Wednesday, July 29, 2009



Tuyệt kỹ chậu kiểng
MẠNH TÂM - HÙNG PHIÊN

Tại huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên), chàng trai Ngô Hoài Anh với những trăn trở tìm ra tuyệt kỹ đúc chậu kiểng đã tự mình thoát nghèo và góp phần giải quyết lao động tại địa phương.
TÌM TRONG CHÍNH MÌNH
Đúc chậu thông thường bằng theo khuôn đúc sẵn thì ai cũng có thể làm được. Nhưng chậu cho cây kiểng nói chung và thể loại chậu bonsai là phải đáp ứng dáng thế theo tiêu chí mà dân chơi nghệ thuật cây cảnh đặt ra. Có thể ví cây kiểng như chiếc áo, còn chậu kiểng là cái quần và người đúc chậu là một nhà phục trang tinh đời làm cho cả chậu và cây kiểng trở thành một tác phẩm nghệ thuật.
Với vốn kiến thức từng làm nghề sửa chữa điện tử và am tường nghệ thuật chơi cây kiểng, sau nhiều năm trăn trở, nghiên cứu thị hiếu khách hàng, anh đã thiết kế ra hàng loạt các kiểu dáng chậu, đồng thời với tự chế ra những bàn xoay, cần gạt, rôlăn chạy chỉ, khuôn dập hoa văn, in chữ nổi, bí quyết pha tráng màu… Bí quyết đó đã làm cho cơ sở đúc chậu bonsai Hải Yến sản xuất hàng loạt sản phẩm chậu cây cảnh có đủ kích cỡ, kiểu dáng: chậu hình chủ nhật, vuông, tròn, oval, thuẩn, lục giác, bát giác… chậu ống, khay non bộ, tiểu cảnh, đôn chậu. Mỗi thể loại có đủ: lớn, nhỏ, cao, thấp…mặc cho khách hàng thoả thích lựa chọn mà không đụng hàng với bất cứ loại gốm sứ hiện có trên thị trường trong nước... cả gốm sứ Giang Tây Trung Quốc.
Để tồn tại và khẳng định thương hiệu Hải Yến trên thị trường chậu cảnh bon sai, Ngô Hoài Anh cũng đã trải qua những chặn đường gian khó. Anh tâm sự: “Vợ chồng mình vốn là công chức, về đất núi làm ruộng rẫy thì quả là không quen, nhưng bù lại tôi tự học và biết sửa chữa tivi, đầu chiếu vidéo từ thời các Đài truyền hình còn phát trắng đen; nhờ vậy mà có điều kiện xoay trở để lo cho mấy đứa con thi đậu và đều tốt nghiệp đại học. Những năm trước, có lúc túng thế còn phải xây hồ nuôi ốc bưu vàng bỏ cho các quán nhậu, trèo đèo lội suối săn tìm cây cảnh. Và chính cái thú chơi cây cảnh đã thúc giục tôi mày mò đến với nghề đúc chậu kiểng”.
ĐẤT NÚI THÀNH CHUỐI THÀNH ĐƯỜNG!
Anh nói, chơi cây cảnh thì phải có chậu để giâm trồng. Tự sản xuất thì bớt phải bỏ tiền mua chậu, nhưng cái thú nhất là được làm ra những kiểu dáng chậu hợp với ý tưởng của mình. Nguyên liệu đúc chậu, đơn giản chỉ là xi măng và cát. Nhưng để thoả mãn tính thẩm mỹ của khách hàng phải suy nghĩ tạo mẫu mới có được những chậu cảnh bon sai phong phú về kiểu dáng và kích cỡ. Chậu men, sứ đầy dẫy về các kiểu dáng và màu sắc, nhưng chậu cảnh Hải Yến vẫn được thị trường tín nhiệm bởi có đủ kiểu dáng, kích cỡ, mới lạ và phong phú; màu sắc không phai, nước sơn không bong tróc; nắng nóng giữ độ ẩm cho cây, mùa mưa không úng nước; hàng bền đẹp nhưng giá lại rẻ. Với ưu thế đó, cộng với cát sạn tại chỗ, lao động là người địa phương thiếu việc làm, giá nhân công rẻ. Những năm qua, cơ sở chậu cảnh Hải Yến đã đầu tư mua trên 2.000m­­­­­­­­2 đất gò để mở rộng sản xuất. “Ai chê đất núi, tôi quyết biến nó thành chuối thành đường!”-Ngô Hoài Anh quả quyết.
Từ chuyến hàng xuất xưởng đầu tiên vào năm 2000 đến nay, cơ sở chậu cảnh bon sai Hải Yến không có khái niệm hàng tồn đọng. Hàng sản xuất ra đến đâu, các đại lý nhập đều đến đó. Hàng ngày, trên 20 công nhân phải luôn tay làm việc để từ 3-5 ngày đảm bảo có lượng sản phẩm đủ chuyến xe theo đơn đặt hàng của các đại lý ở Phú Yên, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên…
Có được đầu ra ổn định, doanh thu Hải Yến bình ổn mức 30 – 50 triệu đồng/tháng, lương công nhân bình quân trên 1 triệu đồng/tháng, là mức thu nhập khá ở một huyện miền núi như Đồng Xuân. Trừ hết các khoản chi phí ông chủ Hải Yến cầm chắc hàng trăm triệu đồng/năm. Hàng chất lượng, giữ được chữ tín trong giao ước với khách hàng, người nhận tiêu thụ sản phẩm được hưởng 20% chiết khấu trên một sản phẩm, nhận chuyến hàng sau phải thanh toán đủ, sòng phẳng chuyến trước. Hiện cơ sở này đang có dự định vươn ra nhận xây cất nhà sàn bằng vật liệu: trụ bê tông giả gỗ, sàn vách tre, mái lợp lá cọ, lá dừa nước… cho các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
M.T-H.P