Thursday, February 19, 2009

XUÂN VỀ QUÊ NHỚ
Tản mạn ngày Tết – Nguyên Đạt

Sáng mồng ba Tết, một buổi sáng yên ắng như mấy buổi sáng của những ngày hôm trước, ngồi một mình trong căn phòng nhỏ ở tầng ba khu chung cư Bella Castello lại càng có cảm giác yên bình quạnh vắng hơn. Ly cà phê buổi sáng nhạt phèo không phải vì thiếu điếu thuốc vàng tay phù trợ mà mà vì lòng cứ đau đáu nỗi nhớ quê nhà. Bây chừ ắt hẳn mùa xuân đã gõ cửa từng nhà, từng làng xã và từng góc phố, mang hơi ấm của những tia nắng lãng du trở về trên đất mẹ sau bao ngày vắng bóng nhưng ở nơi này thì vẫn đang lần bước những ngày cuối đông mưa gió sụt sùi…
Đang trầm ngâm ngẫm ngợi bỗng tiếng điện thoại tấp cập reo lên, tôi nhẩy bổ tới chụp ống nói, sợ đứa cháu ngoại bốn tháng tuổi đang ngủ trên võng thức giấc (chả là tôi đang canh cháu cho bà xã dọn vén bếp núc ấy mà).
-Hello! Đang làm gì đó?
-Ừ. Mình đang… -Tức cảnh sinh tình, tôi đọc đại: -Ừ! Mình đang… Hai tay cầm lấy tao nôi-Tao thẳng tao dùi, tao nhớ tao thương đây.
-Chà… Ướt át quá hả? Mới đầu năm mà đã nhả ngọc phun châu rồi.
-Hổng dám đâu. Thơ mượn đó.
-Tớ biết tỏng đi rồi. Chúc mừng năm mới. Sao Tết nhứt dưới đó có gì vui không?
-Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!!
Câu nói chưa dứt tôi đã cảm thấy ân hận. Cái bệnh ưa buột miệng đọc thơ của tôi (như một lời trách cứ) chừng như khiến anh bạn chửng đi chốc lát (đôi khi người ta hỏi để mà hỏi rồi tự trả lời cho có chuyện thế thôi chứ tâm trạng người tha hương nào lại chả giống nhau!). Anh bạn của tôi ở đâu tận Chicago hay…New York gì đó đang ngồi bó gối ở nhà chẳng biết đi đâu, bởi Tết đến quê người tuyết trắng phau-Ly hương buồn nhớ dạ càng đau.
Hôm nào lang thang trên mạng, đọc mấy dòng thơ ở trang Web của Hội đồng hương mà lòng cứ rưng rưng: Mỗi lần xuân đến nhớ quê hương-Nhớ xóm làng quê mấy nẻo đường-Tre uốn vòm xanh loang ánh nắng-Bướm vờn nhụy thắm đượm hơi sương. Nơi đất khách quê người, khi Xuân đến hoa cười đón gió mới thì lại càng chạnh lòng buồn nhớ tiếc thương: Sao ta lại thấy lòng xa xót-Ngoảnh lại quanh mình vắng mẹ cha…
Người ly hương dẫu vì lý do gì chăng nữa thì thâm tâm bao giờ cũng mong ngóng một ngày về, bởi lẽ Quê hương mỗi người có một, như là chỉ một mẹ thôi. Mảnh đất ấy giàu, nghèo cũng rất thiêng và rất riêng đối với mình vì đó là nơi đã cưu mang mình khôn lớn, là nơi ta chắt chiu biết bao kỷ niệm thân thương của tuổi thần tiên thơ mộng, nơi ta bập bẹ bài học đầu đời để biết Cây có cội mới tỏa cành xanh lá – Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu - Làm người có trước có sau-Có tiên có tổ rồi sau mới có mình. Cho nên Khi ra đi là mang cả hồn quê – Nơi đất khách bao đêm dài nhung nhớ - Để câu thơ trầm buồn như hơi thở - Mãi dọc dài theo năm tháng chía xa…
Nơi miền đất khách, Tết Nguyên Đán chẳng phải là lễ chính nên mọi người vẫn đi làm ở các hãng, xưởng, người già và trẻ con vẫn rú rú ở nhà, mọi sinh hoạt cũng chẳng khác gì ngày thường, có khác chăng là cách bày biện trang trí nhà cửa, đặt bàn mâm quả cho đủ lệ bộ. Ở xứ người, Tết dường như cũng đầy đủ sắc hương. Thế mà chén trà vẫn lạt lẽo trên vành môi. Hộp mứt vẫn còn nằm nguyên trong bao giấy đỏ. Chiếc ghế nơi phòng khách vẫn lạnh thiếu hơi người. Cành hoa mai nhân tạo lạnh lẻo với những cánh vàng nhợt nhạt nở toe toét chẳng bao giờ tàn nhưng chẳng chút mùi thơm. Cánh cửa ra vào của từng căn chung cư hay những căn nhà san sát bên nhau luôn luôn được đóng kín. Ông nào ở nhà bên trái, bà nào chung vách bên phải, thây kệ người ấy, chẳng ai quen biết ai, làm sao chào hỏi, làm sao chúc tụng nhau lời vui ngày Tết.














Tuổi thơ ở đây vô tư với ngày Tết, cha mẹ dẫu cố gắng dạy con mình hiểu về ngày Tết cổ truyền của dân tộc nhưng bọn trẻ dường như vẫn ngu ngơ không hiểu. Chúng không hề rạo rực với Tết cũng chẳng nôn nao với quần áo mới, hả hê nhận bao lì xì giấy đỏ của cha mẹ, ông bà trao cho và tươi cười nói: “Thank you. Happy New Year Chúc mừng năm mới”, rồi dùng bao lì xì đùa vui với nhau, chơi trò tung hứng làm mấy đồng đô-la tung tóe rơi vãi khắp nơi, bởi chúng có khi nào tự mình đi mua sắm thứ gì đâu mà thấy giá trị của đồng tiền. Chả bù ở bên ta, Tết là những ngày vui vẻ, sung sướng và hạnh phúc nhất trong năm của chúng, nào là được ăn cỗ, được mặc quần áo mới, được cùng bố mẹ du xuân, và thích hơn cả là được người lớn lì-xì, cho quà mừng tuổi…
Bỗng nhớ nao lòng về một cái tết xa xưa… hồi ấy, gia đình chúng tôi trú ngụ trong một xóm lao động thợ thuyền, chỗ nương náu của những kẻ nghèo hèn. Biết phận mình, Tết đến anh em tôi thường không mơ tưởng, chờ đợi gì khác; vậy mà có một năm, mẹ đi chợ về thật sớm, gọi hai đứa vô nhà, cho mặc quần áo mới, kỳ diệu hơn, lại còn dúi thêm mấy đồng lì xì vào túi, mừng đến ứa nước mắt. Có tiền, tôi lập tức nẩy ra một ý định, đấy là ăn một tô bún của chị Hoa chả giò cho ra trò. Lâu nay thỉnh thoảng mẹ cũng dúi cho vài hào ăn sáng, nhưng của đáng tội, chiếc tô của tôi chỉ lơ thơ vài cọng bún độn rau ghém với nước chan lỏng bỏng, khác xa với những tô bún, tú hụ đầy nhóc thịt bò, giò heo của mấy người xung quanh. Vậy là mờ sáng mồng một tôi lén dậy sớm, chạy u ra đầu xóm đợi gánh bún của chị Hoa, nhưng tới trưa cũng không thấy tới, thắc thỏm chờ mãi tới mồng bốn mới thấy chị ta ló mặt. Chao ơi! Tô bún bằng đồng tiền lì xí đầu tiên trong đời sao mà ngọt ngon, thấm thía đến thế! Sau này, được đi đây đi đó, đã thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, đặc sản của các vùng miền, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy món nào tuyệt cú mèo như tô bún thời thơ ấu. Tôi nào biết, lâu nay, ngoài việc chạy vạy cái ăn hằng ngày cho cả nhà, mẹ còn bỏ công lao nhọc nhặt nhạnh khi thì cái móng ngựa, từng chiếc đinh, ổ khóa hỏng… dành dụm bán cho đồng nát để cho con có được niềm vui ngày Tết. Còn nhớ xuân nào mẹ với cha-Nhịn miệng cho con miếng thịt gà-Mẹ còn nói dối đà ăn trước-Tự nhiên nước mắt con trào ra…
Tuổi thơ vô tư với ngày tết nhưng người lớn, và nhất là tuổi già thì ngậm ngùi đếm bước thời gian gần đất xa trời, họ chỉ biết ngồi bên chung trà nóng hổi, thả cho tâm trí lang thang gọi về vùng trời ký ức một thời xa lắc xa lơ nào đó ở quê nhà thầm hỏi, nơi ấy bây giờ bạn bè, người thân ai còn ai mất, những người năm cũ và bầu trời ấy có còn như thuở ấy không, rồi ân hận vì mãi cứ lần lữa để cuối cùng phải lỗi hẹn với lòng: Quay cuồng cuộc sống ở phương xa - Bỗng nhớ Tuy Hòa nhớ thiết tha -Nhớ nước sông Đà mùa nắng hạ - Nhớ trời Tháp Nhạn buổi sương sa… và trong dạ sụt sùi nuối tiếc: Từng cảnh từng nhà từng kỷ niệm - Nhớ người, nhớ phố nhớ thiết tha…
Đời sống này quả như là một vạt nắng phất phơ bay. Quê nhà, quê người, quê Mỹ, quê Việt. Chao ôi! Đã là cái thân cỏ bồng mà vẫn còn canh cánh nỗi lo: Làm sao con cháu sum vầy nhỉ - Cúng giỗ ông bà chúc phúc nhau.
Gia đình cậu con trai tôi mấy năm trước vì cảnh nhà đơn chiếc, họ hàng lại ngái xa, chỉ tổ chức những bữa tiệc đứng mừng xuân. Năm nay nhân có ba mẹ mới qua nên chọn ngày chủ nhật gần nhất làm lễ cúng tất niên để cháu con có dịp đề huề sum họp, lưu giữ nếp xưa.
Lần đầu tiên đám dâu con thấy mẹ nấu nướng bày biện cổ bàn quá tươm tất, tròn mắt nhìn, trầm trồ thán phục: -Chao ơi! Mẹ khéo tay quá, tỉa tót các món ăn trông bắt mắt không chịu được. Còn lũ cháu lóc nhóc thì xúm lại hỏi: -Ông ơi! Mình mở tiệc chiêu đãi ai vậy? -Tôi âu yếm xoa đầu từng đứa trả lời: -Hôm nay là ngày Tết, nhà mình dọn cổ mời ông bà tiên tổ về thưởng thức đó. -Út Hương thụt vai lè lưỡi: -Eo ơi! Ông bà chết rồi sao thứ gì cũng mời về ăn thế? -Tôi cười hiền lành: -Tại cháu không hiểu đó thôi, người chết chỉ khác người sống ở chỗ không còn hình dạng nhưng tình cảm thì vẫn còn tồn tại như hồi còn sống đấy cháu ạ! -Nhưng chúng vẫn thắc mắc: -Xa vậy làm sao ông bà tới đây được hả ông?
-Xa vậy làm sao ông bà tới đây được? -Câu hỏi ngây thơ của đứa cháu hiếu động làm tôi chững đi giây lát, “Ừ, ông bà mình trước giờ toàn đi chân đất, có biết đường qua đây với con cháu không nhỉ”. Chưa biết trả lời sao thì đúng lúc, tiếng bà xã từ nhà bếp vọng lên, báo mâm cổ đã chuẩn bị xong xuôi, giúp tôi tránh được câu hỏi “khó” của bọn trẻ, liền đứng dậy, từ tốn đốt mấy nén nhang bước tới đứng trang nghiêm trước bàn thờ lâm râm khấn vái… Mùi trầm hương nồng thơm tỏa ra khắp nhà nghe thật ấm…
TÌNH LÀNG NGHĨA XÓM.

Hương Thanh

Từ nhỏ tôi đã được cha mẹ thường xuyên chỉ bảo, giáo dục về văn hoá ứng xử với những người hàng xóm làng giềng. Thực lòng mà nói lúc đầu tôi hiểu rất ít những điều cha mẹ dạy. Mỗi khi có sự va chạm gì với chúng bạn nhà ở gần bên thì mới từng bước vỡ lẽ. Có lần tôi và thằng Tý nhà liền hàng rào chơi ăn bi, chuyện thắng thua làm tụi tôi cãi vã rồi xông vào ẩu đả. Nghe mấy đứa trẻ kêu la, mẹ tôi bỏ cả bếp núc chạy ra can ngăn. Không biết đúng sai về đứa nào, nhưng mẹ không bao giờ to tiếng. Mẹ xoa đầu thằng Tý, vừa vỗ về nó, vừa nhận hết lỗi về mình vì dạy bảo con chưa đến nơi đến chốn. Rồi mẹ cầm tay tôi kéo về nhà, trong lúc tôi tức đến phát khóc lên vì mình có phần oan ức. Sau khi hỏi rõ đầu đuôi chuyện ẩu đả vừa xảy ra, mẹ giảng giải cho tôi hiểu điều hay lẽ phải, cuối cùng mẹ nói: “ Con phải luôn nhớ, đừng bao giờ để chuyện trẻ con làm mất lòng người lớn. Hàng xóm láng giềng tuy không phải ruột thịt mà hơn ruột thịt đó con ạ. Ông bà vẫn thường dạy: Bà con xa không bằng hàng xóm láng giềng gần. Hoạn nạn có nhau, tắt lửa, tối đèn có nhau”...
Một lần khác, vừa đi học về đến nhà, thấy đàn gà nhà bác bốn đang thi nhau bới bãi rau mẹ mới trồng vừa bén rễ. Nhìn những gốc rau chỏng trơ trên nền đất bừa bãi vết chân gà, tôi bực mình vớ mấy cục đá ném túi bụi vào đàn gà, làm chúng chạy nháo nhác. Đúng lúc đó mẹ đi chợ về. Thấy vậy, mẹ lại ôn tồn bảo: “Thôi đi con, không ai nuôi chó một nhà, không ai nuôi gà một sân. Nó lỡ phá rồi có đánh chết bãi rau cũng có như cũ được đâu, mẹ sẽ trồng lại đám khác”. Tôi định cãi mẹ vì thấy mẹ lúc nào cũng nhường nhịn, nhưng nhìn khuân mặt bình thản và phúc hậu của bà lòng tôi đã dịu lại. Sau đó, trả biết mẹ nói gì với bác bốn mà tôi thấy đàn gà nhà ông không còn phá rau nhà tôi nữa. Một ngày kia nhà tôi có chuyện buồn. Đó là lần đứa em trai dưới tôi gọt trái đu đủ chín bằng con dao phay, sơ ý thế nào hất mũi dao vào mắt đưa em gái mới chập chững biết đi làm nó bị trọng thương. Hôm đó cả cha mẹ tôi đều ở nhà nhưng vì quá bất ngờ, quá thương xót con nên cứ rối tung cả lên. May mà bà con lối xóm kịp thời qua giúp đỡ đưa em tôi đi viện. Suốt thời gian cha mẹ tôi thay nhau nuôi em ở bệnh viện, ngày nào cô bác hàng xóm cũng có mặt ở nhà tôi vừa thăm hỏi bệnh tình, động viên anh em tôi học hành, vừa lo giúp cha mẹ tôi chuyện cơm nước, lợn gà và trông nom nhà cửa, vườn tược. Nhờ có sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng gia đình tôi đã vượt qua được cơn hoạn nạn. Em gái tôi được cứu chữa kịp thời nên đã giữ lại được con mắt. Đó là hạnh phúc lớn nhất mà gia đình tôi mong muốn…
Chuyện đã qua gần 40 năm rồi, nay tôi đã ở độ tuổi xấp xỉ ngũ tuần. Nhưng mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thấy lòng mình rộn lên điều gì đó rất khó tả và thấy cay cay trong mắt. Sống trong đất nước hoà bình, tôi may mắn hơn mẹ rất nhiều vì được học hành đến nơi đến chốn, có bằng này bằng nọ lại được đi đó, đi đây. Nhưng so với mẹ tôi vẫn tự nhận thấy mình kém cỏi rất xa. Mẹ trình độ học vấn thấp mà sao văn hoá cao đến thế. Bởi những bài học đầu đời về lối ứng xử tình làng nghĩa xóm mà cha mẹ dạy bảo vẫn luôn đeo đuổi trong tôi, dẫn dắt tôi trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Tôi vẫn phải luôn cố gắng lĩnh hội những điều tốt đẹp nhất về tình làng nghĩa xóm mà mẹ cha đã dạy từ thuở nào, để giáo dục con cái mình như cha mẹ đã từng giáo dục tôi./.
tÕt quª
Trương Đức Thuận

Tờ lịch tháng Chạp cuối cùng sắp được bóc, khiến lòng tôi trào dâng một nỗi niềm khó tả. Vậy là, một năm nữa sẽ trôi qua! cảm giác xa vắng của một người ly hương lại trỗi dậy. Lòng nhủ lòng, mới đó mà đã mười hai năm, mười hai năm xa nhà học tập, làm việc, lăn lộn với những bon chen cuộc sống đời thường.
Phú Yên, những ngày cuối năm lại có những cơn gió thổi từ Bắc miền Trung vào, kèm theo những hạt mưa rả rích vương trên vai áo, khiến lòng tôi se lạnh, một cái rùng mình trong vô thức; những kỷ niệm ùa về trong ký ức. Trong tôi dâng lên nỗi nhớ nhà và những người thân da diết, lòng se sắt lại rồi tự vấn: có lẽ giờ này những người sinh thành và nuôi tôi lớn nên người đang nghĩ và nhắc đến mình; những đứa bạn ngày nào cùng chăn trâu, cắt cỏ, cùng cắp sách đến trường của một thời nông nổi không biết giờ này có ai nhớ đến mình không, hay ai đó đã lãng quên?. Ngồi buồn, bật máy, nhắp chuột vào bài hát “Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, giọng ca ngọt ngào, đằm thắm và thật sâu lắng ngân lên của nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền: “… nơi tuổi thơ ta đã trải qua đẹp như giấc mơ… nơi bền lâu là nơi lắng sâu, thiếu quê hương ta về, ta về đâu?”-lời bài hát mang tính triết lý sâu xa, đưa dòng suy nghĩ, những kỷ niệm ngày nào ùa về in nguyên trong tâm trí.
Năm nào cũng vậy, mỗi độ cuối mùa thu những cơn gió heo may còn vương vấn sót lại, theo đó là cái gió mùa đông bắc ùa về trên mảnh đất miền núi Quỳ Hợp -phía Tây bắc xứ Nghệ thân yêu, mẹ tôi lại thu lượm những gốc cây to hơn bình thường còn sót lại đâu đó bên góc vườn rồi tập trung lại một nơi-đó là củi đun chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày tết, điều mà rất nhiều người ở quê tôi thường làm.
Trước những ngày Tết đến, mẹ lại chuẩn bị tất cả những thực phẩm cần thiết cho nồi bánh chưng ngày tết. Khi mẹ gói bánh chưng, tôi thích nhất là được nhìn hai bàn tay của mẹ cứ thuăn thoắt tước và bẻ góc những lá Dong(
[*]) để có được chiếc bánh chưng vừa ý, và điều mong đợi nhất của một đứa trẻ trong tôi lúc ấy là những chiếc bánh chưng được gói cuối cùng, vì thường những chiếc bánh chưng này ít gạo mà nhân bánh thì thật tuyệt: nào thịt lợn, nàođậu xanh, nào hành, nào tiêu… nhiều hơn, và chính nó lại được vớt ra sớm nhất, tất nhiên người được “thừa hưởng” lại chính là tôi. Khoảng thời gian khó quên nhất là quanh bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng xanh ngày tết thì bên ngoài là một bầu trời đen kịt, gió bấc hun hút thổi, những làn gió mang theo cái rét lạnh giá len lỏi qua góc bếp thổi vào, khiến tôi rùng mình(!). Nhưng bên cạnh là Ba, mẹ, là chị, em và những mùi thơm ấm nồng bốc ra từ nồi bánh chưng đang sôi sùng sục bên bếp lửa bập bùng… đã lấn át đi cái rét cắt da cắt thịt. Những lúc ấy, Ba và mẹ hay kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà lúc nào cũng bắt đầu vẫn là “ngày xửa ngày xưa…”, gợi lại cho chúng tôi trở về những năm tháng thơ ấu của mẹ. Giờ đây lại nhớ về mẹ, được biết ngày 04 tết năm nay mẹ sẽ được Hội người cao tuổi làm lễ mừng thọ 70, Ba và chị thì đã có kế hoạch, thế mình sẽ làm gì đây để mẹ có một niềm vui trọn vẹn?!
Những ngày cuối năm, bao kẻ ly hương nhớ tết quê đến nao lòng; những con người lam lũ đường trường, cật lực suốt năm vì miếng cơm manh áo, bước chân ra đi để tìm cho mình một cuộc sống tự lập. Lúc này, những ngày cuối năm biết bao sự bộn bề của công việc, nhưng tôi vẫn tự cho mình đôi phút thảnh thơi, những lúc ấy, trong lòng nghèn nghẹn bao cảm xúc vì nỗi nhớ quê nhà, rồi thương cho những người xa xứ. Nỗi nhớ cứ thế, cứ thấm sâu, in hằn vào từng dòng suy nghĩ, lòng người, da diết… đến xót xa. Tự trong lòng dâng lên một nỗi ăn năn, cứ như đang mang trong mình một món nợ gì lớn lắm đối với quê nhà mà đến giờ này chưa thể trả. Những dòng suy nghĩ miên man đã đưa tôi quay về miền ký ức xa xôi, ôn lại những cái tết đã qua. Ngày Tết! người lớn trông mong sự đoàn tụ, lớp trẻ quay về sự thuần khiết với lòng mình để bái vọng những tiền nhân, trẻ con thơ ngây trong những bộ quần áo mới, chạy nhảy khắp xóm làng thông báo ngu ngơ mình đã thêm tuổi mới… Ấm áp biết bao khi quanh mâm cơm đầy đủ các thế hệ trong gia đình, những người thân đi làm xa giờ đây được đoàn tụ; lớp trẻ thì báo công sau một năm học tập; người lớn thì ôn lại những thành quả đã làm cả năm qua, kể lại những nơi mình đã đi qua với những danh lam thắng cảnh, con người và phong tục tập quán nơi đó; chúc tụng nhau những lời tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Bao kỷ niệm buồn, vui đã qua có dịp tha hồ mà tâm sự. Rồi chuyện buồn năm cũ khép vào quá khứ để nhường chỗ cho điềm lành và niềm vui sẽ đến trong năm mới.
Năm tháng cứ lặng lẽ trôi đi, lũ trẻ chúng tôi ngày nào giờ đây đã trưởng thành, công danh mỗi người khác, họ thành đạt với ước mơ riêng mình. Nhưng một điều ai cũng phải có đấy là gia đình, họ trở thành những người chủ của gia đình, và chính đó cũng là sự minh chứng cho vòng luôn hồi bất tận trong cuộc đời của mỗi con người. Đến những ngày cuối năm, họ cũng lại tiếp tục chuẩn bị cho gia đình những nồi bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, những cành đào cho ngày tết; lại nhắc nhở mọi người thân yêu trong gia đình đang làm việc mọi nơi nhớ thu xếp công việc để về sum họp, thắp hương bái vọng tổ tiên với ước mong một năm mới an bình và hạnh phúc!
Tuy Hòa, tháng 12/2008.

([*]) Lá Dong-một loại lá thường được người miền Bắc dùng để gói bánh chưng.