Friday, October 3, 2008




NHỚ BẾN SÔNG QUÊ
Chiều nghiêng bóng nắng trên sông
Nhìn con nước chảy khuấy lòng nhớ thương
Người đi sông chợt lặng buồn
Nhập nhòe sóng nước còn gương bóng người
Mấy mùa nước đã trôi xuôi
Mà tình người vẫn ngậm ngùi đêm mơ

Chiều nay trên bến sông quê
Mình ta một bóng bơ vơ cõi lòng
Còn đây cát trắng mênh mông
Dấu chân hai đứa đậm trong tháng ngày
Lạc loài những cánh chim bay
Tình kia vẫn giữ có hay chăng người
Ra đi sao chẳng một lời
Sông giờ bên lở, bên bồi dở dang
Buồn trôi trên nước miên mang
Chiều buông tiếng cuốc kêu vang nhớ người.
Trần Văn Phú

Quê mẹ Xuân Quang
Ai về quê mẹ Xuân Quang
Đường lên mấy dốc gió ngàn nhẹ đưa
Đồi tranh cây đứng lưa thưa
Trái trâm trái giấy tuổi thơ ngọt ngào
Đường làng phiên chợ xôn xao
Tiếng xe ngựa vượt dốc đèo leng keng
Quê hương biết mấy yêu thương
Bờ tre ruộng lúa con mương thấm tình
Dòng sông nước chảy quanh quanh
Đi qua thôn xóm lúa xanh đôi bờ
Chiếc cầu nối những làng quê
Bao đời mơ ước bây giờ là đây
Từng lò gạch khói lam bay
Khang trang nhà mới dựng xây thêm nhiều
Chiều quê bay bổng cánh diều
Cho em mơ ước bao điều tương lai
Cánh cò lặn lội ngày ngày
Quê ta rồi sẽ mai này đẹp hơn.
Trần Văn Phú

Nhớ Vợ

Nhớ Vợ
Em ra thị xã để sinh
Ở nhà anh lại một mình cô đơn
Nhớ em giấc ngủ chẳng yên
Nhớ con chưa biết đặt tên là gì?

Chẳng lo là gái hay trai?
Mẹ con mạnh khỏe cả hai anh mừng
Mong cho ngày ấy đến nhanh
Để xem mặt mũi con anh thế nào?

Chưa nằm gà gáy rồi sao ?
Nhớ em lòng dạ cồn cào khôn nguôi!
Trần Văn Phú


MÙI ĐẤT QUÊ HƯƠNG
Trên cánh đồng này!
Nhớ khi xưa...
Cha cày, mẹ đều tay gieo hạt
Tôi còn ngây thơ!
Suốt buổi mãi mê đi tìm bắt dế
Những chú dế trốn đâu mà giỏi thế
Tìm ở chỗ này nghe gáy ở nơi kia

Thời gian trôi qua!
Biết bao mùa lá rụng dưới gốc đa
Cha mẹ già đã ra người thiên cổ
Còn tôi phương trời viễn xứ
Bao năm rồi chưa về lại quê xưa
Ký ức tuổi thơ tưởng đã phai mờ
Chợt sống dậy!
Khi tôi nhìn thấy!
Trên cánh đồng này cũng cha cày, mẹ đều tay gieo hạt
Cũng có chú bé nào tìm bắt dế mãi mê

Sao quá giống mình từ thuở ngày thơ
Gió đến bên tôi thì thầm nhắc chuyện
Gió khóc dùm tôi đôi dòng lệ cạn
Thiên đường ngày nào giờ đã xa xưa...

Tràn ngập hồn tôi mùi đất nồng ngây ngất
Và tôi hiểu vì sao con người tìm về cố quốc?
Bởi trong mỗi người thấm mùi đất quê hương.
Trần Văn Phú

TRĂN TRỞ LÒNG CON

TRĂN TRỞ LÒNG CON
Con chỉ sợ một ngày kia mẹ không còn nữa
Mà con lo cho mẹ vẫn chưa tròn
Nghĩ thương mẹ sớm thành góa bụa
Tay chống, tay chèo nuôi chúng con

Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ
Điều ấy giờ đây con đã thấm lòng
Cơm áo cuộc đời trăm cay nghìn đắng
Mà mẹ một mình gánh nặng trên lưng

Mẹ ơi lòng con vẫn thường trăn trở
Làm sao tuổi già mẹ được thêm vui
Để một mai nếu mẹ không còn nữa
Thì cuôc đời này con bớt nguôi ngoai.
Trần Văn Phú


Mùa nấm và món bánh xèo quê tôi

Mùa nấm và món bánh xèo quê tôi
Đồng Xuân quê tôi là huyện miền núi, có nhiều loại nấm mọc. Trong đó các loài nấm ăn được và ngon nhất là loài nấm hương. Người dân quê tôi quen gọi là nấm Mối. Nấm thường mọc vào tiết lập Đông và mọc trong thời gian 3 - 5 ngày.
Vào cuối thu, những cơn mưa dầm làm bấy đất; trời nắng mưa bất chợt, gió bấc trộn lẫn những cơn mưa rì rào, lắc cắc rồi chợt tắt, chợt mưa người dân quê tôi gọi là mưa nấm. Ngày đêm có mấy chục cơn mưa như vậy, ào ào rồi “xửng” đó là dấu hiệu mùa nấm Mối mọc. Thế là mọi người trong làng đổ xô đi tìm những khoanh nấm trong những bờ rào rậm, rừng lá thấp. Cầm theo cái rựa để dọn, phòng khi nấm mọc trong những bụi gai. Mang theo tấm ni lon vừa để che mưa, vừa bọc khi nhổ nấm.
Thành ngữ quê tôi có câu: “Mừng như gặp nấm” và rất đúng với bọn trẻ con chúng tôi. Mỗi khi thấy cánh người lớn đi tìm nấm, trẻ con chúng tôi cũng háo hức rủ nhau theo hôi “Đi tìm nấm tụi bay ơi”. Thế là chia nhau mỗi đứa một hướng lục lội săn tìm trong bụi rậm, hàng rào - dúi đầu, căng mắt mà tìm. Mỗi khi thấy nấm là “A lô xô” tranh nhau mà nhổ; “Ham như ham nấm” mà! Giành giựt, quơ quào thí xát làm nát bấy những tai nấm vốn mềm ợt dễ vỡ. Vì thế có những khoanh nấm nhổ về chỉ còn chân nấm, còn tai nấm thường nát bấy dùng để nấu cho heo.
Mỗi cây nấm khi mọc lên nở ra giống như những chiếc dù che mưa; nơi cán dù người ta gọi là chân nấm. Chân nấm thường dài nửa gang tay, rất dai. Còn tai nấm thường to bằng lòng bàn tay và rất mềm, dễ vỡ nát. Nấm mọc trong vòng ba ngày, không ai tìm thấy là nấm tàn, nếu gặp mưa nấm sẽ mau tàn hơn. Đôi khi chúng tôi cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ khi bắt gặp những khoanh nấm đã tàn đang nuôi lũ vòi béo nung, béo núc đeo bám.
Thuở nhỏ tôi nghe những người lớn tuổi và ngây thơ tin rằng có người “sát nấm”. Đó là những người ra ngõ là gặp nấm, khi về là túi nặng đầy nấm. Còn những người kỵ nấm thì dù có đi tìm “táo tể” vẫn không tìm thấy nấm. Lớn lên, mỗi ngày một khôn tôi mới nhận ra rằng: người “sát nấm” là những người có đức tính siêng năng, chịu khó, biết để ý tìm tòi. Khi phát hiện và nhổ được khoanh nấm mọc thì bí mật, làm dấu vị trí, chờ năm sau đợi mùa nấm năm sau, âm thầm tới tìm khỏi mất công mò mẫn. Những người không biết, đi tìm nấm như vô định thường là xách rổ về không.
Nấm tìm được thường chỉ đủ ăn, nhiều thì dành một ít phân phát cho anh em, bà con lối xóm gọi là “ăn lấy thảo”. Năm nào được mùa nấm nhiều đến mức ăn không hết thì rửa sạch cho vào hủ làm nước mắm dùng để nêm canh rau. Bây giờ người ta “trúng nấm” mong được nhiều để mang ra chợ bán.
Tiết lập Đông gió bấc, trời se se lạnh, đang lúc nông nhàn, bên bếp lửa hồng có rổ nấm để đúc bánh xèo thì thật là hợp thời, hợp tiết. Khi có nấm để đúc bánh xèo, dùng nuột lạc cạo sạch đất bám vào chân nấm. Rửa nhẹ nhàng mặt ngoài tai nấm và bẻ tai nấm ra thành nhiều miếng, chân nấm xé nhỏ ra từng cọng. Đem nấm làm xong bỏ vào chảo dầu đang sôi tới, đảo qua đảo lại cho nấm vừa săng chín tới, nếu chín quá nấm ra nước chỉ còn bã nấm là mất ngon. Đổ nấm xào vào thau bột và ngồi đúc bánh, vớt ra ăn nóng càng ngon.
Bánh xèo nấm chỉ chấm với chén nước mắm ngon dầm với trái ớt xiêm (còn gọi ớt hiểm, tuy bé nhưng cay đáo để) ăn với rau thơm trộn giá. Đừng đợi vợ con bày lên bàn, như thế bánh nguội mất ngon, mà bạn hãy đi ngay xuống bếp,vừa ngắm đôi má ửng hồng, lấm tấm mồ hôi của bà xã, vừa thưởng thức hương vị bánh xèo nóng sẽ thú vị hơn nhiều.
Gió bấc lạnh lạnh. Ngồi bên bếp lò âm ấm đón từng cái bánh vớt ra còn nong nóng, cuốn với rau sống, chấm vào chén mắm ớt cay. Cứ vậy mà thưởng thức, cái “giòn giòn” của bánh chín vàng, Cái mềm dai của tai chân nấm, cái “beo béo” của dầu phộng, hương thơm của rau mùi, vị “ngòn ngọt” của nấm sẽ làm cho người ăn cảm thấy lạ miệng với cảm giác được thưởng thức một món ăn dân dã vừa ngon “hết ý”, lại bổ dưỡng vô cùng. Món ăn dân quê mỗi năm chỉ được một lần ăn.
Bụng đã no căng, bước lên nhà trên, uống vội mấy hớp nước chè nóng để cho miệng bớt cay, quấn ngay một điếu thuốc lá Kỳ Lộ - Loại thuốc lá nổi tiếng của đất Phú Yên – rít vài hơi liền cho đã. Tàn xong điếu thuốc, hồn chợt lân lân mà chợt nghĩ: “Cuộc đời này kể ra cũng có lý”. Kéo chiếc gối kê dưới đầu, đặt lưng xuống phản (ván), nằm nghe mưa rơi tí tách hòa với tiếng đúc bánh “xèo xèo” vọng lên từ bếp như một bản nhạc dịu êm, ru ta vào giấc mộng vàng của thú điền viên và tạm quên đi những ngày mùa vất vả nhọc nhằn.
Trần Văn Phú
Xã Xuân Quang 3,
Đồng Xuân, Phú Yên


XANH THẮM ĐỒNG XUÂN
Núi vòng tay ôm ấp miền quê
Quê hương yêu lắm tự ngày thơ
Sông con, sông cái dâng màu mỡ
Mùa lại lên xanh những bãi bờ

La Hai phố núi em duyên dáng
Tan trường áo trắng nét ngây thơ
Chợt nhớ con đường ngày xưa ấy
Tình đơn phương ôm mộng đến giờ

Núi liền núi, điệp trùng ngàn núi
Xanh ngát xanh làng xóm ruộng đồng
Khúc tình ca trăm con suối hát
Mùa mưa về nô nức ra sông

Cánh cò chao, lòng bao xao xuyến
Cổ tích còn lẫn khuất bờ tre
Đồng Xuân đỏ lửa thời chinh chiến
Thanh bình xanh thắm một miền quê.

Trần Văn Phú.

Mùa biển xa

Mùa biển xa
Quang Ngự
Con đường bổng nát nhàu gương mặt
Tiếng gió thở dài eo óc
Chia sẻ cùng em nỗi nhớ thương
Thương em cuộc đời tần tảo
Sóng dập gió dồi vì miếng cơm manh áo
Mỗi mùa biển về hai đứa lại xa nhau
Em chẳng bao giờ trách em đâu
Chỉ trách thầm số phận
Đêm nằm nghe dội về từng đợt sóng
Từng cơn mưa nắng gió biển xa
Nhưng anh ơi!
không gì có thể lay chuyển đôi ta
Không thử thách nào đổi thay khác được
Màu đỏ con tim
Màu đỏ ấy trong ta!.

GÀNH ĐÁ ĐĨA

GÀNH ĐÁ ĐĨA
Đắc Tấn
Thu về trên Gành đá đĩa
Bầu trời xanh gió hát xôn xao
Đàn hải âu nghiêng cánh vẫy chào
Sóng hôn đá thì thầm cười rúc rích
Nghe như lời vọng người xưa nơi trầm tích
Bàn cờ tiên tạo hóa tặng người
Cảnh đẹp huy hoàng lộng gió trùng khơi
Khúc xạ bình minh như giác vàng giác ngọc
Ôi ! những đồng tiền xếp thành hàng, thành cọc
Đọc đáo tuyệt vời đất Phú quê tôi.
Du khách thập phương hết dạo lại ngồi
Phóng tầm mắt xuyên đại dương gửi hồn theo sóng
Tấp nập tàu thuyền buồm canh gió lộng
Có bức tranh nào đẹp hơn thế anh ơi?
Nhắn nhủ những ai nơi góc bể chân trời
Gành Đá Đĩa đợi chờ ,dang tay, điểm hẹn.