Thursday, August 6, 2009


LÀNG TÔI THỜI ĐÁNH MỸ

Mạnh Minh Tâm

Làng tôi trải dài theo chân những triền núi, trong thế đứng "sơn bao thuỷ bọc". Làng lưng dựa vào núi, trước mặt là những cánh đồng vuông vắn xanh mượt luỹ tre được dòng Trà Bương tưới tắm phù sa sau mỗi mùa lũ lụt.
Không biết ai đặt và tên làng có tự bao giờ? Nhưng với tôi, tên làng có ý nghĩa như một định hướng sống đẹp. Bà tôi thường dạy rằng: "Sống có đức không sức mà nấu", hãy lấy tên làng để răn mình, sửa người; ăn ở có tâm, có đức thì mới mong thònh vượng, phát đạt, hậu vận tươi sáng". Vì vậy, mỗi bận xa quê, mỗi thành đạt may mắn trong cuộc sống tôi luôn nhớ nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình - Làng Thạnh Đức.
Nằm trong địa thế "đất hẹp, núi vươn dài", Thạnh Đức như một dãi lụa lượn mình, thắt trải dọc dài giữa trùng điệp núi đồi và bên dòng sông con Trà Bương thơ mộng. Có lẽ do chiều dài "quá khổ" và cũng có lẽ để dễ phân định địa cuộc, làng chia thành ba vùng: Thạnh thượng, Thạnh trung và Thạnh hạ. Mỗi vùng luôn gắn với những nhân vật có tên tuổi, đỗ đạt, quyền thế giàu có - như: Ở Thạnh thượng có ông Tú Phương, tú Tích; ở Thạnh trung có ông Ấm Ba, xã Hường, Kiểm Bưởi, Bầu Diệp, phó Lưỡng; ở Thạnh hạ có Tuần Bốn, Học Bảy, Võ Cao Thức (ông Đính), xã Thêu…nhờ vậy những người cùng quê, thân quen gặp lại nhau tiện dịp thăm hỏi, nhận ra nhau khi xa xứ. Một lần gặp ông Tú Phương ở Hà Nội, ông hỏi: "Cậu ở Thạnh Đức thuộc vùng nào, thượng trung hay hạ? Dạ cháu ở Thạnh Trung, Gần nhà ông Kiểm Bưởi; - tớ biết rồi!" Đặc điểm và ấn tượng của làng tôi là vậy đó.
Nhưng đặc trưng nhất, làng là một vùng có nhiều xứ hóc: "Hóc Bướm, hóc Ống, hóc Kè, hóc Tre, hóc Ké, hóc Màn Gà, hóc Rùa, hóc Chanh, hóc Son, hóc bà Nổ, hóc ông Ngõ…" . Hóc Tre nơi sinh ra cựu bí thư huyện uỷ Tạ Sơn Xuân, Hóc Son nơi sinh bí thư huyện uỷ Nguyễn Chung, Phan Xuân Phổ. Những cái "hóc" thọc sâu vào tận chân núi đưa nước suối về đồng, tháo nước lũ về sông là những thung lũng trù phú nuôi sống các cụm dân cư của làng; cũng là nơi một thời đùm bọc, chở che cho những hoạt động cách mạng, nơi ẩn trú trù mật cho du kích làng tôi kiên cường đánh Mỹ.
Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ. Thạnh Đức là một vùng phải hứng chịu nhiều bom đạn, những trận càn quét, dày xéo không kể xiết; song dân làng vẫn chịu đựng, một lòng theo Đảng làm cách mạng cho đến ngày toàn thắng.
Biết bao sự kiện, những hoạt động của các chiến sỹ cách mạng lão thành đã chứng kiến, nhắc nhớ tấm lòng nhân hậu, thuỷ chung son sắc của người dân quê tôi. Lịch sử xã Xuân Quang mãi ghi nhớ tên tuổi cuả những chí sỹ yêu nước như: Mạnh Tuyển, Huỳnh Thượng Trung, Trần Ngũ Phương, Võ Cao Thức…là những chiến sỹ tiên phong nhóm lên ngọn lửa chống Pháp thời kỳ đầu của thế kỷ 20. Đã có một thời làng được chọn làm mật khu cho những cán bộ tỉnh uỷ Trần Suyền, Bùi Tân, Châu Phước Khanh…đã từng hoạt động cách mạng. Nhưng gian khổ và ác liệt nhất làng Thạnh Đức phải gánh chịu là những năm tháng hào khí cả nước sục sôi đánh Mỹ.
Mặc cho những vây ráp, khủng bố, bắn giết, tù đày dân làng vẫn bền bỉ, tận trung với những hoạt động: Nuôi giấu cán bộ, tiếp tế, dân công mã tải…Trai tráng, dân làng thời ấy người thoát ly đi bộ đội, người vào du kích; vào nhà dân chỉ thấy người già, đàn bà và con trẻ. Chú Bình Phương, Phú Mỹ tuổi mới mười hai, mười ba đã vào du kích. Do vậy, địa thế và lòng dân của Thạnh Đức được Mỹ Nguỵ coi là điểm đỉnh "Vùng Cộng sản cồ" để chúng mặc sức bắn phá, càn quét không thương tiếc. Bất kể ngày đêm Thạnh Đức luôn nằm trong tư thế "lãnh đạn"; Pháo 105 từ Trung tâm Biệt Kích Đồng Tre (Xuân Phước) bắn xuống; pháo cối 60-81 ly từ giồng Bà Cò (thôn Phước Nhuận) bắn qua; Pháo từ Chi khu quận Đồng Xuân vút lên…cái chết do "canh nông" của Mỹ Nguỵ luôn rình rập, tàn sát dân làng. Má bảy đang cấy giữa đồng bị pháo chụp ( pháo nổ trên không) chết tại chỗ; Chị Biên, con Ngọc, thằng Đóng - bạn tôi chăn bò đang ngồi chơi ô ruộng bị một trái cối 60 tan xác; nhà bà Cỏn bị một qua pháo dũi (pháo nổ chậm) cả nhà năm người chết sạch… Cùng với pháo là những trận không kích, oanh tạc của các loại máy bay dội xuống hàng chục tấn bom xăng, bom bi, rocket, chất độc màu da cam… làm tan cửa, nát nhà - khủng khiếp! Đất hòn Quế, hòn Kiểng, giồng Da, hòn Sơn, Giếng Đá... quặn mình, rung chuyển, loang lỗ trong lửa đạn.
Ác liệt nhất là vào thời điểm những năm 60, địch thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp theo chủ trương "Bình định nông thôn"- "Chiến dịch Phượng Hoàng" nhằm ly gián dân làng với hoạt động cách mạng. Bọn tay sai nguỵ quân- nguỵ quyền được dịp hung hăng, hiếp đáp. Làng Thạnh Đức lúc này bị giành giật trong cảnh "Tạ Xuân biểu ở, Tạ Sở biểu đị" (*), những trận càn quét đốt phá, cướp bóc, hãm hiếp xảy ra như cơm bữa. Tội ác chồng chất là lính Biệt kích Đồng Tre và Sư đoàn Mãnh hổ Đại Hàn - Nam Triều Tiên; trong một trận càn của lính Đại Hàn, gia đình ông Chánh Lợn đang trú trong hầm tránh pháo, chúng đã xả đạn giết chết cả nhà.
Trên bom dưới đạn, mặc cho kẻ thù o ép vùi dập, dân làng vẫn gan dạ kiên trung "Ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản" ( câu chưởi đổng của kẻ địch thường sử dụng trong tra tấn khi bắt được dân làng tham gia các hoạt động cách mạng). Thực ra không có cơm nào của "Quốc gia" cả. Những hạt cơm nuôi sống người dân quê tôi - chính họ làm ra, không chỉ một nắng hai sương mà còn phải chịu gian nan trong cảnh "bom rơi đạn nổ"; để có được hạt gạo họ phải làm lụng, nhịn nhặt không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn gói gém tiếp tế cho cách mạng.
Gian khổ cơ cực là thế, người dân quê tôi còn phải chịu những cuộc áp bức tù đày. Chiến tranh tàn phá, làng xóm xơ xác tiêu điều. Thời ấy, dân làng trên trăm hộ, phần lớn là những gia đình có con em, người thân đi bộ đội, du kích. Họ bám trụ để sản xuất, giữ mối liên hệ giúp đỡ người nhà đồng thời cũng là những cơ sở cách mạng kiên trung. Vì vậy họ phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm; bình quân trong dân làng, cứ ba người thì có một bị địch bỏ tù hoặc quản thúc. Ở tù thì bị đánh đập, tra tấn đã đành, còn quản thúc cũng có nỗi khổ riêng - chiều xuống, những người mẹ, người vợ của gia đình có con em tham gia cách mạng; có những mẹ, chị con còn nhỏ phải bồng bế, lặn lội đi bộ trên hàng chục cây số tới các đồn bót quận lỵ để kịp trình diện, chịu sự giám sát của các "quan thầy" nguỵ quyền. Sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy nguỵ quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà chỉ gieo rắc thêm nỗi căm hờn. Đêm bị quản thúc, sáng ra về họ vẫn cần mẫn với công việc thường ngày: Làm ruộng, vót chông, ủng hộ cách mạng. Bọn nguỵ quyền bất lực, coi dân làng Thạnh Đức như những "con ốc lờn gai" là dân cứng đầu cứng cổ; mặt khác chúng còn rêu rao đây là dân Cộng sản… Mỗi bận tản cư, tránh những cuộc càn quét, không kích, dân làng phải "ăn bờ ở bụi" không ai dám chứa chấp, vì sợ liên luỵ.
Chiến tranh cứ đè nặng, dồn nén trên đôi vai nhỏ bé chất phát của người dân quê tôi vốn đã chịu đói cơm lạt muối; là một cuộc đọ sức không cân đối, có lúc tưởng như dồn vào bước đường cùng. Vậy mà, với ý chí và niềm tin thắng lợi của chân lý “ Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã giúp họ vượt qua bao nỗi gian truân. Sự đóng góp của họ cũng như bao chiến công thầm lặng; được - mất, người nhớ - kẻ quên… Sau cuộc chiến tranh khốc liệt, xã Xuân Quang 3 được Nhà nước phong tặng, suy tôn 176 gia đình liệt sỹ, 17 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; trong đó Thạnh Đức có tới 111 gia đình liệt sỹ - với trên 250 người đã ngã xuống, 12 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 10 mẹ có 3 con là liệt sỹ. Dẫu biết, trải qua chiến tranh là bao nỗi thống khổ, đầy rẫy sự hy sinh mất mát; song mỗi khi nhắc tới vẫn thấy bùi ngùi, cay cay khoé mắt. Thắp nen nhang lòng, tôi thầm mong lớp trẻ - những người con của quê hương hãy sống xứng đáng với truyền thống mà ông cha đã dày công vun đắp.
Hơn 30 năm được hưởng cuộc sống thanh bình, làng Thạnh Đức ngày nay đã hồi sinh thay da đổi thịt. Hôm nay có dịp vui vầy bên chén trà, lớp trẻ được nghe Bác Năm Trương kể chuyện ví von: “Dân làng mình thời đánh Mỹ thật khốn khó, đắng cay đủ điều; có thể ví họ như thân những cây Trắc trơ lõi, vững chãi trên những trảng cỏ Cay khô cằn trơ trụi, biết bao lần bị thiêu đốt cây lại liền da, lá lại liền cành, chồi vẫn tươi xanh để góp cho đời những cây cảnh đẹp. Chiến tranh đi qua là một cuộc thử thách kiên cường, sức sống và sự gan dạ chịu đựng của dân làng mình thật kỳ diệu”.
Đêm trăng thanh, nước Hồ Phú Xuân lấp lánh tuôn chảy tưới mát cho ruộng Rộc Xoài, Đồng Thành, Núi Một…xanh mượt, ngào ngạt hương đồng. Một hồn quê thấm đẩm máu cha ông./.
MỪNG TẾT TRUNG THU, NHỚ TÍCH CŨ
Mạnh Minh Tâm
Một năm trong chu kỳ tuần hoàn của đất trời. Kinh nghiệm dân gian đã đúc kết phân chia thời gian ra nhiều thời đoạn. Mỗi thời đoạn được gắn với một tiết, hậu nhất định như tết Nguyên Đán hết một vòng 4 mùa; tết Thanh minh tháng 3, chuyển sang thời tiết trong sáng; tết mùng năm tháng 5 thời tiết chuyển sang chính Dương nên thường gọi là tết Đoan ngọ hay Đoan dương; các tết Trung Nguyên rằm tháng 7, Trung Thu rằm tháng 8 cũng gắn liền với tiết hậu. Lịch âm đã chia 15 ngày một tiết, 5 ngày là một hậu. Đó là chia theo sự vận động chu kỳ của khí trời đất trong một năm. Cả những biểu thị được nông dân xưa gọi là tết như: Tết Hạ Đồng, tết Thượng đồng, cơm mới…cũng quan hệ chặt chẽ với tiết, hậu. Vì vậy từ " tết" đã được các nhà nghiên cứu văn hoá học chấp nhận cho rằng "tết" có thể là âm biến của từ "tiết".
Dù tết có thể là âm biến của từ tiết nhưng sắc thái, nội dung của chúng không hoàn toàn như nhau. Khi nói "hôm nay là tiết Trung thu" thì chỉ là nhắc đến một sự chuyển đoạn chu kỳ khí tượng. Nhưng khi nói "hôm nay là tết Trung thu" thì sẽ được hiểu: Hôm nay là tết Trung thu mình và mọi người phải làm gì để cử hành ngày ấy trong không khí ngày tết.
Theo Từ điển Lễ hội Việt Nam, tết trung thu là một cuộc vui của thiếu nhi vào đêm rằm tháng 8. Còn gọi là tết trông trăng, tết trẻ con, sắm đồ chơi cho con trẻ ngắm trăng. Vì trăng đêm rằm tháng 8 là to nhất, trong sáng nhất so với trăng rằm các tháng trong năm.
Tục truyền, thời vua Đường Minh Hoàng vào một đêm trăng rằm tháng 8 nằm mơ thấy một đạo sỹ đưa lên Cung Quảng Hàn tận trên mặt trăng. Nhà vua đắm mình trong cảnh đẹp lộng lẫy, với những nàng tiên lượt là trong điệu Nghê Thường. Tan giấc mơ, vua nuôí tiếc cảnh Trung thu ở cung trăng, nên bèn đặt ra tết trung thu hàng năm để ngắm trăng và cho chế soạn ra vũ khúc Nghê Thường để thưởng ngoạn.
Mừng Trung thu hàng năm, tuỳ vào điều kiện của từng gia đình; ngoài những lễ vật truyền thống để cúng gia tiên, cỗ Trung thu chủ yếu là bánh trái và hoa quả…để trẻ em phá cỗ Trung Thu khi trăng lên sáng toả. Cùng với các thú vui ngắm trăng là đồ chơi trẻ em đủ mọi lứa tuổi là các loại lồng đèn Ông sao, đèn kéo quân…đủ kích cỡ, màu sắc. Tại các sân chơi trẻ em có múa lân, các trò chơi dung giăng, dung dẻ "dắt trẻ đi chơi", bịt mắt bắt dê…
Mỗi lễ hội dân gian đều gắn với những truyện tích ly kỳ và huyền thoại. Tết Trung thu có ý nghĩa đón mừng một thời đoạn chuyển kỳ của khí hậu, thưởng ngoạn đêm trăng thanh bình. Đặc biệt, đây còn là dịp nhắc nhở các bậc phụ huynh, các cấp, các ngành hãy quan tâm nhiều hơn nữa, dành những điều kiện tốt nhất để chăm lo cho thế hệ tương lai - con em của chúng ta./.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Đ/c: Sở VHTT Phú Yên -220 Trần Hưng Đạo - TP Tuy Hoà)