Sunday, September 7, 2008

ảnh đẹp

Rộn ràng mùa ốc ruốc

MÙA ỐC RUỐC

Mạnh Minh Tâm

Ra giêng, cây mãn cầu qua những ngày trụi lá, giờ đã lún phún bật lên những đọt non là lúc nông dân vùng ven biển ra bãi thăm dò, mò cào ốc ruốc. Mỗi năm một mùa, ốc ruốc một loài sinh vật biển nhỏ nhoi, to bằng đầu mút đũa, vỏ láng - óng ánh sắc màu: có con màu ruốc, con lấm chấm màu gạch - rằn ri xám tro; ruột ốc chỉ có một chút thịt bằng chân tăm xỉa răng nhưng ít ai ngờ nó là nguồn lợi biển giúp cho nông dân xóm tôi “giải khây” trong thời điểm nông nhàn và bị “cháy túi” trong ba ngày tết. Nhờ cào ốc đi bán, có được đồng tiền rỏn rẻn, đắp đổi chợ búa trong khi chờ đợi mùa vụ, việc làm.
Đi cào ốc ruốc
Đầu tháng hai, chờ lúc con nước rọt, bờ biển sóng lặng, vào khoảng 2, 3 giờ sáng, dân cào ốc ruốc xóm ở xóm Ninh Tịnh, Phường 9 (TP Tuy Hoà) dậy sớm hụi hử, gọi nhau ơi ới, xe máy nổ giòn; họ phóng đi tứ tản ra các bãi biển từ Tuy Hoà, Tuy An và xa nhất là đèo Nại- Sông Cầu. Nơi nào bãi biển có cát là họ sà xuống, dầm mình, dúi que cào xuống nước ở độ sâu trên đầu gối, rồi trườn ra ở độ sâu hơn tới lưng quần, có chỗ sâu tới ngực; rồi họ dừng lại kéo từng nhát ốc lẫn cát vào bờ; vụt lên giũ xuống, đãi ốc trong nước - cát theo nước ra ngoài, ốc nằm lại trong túi lưới mùng. Nhát nào “trúng đậm” là 5-7 ký, nhát nào thưa cũng được vài ba ký. Khi số bao mang theo đã chứa đầy ốc là vác cào lên bờ về nhà. Hôm nào xe máy tải không hết ốc, họ phải nhờ xe buýt.
Ốc về, ngâm nước ngọt, đãi sạch cát, luộc chín, bỏ chợ. Nhả ốc trọng hơn (lớn) giá sỉ 4000đ/ký; ốc nhỏ 2000-3000đ/ký. Bình quân mỗi ngày một chuyến đi cào ốc ruốc, trừ chi phí xăng xe, một lao động cũng kiếm được 100 ngàn. Cào ốc ruốc là công việc của đàn ông, thanh niên có sức khỏe. Mỗi lần đi cào ốc, ít nhất phải hơn 4 giờ ngâm mình, chịu lạnh trong nước biển. Cào ốc như người đi mót lúa, chịu khó “năng nhặt chặt bị”. Ai lớt phớt, về tay không, tốn xăng xe.
Thảnh thơi ngồi chơi lở ốc
Dậy từ 3 giờ sáng, chị Thoa xóm tôi lục đục luộc ốc, cho vào bao, kèm theo túi gai bàn chải, chở ốc vô chợ Tuy Hoà bán sỉ. Tôi thắc mắc, ngày nào cũng có hàng chục bao, tính cả tấn ốc vào chợ đều được “nuốt sạch” mà không xảy ra tình trạng ế ẩm, trả treo, ép giá như hàng hoá nông sản khác. Ngồi ăn hết một bụm ốc, mất vài chục phút, béo bổ cái nỗi gì mà ốc ruốc không bị “đắt đồng ế chợ”. Nghe vậy, Chị Thoa giải thích: “Anh Hai không biết đó chớ, anh cứ ăn thử vài lần, lở ốc quen tay là thấy ghiền liền hà!” Chị Thoa nói rằng, ốc ruốc là thứ ăn chơi, ruột ốc tuy nhỏ nhưng mỗi lần dùng gai bàn chải “khèo” nó ra khỏi vỏ là một cái thú; khi đưa nó vào đầu lưỡi nhăm nhắp một chút vị mặn ngon ngót, thơm lờ, trôi tuột là dịch vị kích thích phải nhanh tay khèo cái nữa, cái nữa…1kg ốc mấy bà, mấy cô bán hàng ngoài chợ ngồi lở trong “nháy mắt”; (ý muốn nói là lở ốc cực nhanh) 2000đ/ lon, 4 lon 1kg, ăn hết kg này, kg nữa không biết no mà chưa thấy đã thèm. Ăn thức gì “no mất ngon”, chứ riêng ốc ruốc, ăn càng nhiều càng thấy “ghiền nặng”, chưa thấy ai biết ớn là gì!
Thảnh thơi ngồi chơi lở ốc - những người ngồi chợ bán hàng, trẻ con, học sinh, sinh viên vùng biển ạo ực đợi mùa, rỗi việc là ăn ốc ruốc. Tranh thủ thưởng thức hương vị quê nhà; vì mỗi năm chỉ có một mùa - từ tháng hai đến tháng tư ốc ruốc theo sóng dạt vào bờ - ban tặng cho đời và để gợi nhớ cho những ai ưa “ăn để thưởng thức” về một loài ốc biển nhỏ nhoi nhưng đầy ý vị, trước khi vỏ của chúng trở thành những tấm mành mỹ nghệ./.



(Đ/c: Sở VHTT – 220 Trần Hưng Đạo – TP Tuy Hoà – ĐT: 057.827767)


TÔI VẪN NGHE ĐÀI PHÁT THANH

TÔI VẪN NGHE ĐÀI PHÁT THANH
Mạnh minh Tâm
Nhiều người cho rằng, truyền hình là phương tiện dùng cho giới thượng lưu, còn phát thanh là phương tiện giải trí của dân nghèo. Tôi không nghĩ vậy, mỗi phương tiện đều có lợi thế riêng của nó. Tùy vào gia cảnh, địa bàn cư trú, tuổi tác, sở thích... để lựa chọn cho mình kiểu nghe, kiểu đọc, kiểu xem sao cho phù hợp. Là dân nông thôn miền núi muốn xem truyền hình phải coi lại nơi ở của mình truyền hình đã phủ sóng tới chưa, rồi phải có bạc triệu để chọn hiệu, chọn máy. Muốn xem báo viết, tìm đến “bét mắt” cũng không có và khi có được nó thì cũng chỉ nhận những thông tin muộn. Nói chung sử dụng hai thứ nói trên đối với người dân vùng biển, miền núi, vùng sâu, vùng xa là bất tiện. Vì vậy, với tôi phát thanh vẫn là phương tiện thông dụng nhất.
Năm nay đã bước vào tuổi sáu lăm, tôi nghe đài từ cái thời “Làm trai cho đáng nên trai, đi đâu cũng vắt cái đài bên lưng”. Hồi đó mua một cái máy Radio hiệu Filip phải tốn cả lượng vàng. Nghe đài riết rồi ghiền, không có nó một bữa cảm thấy như thiếu thiếu cái gì. Điều đó cũng dễ hiểu thôi! Cái đài radio là vật bất ly thân đã gắn bó với mình từ trong chiến tranh. Khi vắt vẻo trên cánh võng trong rừng sâu mà nghe được tiếng hát thánh thoát của nghệ sỹ Tường Vi, nhận được tin thắng trận từ các chiến trường. Sau ngày hòa bình thống nhất làng xã chưa có điện, radio là vật dụng duy nhất cho cả nhà nghe tin tức, giải trí. Bây giờ có lắm cái nghe nhìn, nhiều gia đình vứt nó vào xó nhà để đóng bụi meo mốc, thấy mà tiếc. Riêng tôi vẫn thường xuyên nghe đài phát thanh, không phải vì nhà không sắm nổi ti vi mà vì tuổi đã cao - đọc báo, xem truyền hình ngồi lâu không chịu nổi chứng đau lưng mỏi mắt.
Hơn nữa, nghe đài phát thanh cũng có cái thú của nó. Tuổi già ngủ dậy sớm, chế bình trà nóng, vừa thưởng thức mùi trà thơm phưng phức, vừa nghe tin tức buổi sáng về tình hình trong tỉnh, trong nước; một ngày mới bắt đầu bằng những thông tin của phát thanh làm sảng khoái tinh thần, gợi mở cho tôi những ý tưởng làm việc hiệu quả; vót nan đan giỏ, cuốc cỏ sắn mía, làm rẫy, dọn vườn ... vừa làm việc, vừa nghe đài; một công đôi việc, quên nỗi nhọc nhằn, ngày như ngắn lại mà kết quả lao động như dài ra. Tiện lợi nhất là những khi ở trang trại, đêm xuống một mình nằm giữa núi rừng quạnh hiu có đài nghe ò e ỏn ẻn đỡ buồn. Lúc này đài phát thanh trở nên người bạn tâm tình thân thiết hơn ai hết. Bạn bè tôi ở Sông Cầu nuôi giữ bè tôm, hàng ngàn nông dân đi làm từ sáng sớm, trở về lúc đỏ đèn; quanh năm trong hoàn cảnh ấy, tôi hình dung nếu không có đài phát thanh, chúng tôi không biết phải làm gì để có được thông tin giải trí.
Nói như vậy, không phải vì tôi già nên ưa nghe đài phát thanh. Mà tôi muốn khẳng định một điều, đài phát thanh vẫn là phương tiện chủ yếu nhất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa thông tin lành mạnh đối với dân quê chúng tôi, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi. Nên tôi vẫn nghe đài phát thanh !