Wednesday, December 17, 2008










HUỲNH VĂN QUỐC


LÃNG MẠN GIAO THỪA


Không mãi bảo "tuyệt vời" để nói về mọi thứ
Sao mọi thứ giờ đây như gọi như mời
Bàn tay mẹ, bàn tay em ấm áp
Từng chiếc rim gừng hôi hổi tối ba mươi

Câu đối liễn từ nhiều năm chúc phúc
Đang trầm tư bên khói nhang trầm
Ai gửi lại thuở tươi nguyên cảm xúc
Lại hiện về vẫn bao nét tri âm

Những ca khúc chào xuân rộn ràng trên vô tuyến
Rót về đây chật chội cả căn nhà
Dẫu mai đây là gì, ai biết trước?
Câu chúc mừng vẫn mãi ngân nga...


Hoa vạn thọ khẽ rung rinh ánh sáng
Cây phát tài lừng lựng hương thơm...
Lòng trời đất lại một lần rộng mở
Bao giấc mơ lại đầy ắp tâm hồn.





VỀ ĐÂY SAY NHỊP TRỐNG ĐÔI
Mạnh Minh Tâm
Nghệ thuật múa trống đôi của dân tộc chăm hroi, Ba nah ở huyện Đồng xuân (Phú Yên) cũng như các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian không xác định được ai là người sáng tạo và nó có từ bao giờ. Song trong tiềm thức của mỗi người dân ở đây, múa trống đôi đã trở thành báu vật, hồn trống ăn sâu vào máu thịt của dân làng, đặc biệt trống đôi là món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp lễ hội.
Dân tộc chăm hroi, Ba nah có ít lễ hội, lễ hội thường gặp là: Lễ cúng mừng sức khỏe, lễ bỏ mã, lễ cầu mùa, mừng cơm mới; trong đó lễ hội Đâm trâu (xoay cột) được coi là lễ hội có quy mô nhất, số cộng đồng tham gia đông vui nhất; bởi nó không cấm cứ hay cự tuyệt các cộng đồng làng xã khác tới dự mà còn mở cửa cho khách thập phương cùng vui chơi chan hòa với niềm phấn khích hoan hỉ. Những ai là công chúng phố thị, may mắn được một lần dự lễ hội này sẽ không ngăn nổi sự phấn khích vào hội khi xem trống đôi biểu diễn.
Với tư cách làm nhạc nền cả tiết tấu và giai điệu cho phần hội: trống đôi, cồng 3, chinh 5 là một bộ hòa thanh trứ danh làm cho cuộc hội đông vui đến nức lòng, trong đó vai trò và tác dụng của múa trống đôi thường gây ấn tượng mạnh nhất. Mỗi loại nhạc cụ có điệu thức riêng: Chinh 5 giữ giai điệu khoan nhặt, thanh thoát âm vang ngân xa; cồng 3 giữ bè trầm sâu lắng mượt mà, nhưng nghe lâu sẽ đơn điệu dễ bị nhàm chán; cho nên sự có mặt của trống đôi luôn làm cho người ta "say hội"; làm cho cuộc hòa thanh tìm được sự đồng điệu, chảy rót vào nhau, tạo cho cuộc hội đạt tới cao trào của sự hứng khởi "Còn tiếng trống đôi hội chưa giả bạn" là vậy . Sự hấp dẫn của múa trống đôi thật khó tưởng tượng và diễn tả một cách tách bạch. Bởi nó có tiết tấu, âm điệu không như trống tuồng, trống trận, trống chèo... Tuy nhiên qua đôi lần quan sát có thể nhận thấy được những nét cơ bản về tính độc đáo của loại nhạc cụ này, dưới góc độ thưởng thức cảm nhận.
Trước hết, điệu thức của trống đôi là một tập hợp những chuỗi tiết tấu đầy ngẫu hứng, không được giới hạn trong một trường độ, cao độ nhất định. Đôi nam nghệ nhân ra biểu diễn, mỗi người một trống mang vào vai và múa máy theo nhịp trống từ chính đôi tay của họ tạo ra; tiết tấu thưa nhặt, dồn dập, âm điệu ngẫu biến chồng lên nhau, biến hóa sắc màu gợi lên trong trí nhớ người nghe sự tưởng tượng - âm điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác đổ của đại ngàn. Múa trống đôi còn có một ngữ điệu rất riêng đó là thông qua tiếng trống, điệu múa của hai nghệ nhân biểu diễn họ có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm như một cuộc giao tiếp chuyện trò. Người Chăm hroi, Ba nah ở huyện miền núi Đồng Xuân cho rằng đánh trống đôi là một cách nói chuyện sâu lắng nhất. Khi hai người song diễn luôn luôn có một người nêu câu hỏi và buộc người cùng chơi phải đối đáp; tiếng trống thay cho lời, điệu múa nói lên cách ứng xử. Đồng điệu, thích nhau thì âm trống, điệu múa hòa quyện nghe rất "sướng tai, lạ mắt". Còn ví như không ưa nhau thì tiếng trống nghe đốp chát, nghỉnh ngảng, tức giận biểu hiện coi thường bạn chơi. Do đó nghệ nhân múa trống đôi phải là một cặp "ngang sức ngang tài" người tung, kẻ hứng hiểu ý nhau mới giữ cho cuộc chơi trọn vẹn. Già làng kể rằng, có một bận hai làng cử đại diện giao lưu, thử sức tài nghệ múa trống đôi; cuộc chơi giữa chừng, nghệ nhân làng bên cởi trống đôi vung quẩy bỏ về, người xem theo hỏi tại sao? Anh ta nói rằng "nó coi thường, chơi xỏ tao" công chúng ai mà biết nghệ nhân kia đã chơi xỏ cái gì? Điều đó chỉ có hai nghệ nhân mới rõ. Già làng khẳng định "Ai không thạo trống đôi không nghe được lời của nó"
Trống đôi còn một nét độc đáo nữa đó là nghệ thuật biểu diễn, trống không gọi là đánh trống mà gọi là múa trống đôi. Chơi trống còn "bập bẹ" thì có nhiều người biết nhưng để đạt trình độ nghệ nhân, thể hiện được đặc tính nói trên thì một làng chỉ có vài người. Biểu diễn trống đôi rất khó, đây là một cuộc chơi tổn hao trí lực. Một nghệ nhân chưa tập luyện trước, phục vụ một đêm lễ hội cơ thể mỏi nhừ hơn một ngày vung dao phát rẫy. Cứ tưởng tượng mà xem, mang một cái trống nặng bốn năm ký, đôi tay thường xuyên múa máy va đập chặt xuống, vuốt lên hai bên mặt trống, tang trống để tạo nên âm thanh toóc, toóc, bụp bùm bum, chát...toàn thân lại phải tung bật, nhảy múa liên hồi; những lúc tiết tấu dồn dập sướng lên còn xoáy hai mũi bàn chân vào nền múa, tóe bụi mới đã. Cách chơi như vậy, người có đủ trí lực múa trống đôi chỉ là những nam thanh niên khỏe mạnh.
Với đặc tính độc đáo, đạt trình độ cao của nghệ thuật biểu diễn; trống đôi là một nhạc cụ thuộc loại quý hiếm của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Phú Yên đáng được trân trọng gìn giữ và phát huy. Nhạc sỹ Ngọc Quang - Phó Giám đốc sở VH,TT,&DL là người nhiều năm để tâm nghiên cứu, gắn bó với nhiều loại nhạc cụ dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên đã có nhận xét: "Múa trống đôi là một sự phối hợp đầy ngẫu hứng và sáng tạo, rất độc đáo của người Chăm, Ba na. Điều kỳ diệu là những nghệ nhân ở đây họ chưa hề biết một nót nhạc nhưng khi biểu diễn họ ứng biến tài tình như một nhạc công, đạt trình độ "cao siêu". Từ ngẫu hứng dâng trào dẫn đến tự do phá thể, nghệ thuật múa trống đôi có nét ngẫu hứng giống như nhạc công chơi nhạc Jazz. Tôi có trạng thái tâm lý khi nhắm chút rượu cần, nghe trống giục giã là không thể ngồi yên mà như về đây để say nhịp trống đôi"./.
..........................................................................................................................................
(MMT Đ/c: Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Yên- 220 Trần Hưnng Đạo - TP Tuy Hòa,
ĐT: 057.3827767- 0989867337)