Wednesday, October 14, 2009

MỘT THOÁNG XUÂN ĐÀI

Nguyễn Đắc Tấn
Lâu lắm rồi tôi trở lại Xuân Đài
Vẻ đẹp hoang sơ làm ngẩn ngơ lòng lữ khách
Thuyền ẩn hiện như bơi trong chảo ngọc
Nước vịnh chiều thu xanh ngắt một màu
Phóng mắt tầm xa thấp thoáng cảng Tiên Châu
Nhìn cánh hải âu đang tô màu Hòn Yến
Vũng Lắm, vũng La, vũng Chào lưu luyến.
Nhìn Cù Lao ông Xá, ngnhe gió hát Ô Loan
Sông Cầu Xanh nhịp đập rộn ràng
Lê thị xã - xứ dừa vui thao thức
Xuân Đài đây rồi ta mơ hay thật
Trên cả tuyệt vời, đẹp quá em ơi!
Nhìn đỉnh Cù Mông xanh tít tận chân trời
Về gành Đá Dĩa xem tiên xếp tiền mở hội
Nghe sóng hát bài ca dâng người mở cõi
Ngắm cảnh chiều hôm trải lụa Xuân Đài
Đón hạt sương đêm gieo ướt bờ vai
Nhìn trùng khơi lên đèn như giải Ngân hà lấp lánh
Phú Yên, Sông Cầu trên đà cất cánh
Vịnh Xuân Đài đẹp tựa trong mơ
Du khách đến đây sẽ khám phá bất ngờ
Một trong những vịnh đẹp của hành tinh ta đó
Đất Phú, trời yên giang tay mở cửa./.

Thursday, October 1, 2009




CÂY TẨM TÊN ĐỘC
ĐIỀU KỲ BÍ CỦA NÚI RỪNG

Mạnh Minh Tâm
Chỉ một vết xước trầy da do ná tên, băng cung có tẩm độc chế ra từ nhựa cây Lon chi ngăng thì chỉ có “trời cứu”. Nó độc còn hơn bị rắn hổ mang cắn. Anh La Chí Cường người chỉ đường tìm cây Lon chi ngăng giải thích.“Tổ tiên người Bana ở đây biết chế ra độc dược này nhưng tới giờ chưa có ai biết chế ra thuốc giải”.
Chuyến leo núi lần ra chứng tích kỳ vĩ “Thạch đạo trên non cao” ở làng Đồng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Nhân kể chuyện về huyền thoại Brăm chi ngăng (tiếng Ba na: Mũi tên độc), anh La Chí Cường người dẫn đường chợt hỏi tôi có muốn biết về loài cây chỉ dùng để lấy nhựa tẩm tên độc? Tôi hứng chí, tò mò theo anh bì bõm, lội xuôi theo con suối Mằng Quân cách chân núi KonClo gần 1 cây số. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một cây to cao, phần gốc to bự cỡ 3 người ôm, chiều cao gần cả trăm thước. Từ gốc lên cao trên 2m, xung quanh thân cây là những vết sẹo chằn chịt do những vết dao rạch để lấy nhựa (đồng bào gọi là lấy mủ). Và theo già làng Ma Doãn, đó là những vết rạch có từ trước thời Pháp thuộc tới giờ. Loài cây này tiếng Bana gọi là Lon Chi Ngăng (cây nhựa độc)
Tên độc trừ gấu dữ
Cụ Ma Doãn nay trên 80 tuổi kể lại rằng, thời ông nội ông (cách đây hơn trăm năm) vùng Thồ Lồ này có một con gấu ngựa dữ tợn. Khi gặp người là nó xông vào vật ngã, dày xéo cho đến chết, rồi móc đi đôi mắt. Năm nào dân trong vùng cũng có người chết vì nó. Vì tương truyền rằng, loài gấu ngựa mắt xuôi nên chúng ghét con người có đôi mắt ngang. Một lần ông nội Ma Ngoe - già làng suối Cát đi rừng đốn cây gặp phải nó và ông đã bị chết thê thảm. Ông Ma Bá (cha Ma ngoe) vào rừng tìm thấy xác cha, vác xác cha về làng, gào khóc thảm thiết vì thấy mặt cha không còn đôi mắt. Ngay đêm hôm đó già làng đã tổ chức họp dân bàn cách tiêu diệt con gấu ngựa thành “tinh” này. Ma Bá, tay cung thiện xạ của làng đã xung phong, thề là phải tiêu diệt bằng được con gấu ngựa, trước là để trả thù cha sau là phòng hậu hoạ cho dân làng. Ngày ngày, Ma Bá vác cây cung to, có cánh dài 2 thước, mang sau lưng ống tên tẩm độc, lầm lũi vào rừng sâu. Gần một tuần băng rừng lội suối, lên gềnh, xuống thác, Ma Bá đã tìm ra khu rừng mà con gấu thường đi về, ẩn trú. Ông Bá tìm một cái gộp đá lặng lẽ mai phục. Hôm đó mặt trời vừa đứng bóng, con gấu ngựa màu nâu xám xuất hiện, cách Ma Bá chừng 100 mét. Ông bình tĩnh, nhẹ nhàng giương cung, lắp tên, trườn người ra hét to “Gấu dữ”; con gấu nghe thấy tiếng người lập tức lồng lên, cất vó chân trước, bờm ngựa dựng đứng. Ma Bá đưa cung lên vai, nhắm vào đích nách bên trái con gấu, lãy cò. Khi nghe tên trúng “phập” vào ức trái của gấu, Bá vừa lách người xẹt sang phải thì đã nghe tiếng bay một cái xào, chụp xuống nơi ông vừa đứng bắn. Cứ thế, vừa giương cung, lắp tên, vừa bắn, vừa duy chuyển, xàng qua, lách lại theo kiểu chữ chi. Ông vẫn nghe sau lưng tiếng gầm gừ, bổ nhào chụp đuổi của gấu. Bắn cho đến lúc sờ ống tên sau lưng không còn mũi nào, Ma Bá bèn quăng cung bỏ chạy một mạch về làng. Hôm sau thanh niên cả làng theo Ma Bá vào rừng tìm và đã thấy xác con gấu chết nằm phủ trên cây cung.
Đó là chuyện xảy ra trước thời chống Pháp. Chuyện có thật chứ không phải huyền thoại. Điều kỳ bí là tổ tiên người Bana cũng như các dân tộc anh em Trường sơn – Tây nguyên thời xa xưa họ đã phát hiện và sáng chế ra loại độc dược vô cùng bí hiểm; trong khi đó họ không hề biết về hoá học, thí nghiệm...là gì?
Nguy cơ thất truyền
Dù trong làng có nhiều người biết cây Lon chi ngăng là loài cây có nhựa độc. Nhưng công thức bào chế thì không phải ai cũng biết. Hiện nay tại làng Đồng, xã vùng cao Phú Mỡ chỉ còn duy nhất ông Ma Thìn, năm nay đã trên 60 tuổi - người giữ bí truyền các thành phần chế ra loại độc dược này. Ông Thìn cho biết: “Nhà tôi 3 đời truyền cho nhau bài thuốc dùng cây lá rừng để chữa bệnh, nhưng bài thuốc tẩm tên độc thì trong nhà dù đông con nhưng không phải người nào cũng được học cách làm. Ông tôi truyền lại cho cha tôi, cha tôi truyền lại cho tôi như cách truyền võ nghệ. Vì nó là thuốc độc chết người nên phải phòng người ở ác, lòng dạ hẹp hòi, sử dụng nó để “trả thù vặt”. Những người được chọn để truyền cách bào chế độc dược phải là người rộng lượng, tốt bụng, biết thương người. Khi tôi theo cha làm thuốc, ông luôn miệng dặn đi, dặn lại: Chỉ dùng nó để săn bẫy thú dữ, giết giặc giữ làng. Nhất nhất không được dùng nó để hại người”. Ông Thìn nói thêm, cây Lon chi ngăng chỉ là một thành phần chính, riêng nhựa của nó thì không làm chết người. Vì dân làng có người dùng nhựa của nó để chữa chứng đau bụng. Muốn chế được chất “cực độc”, đúng độ phải mất nhiều ngày vào rừng sâu tìm thêm một vài loài bò sát có nọc độc rồi phối lại, ngâm với nước tiểu đựng trong ống tre nứa sắp mục thối ở rừng, ngâm trong nhiều ngày nó mới thành độc.
Ông Thìn đã bỏ việc bào chế thuốc từ 03 năm nay. Nhà ông có 3 người con trai nhưng dứt khoát ông không truyền chỉ cho ai biết. Vì ông cho rằng: “Ngày trước, chế ra độc dược để săn bẫy thú dữ, chống giặc ngoại xâm bảo vệ dân làng. Ngày nay, thú rừng không đủ cho súng đạn lâm tặc săn bắt thì mình chế thuốc này để làm cái gì nữa?!...”. Bài thuốc độc dược có lẽ sẽ bị thất truyền từ đây. Và loài cây Lon chi ngăng vẫn được dân làng bảo tồn như một chứng tích lịch sử về tinh thần lao động sáng tạo và sự kỳ bí núi rừng của các dân tộc miền núi Phú Yên./.

- ảnh 1. Ông la chí cường và gốc cây Lon chi ngăng.
- ảnh 2: Ông Ma Thìn người nắm công thức bào chế độc dược.
- ảnh 3: Chiều cao cây Lon chi ngăng