Thursday, September 4, 2008

NGÀY HỘI CỦA SẮC MÀU VÀ HÌNH KHỐI




Đã thành thông lệ, mỗi năm một lần, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm ở 9 khu vực trong cả nước. Năm nay, lần thứ hai Phú Yên đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XIII, quy tụ đông đảo họa sĩ trong khu vực. Đây thật sự là một ngày hội sắc màu của giới cầm cọ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Kim Anh: Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XIII là ngày hội lớn của giới mỹ thuật khu vực, góp phần khơi nguồn cảm hứng trong sáng tác hội họa, đồ họa, điêu khắc… của các nghệ sĩ. Hoạt động này là động lực để các họa sĩ sáng tạo, không ngừng tìm tòi những nét mới trong sáng tác nghệ thuật; giao lưu, học hỏi, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.Với giới họa sĩ, triển lãm là dịp tốt để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời là cơ hội để “thử sức” ở một sân chơi quy mô, quy tụ khá nhiều họa sĩ đã có danh trong nghề. Họa sĩ Ngô Thái Bình (Khánh Hòa) gây ấn tượng bởi sự sáng tạo và hàm ý sâu xa trong tác phẩm Lời ru của rừng. Họa sĩ Trần Quyết Thắng với tác phẩm sơn dầu Đô thị trẻ khắc họa sự đổi thay trên quê hương Phú Yên với những tòa nhà cao tầng mọc lên, đường phố nhộn nhịp hơn, cuộc sống hối hả… Nguyễn Huy Bách, một họa sĩ khác ở Phú Yên tham gia triển lãm với bức tranh sơn mài Tàn phiên chợ bố cục hợp lý, màu sắc hài hòa… Cùng với Niềm nhớ - tranh sơn mài của Hồ Thị Xuân Thu (Gia Lai), Biển mặn tình người - tranh lụa của tác giả Nam Kha (TP Đà Nẵng), Tàn phiên chợ được Hội đồng nghệ thuật giới thiệu để dự giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây nguyên lần thứ XIII có nhiều tác phẩm thể hiện sự bứt phá, tìm tòi sáng tạo; nhiều tác giả tuy chưa có tên tuổi nhưng cũng khá vững tay nghề. Điều dễ nhận thấy tại triển lãm lần này là tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc ở những địa phương có không khí mỹ thuật sôi nổi như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai… có chất lượng vượt hẳn so với các địa phương khác. Ngô Thái Bình, một trong hai họa sĩ đoạt giải C ở Khánh Hòa cho biết, không khí làm việc của các họa sĩ, nhà điêu khắc ở Khánh Hòa rất sôi động. Anh em cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương và lãnh đạo tỉnh. Mỗi lần tham gia triển lãm tranh khu vực là một lần anh em cầm cọ Khánh Hòa có điều kiện tập trung trí tuệ, công sức nâng cao tay nghề, mang đến cho công chúng những đứa con tinh thần tốt.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: Triển lãm lần này cho thấy sự cố gắng sáng tạo của các học sĩ. Các tác phẩm nhìn chung đã có sự đồng đều hơn về chất lượng, mặt bằng sáng tác được nâng lên, chất liệu sơn dầu đã được nhiều tác giả quan tâm, khai thác. Một số tác phẩm sơn mài của các hội viên địa phương có chất lượng. Tuy nhiên, mảng đồ họa, tranh khắc còn ít được khai thác. Tuy giải B thuộc về lĩnh vực điêu khắc nhưng nhìn chung còn chưa xứng tầm với một khu vực có điều kiện sáng tác điêu khắc. Nhiều tác phẩm còn sơ lược, khô cứng, quá chú trọng đến hình thức mà thiếu biểu cảm, rung động trong sáng tạo. Một số tác phẩm lặp lại mô típ của Tây Nguyên, chưa có sự tìm tòi nên thiếu hấp dẫn. Cũng theo họa sĩ Trần Khánh Chương, các nghệ sĩ tạo hình miền Trung - Tây Nguyên đã có bước tiến dài trong sáng tạo, tuy nhiên cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để có những tác phẩm xuất sắc trong các cuộc triển lãm khu vực.

Đến với Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XIII, người yêu mỹ thuật không chỉ được thưởng lãm tác phẩm mà còn gặp gỡ, chuyện trò với các họa sĩ, những người lặng lẽ làm nên cái đẹp cho cuộc sống.

Ban tổ chức đã nhận được 185 tác phẩm của 158 tác giả. Qua 4 vòng xét, Hội đồng nghệ thuật chọn 129 tác phẩm của 121 tác giả ở 9 tỉnh trong khu vực để dự treo, trong đó có 54 tác phẩm của 46 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; 75 tác phẩm của 75 tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật địa phương.

Ban tổ chức đã trao giải B (không có giải A) cho tác phẩm Âm vang (gỗ) của Nguyễn Văn Hàm (TP Đà Nẵng); 2 giải C cho tác phẩm Lời ru của rừng (sơn dầu) của Ngô Thái Bình và Hoài cổ (sơn dầu) của Lê Trí (Khánh Hòa); tặng thưởng cho 3 tác phẩm: Đô thị trẻ (sơn dầu) của Trần Quyết Thắng (Phú Yên), Biển mặn tình người (lụa) của Hồ Đình Nam Kha (TP Đà Nẵng) và Niềm nhớ (sơn mài) của Hồ Thị Xuân Thu (Gia Lai).

KIM CHI

No comments: