việc gì Nhà nước cấm thì đừng”. Noi gương ông, người dân Long Sơn rất trọng Trung-Hiếu-Nghĩa-Nhân. Khi ông Mưu qua đời, để tưởng nhớ công đức của ông và bày tỏ lòng kính trọng, người dân xã đảo Long Sơn đã tránh gọi tên huý mà gọi là ông Nhà Lớn. Cũng từ đây những sinh hoạt văn hoá thường ngày và những bài học làm người vẫn được người dân truyền miệng, gìn giữ và phát huy đã hình thành một tín ngưỡng dân gian: Đạo ông Trần. Hiện xã đảo Long Sơ có 12 ngàn dân, đã có 10 ngàn người theo Đạo Ông Trần.
NHỮNG QUAN NIỆM SỐNG VÀ NHỮNG TẬP TỤC KỲ LẠ
Khác với những di tích, chùa chiền trong Nam, ngoài Bắc mà tôi đã đi qua. Đến với di tích Nhà Lớn chúng ta không hề thấy bóng dáng các kiểu hành nghề mê tín dị đoan (xin xăm, bói quẻ, tử vi, đồng bóng…). Đi qua các bàn thờ tự, không thấy các hòm công đức, cúng dường Tam bảo. Việc đốt vàng mã, hay đốt nhang khấn vái cầu phúc, cầu danh cũng là điều cấm kỵ. Các đoàn tham quan dù hàng trăm người, Ban quản lý yêu cầu chỉ một người đại diện thắp một nén nhang tưởng niệm tại bàn thờ ông Nhà Lớn là đủ. Như vậy, tránh được môi trường ngột ngạt khói hương, vừa đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy cho các toà nhà kiến trúc toàn gỗ. Song đáng chú ý hơn cả, có lẽ Long Sơn là địa phương duy nhất còn duy trì những tập tục kỳ lạ, ngững tập tục xem ra khác thường nhưng thiết thực và tiết kiệm, phù hợp với yêu cầu xây dựng nếp sống văn hoá hiện nay.
Về đám tang, đạo Ông Trần quy định, khi có người qua đời phải được chôn cất trong vòng 24 tiếng đồng hồ; không phải coi ngày giờ kiết- hung. Thực hiện “sáng tử, chiều táng - chiều tử sáng táng”, khi táng là xả tang ngay tại mộ. Gia chủ cũng đặc biệt không nhận tiền phúng điếu, điều này cũng đồng nghĩa với việc không có chuyện lợi dụng xác chết để trục lợi; phá vỡ tục lệ tang chế 3 năm, thực hành chính sách tiết kiệm trong ma chay, giỗ chạp, cưới xin nhằm mục đích không gây phiền hà, tốn kém trong cuộc sống hàng ngày cho người dân xã đảo.
Việc khác thường nữa là phần lớn người dân Long Sơn không an táng người chết theo kiểu tẩm liệm bằng quan tài mà sử dụng một áo quan đặc biệt gọi là bao quan. Bao quan được cấu tạo như chiếc quan tài, gồm một tấm ván bằng gỗ có nắp chụp với một khung gỗ bện bằng tre. Người chết được tẩm liệm bằng cách bó vải, sau đặt vào bao quan và khiêng ra nghĩa trang. Đến nơi nắp bao quan được mở ra, xác chết đưa xuống huyệt bằng những sợi vải trắng vắt ngang và việc xả tang được thực hiện ngay sau đó. Người dân Long Sơn cho rằng, an táng như thế này trước hết là tiết kiệm gỗ, chi phí cho thân nhân; sau thể hiện sự bình đẳng giữa các thành viên trong cộng đồng, theo nghĩa “Sống đồng tịch đồng sàng-chết đồng quan đồng quách”.
Đám cưới ở Long Sơn cũng không phải coi ngày giờ. Việc hành lễ cũng được ấn định trong hai ngày: mùng một và mười sáu âm lịch hàng tháng. Cũng như đám tang, đám cưới là việc lớn của gia đình cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng nên mọi người chung tay lo giúp, tương trợ lẫn nhau không phải trả công. Đặc biệt việc lễ không tổ chức linh đình, vật phẩm cúng kính, thết đãi thường là vật phẩm ngọt dẻo, chè xôi và trái cây. Tập tục này đang duy trì và phát huy nên các hủ tục lãng phí, xin xăm, lắc số, tử vi, đồng bóng…Nói chung là tệ mê tín dị đoan không còn đất sống tại đây.
Trang phục thường ngày của người dân Long Sơn là bộ Bà ba đen, chân không mang dép trông đậm tính Nam bộ thời xưa. Theo các vị kỳ lão trong Nhà Lớn- lối trang phục này là biểu hiện của con người giữ nguyên bổn, đề cao tính kiên trung, nghĩa khí “Đầu đội trời, chân đạp đất” và sâu xa hơn bộ bà ba rất tiện dụng trong lao động sản xuất của dân nghèo.
Ngoài những tập tục khác thường, di tích Nhà Lớn còn đựơc ví như viên ngọc quý vùng núi Nứa. Đó là một di tích bằng gỗ đồ sộ nhất nước; nơi có có chiếc áo quan có tuổi thọ và an táng người chết nhất nước; nơi có tập tục ma chay, cưới hỏi tiết kiệm nhất nước; di tích duy nhất trong cả nước có chương trình Cây Mùa Xuân tặng quà cho học sing nghèo hiếu học, ủng hộ đồng bào bị thiên tai dịch bệnh. Di tích duy nhất trong nước phục vụ miễn phí mua vé vào cửa; khách tham quan có nhu cầu ăn, ngủ được Nhà Lớn bố trí, phục vụ tận tình không phải tốn tiền./.