Wednesday, December 17, 2008










HUỲNH VĂN QUỐC


LÃNG MẠN GIAO THỪA


Không mãi bảo "tuyệt vời" để nói về mọi thứ
Sao mọi thứ giờ đây như gọi như mời
Bàn tay mẹ, bàn tay em ấm áp
Từng chiếc rim gừng hôi hổi tối ba mươi

Câu đối liễn từ nhiều năm chúc phúc
Đang trầm tư bên khói nhang trầm
Ai gửi lại thuở tươi nguyên cảm xúc
Lại hiện về vẫn bao nét tri âm

Những ca khúc chào xuân rộn ràng trên vô tuyến
Rót về đây chật chội cả căn nhà
Dẫu mai đây là gì, ai biết trước?
Câu chúc mừng vẫn mãi ngân nga...


Hoa vạn thọ khẽ rung rinh ánh sáng
Cây phát tài lừng lựng hương thơm...
Lòng trời đất lại một lần rộng mở
Bao giấc mơ lại đầy ắp tâm hồn.





VỀ ĐÂY SAY NHỊP TRỐNG ĐÔI
Mạnh Minh Tâm
Nghệ thuật múa trống đôi của dân tộc chăm hroi, Ba nah ở huyện Đồng xuân (Phú Yên) cũng như các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian không xác định được ai là người sáng tạo và nó có từ bao giờ. Song trong tiềm thức của mỗi người dân ở đây, múa trống đôi đã trở thành báu vật, hồn trống ăn sâu vào máu thịt của dân làng, đặc biệt trống đôi là món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp lễ hội.
Dân tộc chăm hroi, Ba nah có ít lễ hội, lễ hội thường gặp là: Lễ cúng mừng sức khỏe, lễ bỏ mã, lễ cầu mùa, mừng cơm mới; trong đó lễ hội Đâm trâu (xoay cột) được coi là lễ hội có quy mô nhất, số cộng đồng tham gia đông vui nhất; bởi nó không cấm cứ hay cự tuyệt các cộng đồng làng xã khác tới dự mà còn mở cửa cho khách thập phương cùng vui chơi chan hòa với niềm phấn khích hoan hỉ. Những ai là công chúng phố thị, may mắn được một lần dự lễ hội này sẽ không ngăn nổi sự phấn khích vào hội khi xem trống đôi biểu diễn.
Với tư cách làm nhạc nền cả tiết tấu và giai điệu cho phần hội: trống đôi, cồng 3, chinh 5 là một bộ hòa thanh trứ danh làm cho cuộc hội đông vui đến nức lòng, trong đó vai trò và tác dụng của múa trống đôi thường gây ấn tượng mạnh nhất. Mỗi loại nhạc cụ có điệu thức riêng: Chinh 5 giữ giai điệu khoan nhặt, thanh thoát âm vang ngân xa; cồng 3 giữ bè trầm sâu lắng mượt mà, nhưng nghe lâu sẽ đơn điệu dễ bị nhàm chán; cho nên sự có mặt của trống đôi luôn làm cho người ta "say hội"; làm cho cuộc hòa thanh tìm được sự đồng điệu, chảy rót vào nhau, tạo cho cuộc hội đạt tới cao trào của sự hứng khởi "Còn tiếng trống đôi hội chưa giả bạn" là vậy . Sự hấp dẫn của múa trống đôi thật khó tưởng tượng và diễn tả một cách tách bạch. Bởi nó có tiết tấu, âm điệu không như trống tuồng, trống trận, trống chèo... Tuy nhiên qua đôi lần quan sát có thể nhận thấy được những nét cơ bản về tính độc đáo của loại nhạc cụ này, dưới góc độ thưởng thức cảm nhận.
Trước hết, điệu thức của trống đôi là một tập hợp những chuỗi tiết tấu đầy ngẫu hứng, không được giới hạn trong một trường độ, cao độ nhất định. Đôi nam nghệ nhân ra biểu diễn, mỗi người một trống mang vào vai và múa máy theo nhịp trống từ chính đôi tay của họ tạo ra; tiết tấu thưa nhặt, dồn dập, âm điệu ngẫu biến chồng lên nhau, biến hóa sắc màu gợi lên trong trí nhớ người nghe sự tưởng tượng - âm điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác đổ của đại ngàn. Múa trống đôi còn có một ngữ điệu rất riêng đó là thông qua tiếng trống, điệu múa của hai nghệ nhân biểu diễn họ có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm như một cuộc giao tiếp chuyện trò. Người Chăm hroi, Ba nah ở huyện miền núi Đồng Xuân cho rằng đánh trống đôi là một cách nói chuyện sâu lắng nhất. Khi hai người song diễn luôn luôn có một người nêu câu hỏi và buộc người cùng chơi phải đối đáp; tiếng trống thay cho lời, điệu múa nói lên cách ứng xử. Đồng điệu, thích nhau thì âm trống, điệu múa hòa quyện nghe rất "sướng tai, lạ mắt". Còn ví như không ưa nhau thì tiếng trống nghe đốp chát, nghỉnh ngảng, tức giận biểu hiện coi thường bạn chơi. Do đó nghệ nhân múa trống đôi phải là một cặp "ngang sức ngang tài" người tung, kẻ hứng hiểu ý nhau mới giữ cho cuộc chơi trọn vẹn. Già làng kể rằng, có một bận hai làng cử đại diện giao lưu, thử sức tài nghệ múa trống đôi; cuộc chơi giữa chừng, nghệ nhân làng bên cởi trống đôi vung quẩy bỏ về, người xem theo hỏi tại sao? Anh ta nói rằng "nó coi thường, chơi xỏ tao" công chúng ai mà biết nghệ nhân kia đã chơi xỏ cái gì? Điều đó chỉ có hai nghệ nhân mới rõ. Già làng khẳng định "Ai không thạo trống đôi không nghe được lời của nó"
Trống đôi còn một nét độc đáo nữa đó là nghệ thuật biểu diễn, trống không gọi là đánh trống mà gọi là múa trống đôi. Chơi trống còn "bập bẹ" thì có nhiều người biết nhưng để đạt trình độ nghệ nhân, thể hiện được đặc tính nói trên thì một làng chỉ có vài người. Biểu diễn trống đôi rất khó, đây là một cuộc chơi tổn hao trí lực. Một nghệ nhân chưa tập luyện trước, phục vụ một đêm lễ hội cơ thể mỏi nhừ hơn một ngày vung dao phát rẫy. Cứ tưởng tượng mà xem, mang một cái trống nặng bốn năm ký, đôi tay thường xuyên múa máy va đập chặt xuống, vuốt lên hai bên mặt trống, tang trống để tạo nên âm thanh toóc, toóc, bụp bùm bum, chát...toàn thân lại phải tung bật, nhảy múa liên hồi; những lúc tiết tấu dồn dập sướng lên còn xoáy hai mũi bàn chân vào nền múa, tóe bụi mới đã. Cách chơi như vậy, người có đủ trí lực múa trống đôi chỉ là những nam thanh niên khỏe mạnh.
Với đặc tính độc đáo, đạt trình độ cao của nghệ thuật biểu diễn; trống đôi là một nhạc cụ thuộc loại quý hiếm của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Phú Yên đáng được trân trọng gìn giữ và phát huy. Nhạc sỹ Ngọc Quang - Phó Giám đốc sở VH,TT,&DL là người nhiều năm để tâm nghiên cứu, gắn bó với nhiều loại nhạc cụ dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên đã có nhận xét: "Múa trống đôi là một sự phối hợp đầy ngẫu hứng và sáng tạo, rất độc đáo của người Chăm, Ba na. Điều kỳ diệu là những nghệ nhân ở đây họ chưa hề biết một nót nhạc nhưng khi biểu diễn họ ứng biến tài tình như một nhạc công, đạt trình độ "cao siêu". Từ ngẫu hứng dâng trào dẫn đến tự do phá thể, nghệ thuật múa trống đôi có nét ngẫu hứng giống như nhạc công chơi nhạc Jazz. Tôi có trạng thái tâm lý khi nhắm chút rượu cần, nghe trống giục giã là không thể ngồi yên mà như về đây để say nhịp trống đôi"./.
..........................................................................................................................................
(MMT Đ/c: Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Yên- 220 Trần Hưnng Đạo - TP Tuy Hòa,
ĐT: 057.3827767- 0989867337)

Friday, December 5, 2008

GIAI THOẠI VĂN NGHỆ:

“Ngợ” sĩ… nghĩ sợ
BÌNH SVC

Dân xứ Nẫu Phú Yên thường phát âm “ê” thành “ơ” nên nghệ sĩ thì đọc là ngợ sĩ (nói lái là nghĩ sợ). Nhằm tỏ bày ngưỡng mộ một số “nhà” ở đây, đã khiến tôi liều chấp bút; không liều thì biết đến chừng nào có ký sự bạn văn thơ này. Thôi thì: có biết, có quen, có sao ghi thế, có gì thêm bớt sau, chả mắc mớ gì…
CỐ NHÀ THƠ TUỔI TÝ
Tôi và cố nhà thơ nhà gần nhau, tình huynh đệ hơn hai mươi năm, nhiều kỷ niệm, gạt qua một bên chuyện chức danh công vụ, chỉ nói đến chất thật của cố nhà thơ: Đỗ Như Phước. Thơ ca họ Đỗ chủ yếu là gieo theo vần, miễn đọc nghe xuôi tai là được, một năm mười hai con giáp bất kể đến giáp nào chỉ việc đưa bút lên là xong ngay một bài thơ của giáp đấy, ngay cả gặp bịnh nan y phải vào tạm trú bệnh viện vẫn hỉ hả làm thơ tả bịnh của chính mình. Một tâm hồn lạc quan đến phút chót của tận cùng đời người, câu cửa miệng của nhà thơ này là đừng quá cầu toàn với hiện tại. Chính cái sự không cầu toàn đấy mà suốt cả cuộc đời của mình nhà thơ chuyên trị nghề hữu hảo, hết hữu nghị Việt xô, đến hữu nghị Việt-Cuba, và cũng chính cái sự biết chấp nhận những gì mà cuộc sống ban cho, nhà thơ đã cả gan thách thức căn bịnh khó chữa một khoảng thời gian cực dài. Thật kỳ tài và đáng nể. Thôi thì ông cố nhà thơ tuổi Tý ơi, xin ông hãy bình yên về với vĩnh hằng, hàng năm đến tết Nguyên Tiêu sẽ có người thay ông đọc lại những bài thơ gieo vần của ông đấy. Xin trịnh trọng cúi chào.
NHÀ THƠ “TIỀN SẠCH”
Đời người như bóng câu cửa sổ, trời kêu ai nấy dạ. Lê thiện Ngân cũng đột ngột từ giã anh em để về trời, còn lại là sự nhớ. Thiện Ngân là “tiền sạch”, nhà thơ này đã sống y chang như cái tên, cuộc đời điềm đạm ít bon chen hung dữ, chơi với bạn bè có trước có sau, thơ văn đậm chất từ bi, nghe đâu trước tham gia cửa thiền sau xét lại mình thiếu căn tu, đành về lại đời thường tiếp bước thơ ca.
Ông Ngân ơi! Những dòng ký sự này chỉ là chợt nhớ, chợt nghĩ, chợt thương để tưởng đến những bạn văn thơ đất Phú mà trong đấy có ông, ở đây không có những lời cao bóng cả, chúc tụng vô hồn mà là cái gì đấy thì tự bản thân ông cũng thừa hiểu bởi giờ đây ông đã là gì? Ông có biết không? Tuy ông không còn nói, không còn nghĩ, không còn làm thơ nữa nhưng ông vẫn hiểu được những gì mà bạn ông muốn nói, bởi ông đã là “Ma” mà ma luôn có những năng lực siêu phàm, có đúng không? Hử.
Rồi sẽ có một ngày các bạn ông có mặt đầy đủ bên mộ ông để quần tụ một bữa cho đỡ nhớ, riêng ông uống không được thì bọn tôi rắc rượu lên mộ ông, hưởng được cái hương hoa cũng quý lắm rồi. Thôi, xin nghiêng mình chào ông.
NHÀ VĂN NGÔ PHÚ THUẬN
Phải dùng đến từ “Lão” để gọi đến ông nhà văn này, dù sao cũng lắm tuổi thuộc hàng trên hưởng dương. Không phải đương nhiên lão được bạn bè phong cho chức danh “nhà văn” không cần thẻ một cách hoành tráng. Bởi xét thấy hành trình viết lách của lão cũng khá bầm dập trần ai, nhiều lận đận khốn nạn vì đói rách triền miên, đi đâu cũng phun đầy đói nghèo. Chính thế lão mới quyết “rắp tâm” tìm đường “cải tổ”, lão này trước đây bạ gì viết nấy, truyện ngắn, truyện dài, ngay cả món thơ ca cũng đâm đầu vào chẳng trúng trật gì nên khổ là chí phải, muốn gì thì gì cũng cần có cái chất “Pro”mới nên cơm cháo.
Khổ quá, đói quá riết cái đầu cũng buộc ló “khôn”, lão đã tìm ra được “Lộ trình” để “cải tổ” món truyện ngắn. Đấy là phải đi ngược lại những gì mà thiên hạ đã làm, mà quả thật thiên hạ cho “có” lão bảo “không”, thiên hạ đồ rằng hạnh phúc thì lão phản trở ngược là làm gì có hạnh phúc trên đời này tỷ như đặt vấn đề: “Có ai đã thấy Phật bao giờ?”. Văn của lão nhiều ý, đa nghĩa, ác nhiều hơn thiện, moi móc tủn mủn nhức óc đến độ ban giám khảo cuộc thi Báo Văn Nghệ chịu hết xiết đành cho lão giải nhất với hai truyện tầm tầm “Buổi sáng biến mất” và “Cơm chiều”.
Thế là đột phá thành danh, có hàng đặt liên miên, chẳng mấy khi rỗi rãi la cà với anh em. Nghe đâu truyện được in thành sách, lại còn dịch sang tiếng Tây, tiếng Mỹ nữa mới đúng “ác”.
“Nhà văn lớn” đương nhiên cái gì cũng phải lớn, chắc hẳn sau này không khéo sẽ thành “ học giả” chứ chẳng chơi!

NHÀ THƠ “DƠ”
Tổng quan mà xét thì anh này đáng được phong là “nhà thơ dơ nhất Việt Nam”, bộ dạng thường trực luộm thộm thều thào, có thể kết luận rằng đối với “Lê Anh” thì đất Phú này không có người nào gọi là xấu cả, gặp ai đôi lần, có thành bạn hay không Lê Anh vẫn chốt thẳng đét rằng: cái tay đấy tốt lắm. Đấy! Một con người thơ ca, một cuộc đời lận đận, thất bại nhiều hơn thành công, quanh năm được vợ hầu, chỉ biết nhìn sáng đón gió tạo hứng để viết những lời thơ rặt chất phú yên như: gió nồm xanh, say thơ dưới chân tháp cổ,vv.vv.
Nhà thơ Lê Anh là người luôn được nhớ, được mời trong những dịp giỗ, tiệc, và y như rằng nhu cầu phải đọc thơ trong những lần như thế đã ăn sâu vào máu thịt, không được đọc toàn thân sẽ ngứa ngáy, luôn nhấp nhổm đề nghị được đọc thơ để được tự sướng, mặc dù vẫn biết rằng lúc ấy mà đọc thơ là tréo cẳng ngỗng, là tra tấn người nghe, nhưng Lê Anh cóc biết chỉ biết rằng tôi đây cần phải đọc thơ, thế thôi. May thay độ rày nhà thơ ta có phần chững lại, bớt cái thói bạ đâu cũng đòi xì thơ, bạn bè mừng. Xin hết sức cảm ơn.
NHÀ THƠ “ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI”
Tay này mới toanh đây, bộ dạng dân miền Tây lấc cấc tóc nhuộm hoe vàng, thoạt nhìn mà ai dám gọi là nhà thơ chắc chết liền. Thế mà dám đội đá vá trời tự xuất bản hai tập thơ có kích khổ chã giống ai. Thế mới tài, cần gì phải đi học trường thơ, đời và vợ nó đánh cho tơi tả liền tức cảnh sinh thơ ngay:
- Tập1, 90 bài mang tên “Áp thấp nhiệt đới”. Giá bán: 100 đồng /1 bài.
- Tập 2, 117 bài mang tên “Bên trong khung kiếng màu trà”. Gía bán: 90 đồng/1 bài
Cả hai tập đều xuất bản “lậu”, bỏ tiền túi tự in phát tặng bạn bè đọc chơi. Tay “áp thấp” này đã từng được vợ con và dòng họ cho rằng mắc bệnh thần kinh, từng sém cho đi “nhà thương điên Biên Hòa”, nhưng với y thì luôn chắc rằng: “Tui khôn tổ nội chứ điên khùng cái gì?”. Thôi được, điên hay không cứ việc nhìn qua các vần thơ hắn làm là biết ngay thôi.
Ba năm kết làm bạn thơ bạn nhậu
Ta với ngươi đem phần thiếu tặng nhau
Ở nơi ấy chắc thơ không biên tập
Ngươi cứ viết đi cho cạn tim ngươi
Bốn thơ trên dành ai điếu Lê Thiện Ngân về với trời xanh. Đã chưa? Điên gì mà điên! Có thể cho là cực hay, nếu chốn âm gian mà còn “biên tập thơ” thì Thiện Ngân dại gì về dưới ấy.
NỬA BÁO NỬA THƠ “TUẤN LIÊN”
Coi bộ khá độc chiêu, viết báo thành thơ, viết thơ thành báo, có khác gì nửa người nửa ngợm, riêng phần ngợm thì lấn lướt hơn, nên tính khí ngang tàng phung phí không biết lượng sức, cắm đầu cắm cổ, mắt nhắm chân chạy ma ra tông nên “Công danh, mi ở nơi đâu?”.
Ôm đồm đi đâu cũng khoe “tui là nhà thơ” trong khi đương kim là nhà báo đài phát thanh và làm thuê tùm lum báo; oai quá đi chứ, thu nhập của viết báo hơn xa lắc lương phóng viên. Hắn tự hào: “Ta có con cá rô, ta muốn thả một hay nhiều ao là quyền của ta”. Nguyên lý dở ồm thế mà lắm ông len lén copy, mới biết hậu sinh khả uý đến nhường nào.
Nhà “lỡ cỡ” này có cái giỏi chuyên viết “chân dung thiên hạ”, hắn thêm thắt vẽ vời khiến chân dung thường thường trở thành tuyệt tác, hóa đơn nhuận bút luôn chờ sẵn. Sướng!
Thơ hay như gái chưa chồng
Cứ ngông ngông cứ ngồng ngồng bay ra
Là câu viết trong tập thơ “Chiều chậm” năm 1993, hai câu thơ trên hắn đã tự vẽ chính chân dung của mình, cứ ngông ngông, cứ ngồng ngồng, mọi thứ sẽ tuốt tuột bay ra.
Chưa hết, còn sự này nữa mới đáng cho là độc đáo, viết báo: chuyện con ruồi, dám mở quán sách bán báo cho nông dân mới là chuyện lạ, ở một nơi mà chữ nghĩa được xem là xa xỉ thì tờ báo những mấy trang chỉ có nước đem đi gói kẹo. Vậy mà hắn ngông ngông đưa những tờ báo lắm chữ đến được tận tay nông dân, công nhân. Tới nay quán sách vẫn tồn tại, số đầu báo bán ngày càng tăng, có nghĩa là Viết báo + bán báo = đi đúng đường, ngông nhưng hiệu quả. Đáng được ngợi khen!
NHÀ TIỂU THUYẾT NHIỀU KỲ
Công nhận đúng là gan rồng, thọ giáo nghề viết văn chưa quá tuần lễ, thế mà dám thay gan người thành gan rồng để viết tiểu thuyết thần thoại dài mấy trăm trang. Xin cúi đầu bái phục. Không rõ phần hậu sự của pho tiểu thuyết có nên cơm cháo gì không thì chưa biết, chứ thấy mới sơ sơ đã nặn ra bao nhiêu là hồi, là chương rằng đủ thấy nội công cực kỳ thâm hậu, dám sánh với tác giả viết Cô gái đồ long hay Thần điêu đại hiệp.
Gốc là dân kỹ thuật 100%, trong đầu rặt dây đồng, dây điện vậy mà chuyển tông thành nhà văn nhanh như điện xẹt. Vậy mới biết cái hấp lực của chữ nghĩa văn chương nó ghê gớm đến nhường nào, viết cả ngàn bài chỉ đăng được vài bài, tiền nhuận bút còi cọc thế mà tâm hồn nó sướng lâng lâng còn hơn cả cầm tiền triệu trong tay.
Đó là kỹ sư điện tử Đinh Hùng sống tại Ninh Tịnh, phường 9, Tuy Hoà. Ai muốn học tập xin cứ việc liên lạc. Địa chỉ: Đài Phát Thanh Phú Yên. Tự cảm thấy ký sự này hơi dài, hơn nữa còn quá nhiều “đa, đề” nên xin kết thúc tại đây.

VỀ LẠI CHIẾN KHU XƯA
Trần Minh Châu
Chúng tôi là những thanh niên tình nguyện
Được tiếp bước cha anh khi đất nước hoà bình
Khi tổ quốc cần chúng tôi biết hy sinh
Đi bất cứ nơi đâu làm bất cứ việc gì
Trong chúng tôi luôn có tình đồng chí
Từng mặc quân phục xanh
trong nhịp bước khúc quân hành
Từng vượt đèo, lội suối băng sông
Vượt trường sơn đến nơi đầu giới tuyến
Hôm nay chúng tôi là thanh niên tình nguyện
Cùng nhau về thăm lại chiến khu xưa.

Thăm Hảo Danh, Hảo Nghĩa, Mỹ Lương
Đã từng đấu tranh anh dũng kiên cường
Đất và người Xuân Thọ 2 là thế !
Bước tiếp bước cùng nhau bao thế hệ
Bám đất giữ làng - giữ lấy chiến khu

Đất nước hôm nay sạch bóng quân thù
Chúng tôi về đây tìm về nguồn cội
Về chiến khu xưa trong ngày nắng mới
Uống nước nhớ nguồn, ơi đất mẹ hùng anh./.


SÓNG
THƯƠNG
Nguyễn Hữu Khoa
Nhớ, nhớ nhiều em gái nhỏ thôn Hai
Thương, thương lắm Xuân Hải chiều sóng vỗ
Như ở bên anh trong chiều nao mưa đổ
Chút ân tình khúc hát biển dịu êm

Từ phương xa anh nhớ tiếng biển đêm
Có lần hát Lăng người xa quê ở lại
Điệu hát Bộ cho thuyền xuôi con lái
Để nguồn đời chảy mãi ở trong tim

Đã có lần ở thôn Một chờ đêm
Say sưa hát nỗi niềm em gái nhỏ
Trăng lâng lâng cho lòng ai bày tỏ
Để bây giờ nhung nhớ chuyện đôi ta
Con sóng nào nghe nhè nhẹ thiết tha
Bổng chợt nhớ - bé thôn Ba nước lợ
Sao để lòng ta suốt đời trăn trở
Bài thơ tình say mộng khách phương xa

Nhớ tình thân ấm áp bao mái nhà
Em đang lưới xen nụ cười biển dã
Mai người đi nhớ về cơn sóng nhỏ
Nặng lòng ai trên những nẻo đường xa
Sóng yêu thương cho mỗi chuyến tàu qua
Cho mãi thắm tình em bờ biển mặn
Gió ngưng thổi cho trời êm sóng lặng
Nhớ em nhiều sóng mãi hiện mùa trăng

Đường về thôn Tư dừa xanh toả lá
Những ngày vui khoang thuyền đầy tôm cá
Mơ em cười cho ai đó chơi vơi
Nhớ ở bên nhau trong suốt cuộc đời
Sóng Xuân Hải thì thầm ru tình biển
Câu thơ xưa làm lòng ai xao xuyến
Trăng mơ màng ôm ấp biển em ơi !


Thăng hoa chả Bắc gia truyền…
Bài, ảnh ĐỨC TUẤN
Có thể nói đến giờ này, hệ thống sản xuất chả giò gia truyền Nguyên Hương (xuất xứ từ tỉnh Hải Dương) chưa áp dụng một chiêu thức tiếp thị hiện đại nào nhưng dấu ấn của sản phẩm này đã lừng lẫy năm châu, chí ít là trong giới người Việt sành ăn! “Kinh doanh ẩm thực nên “chắc cú” nhất là đi lên bằng truyền… miệng”, chị Nguyễn Thị Thu, chủ thương hiệu giò chả Nguyên Hương tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) tự hào.
Tại Tuy Hòa, giá bán giò chả Nguyên Hương bao giờ cũng cao hơn sản phẩm tương tự của lò khác sản xuất. Mặt bằng thu nhập của người Tuy Hòa-Phú Yên chưa cao nên Nguyên Hương luôn cố gắng giữ mức lợi nhuận vừa phải, cốt yếu là gìn giữ uy tín chất lượng để duy trì đều đặn lượng hàng bán ra và nâng dần số lượng, doanh thu. Thức khuya dậy sớm, chân chỉ làm ăn bằng cả tấm lòng say nghề lại là một yếu tố khác để thành công của vợ chồng chị Thu. Rời Hải Dương “hành quân” đến Phú Yên lập nghiệp năm 1994, từ hai bàn tay trắng, giờ này gia đình anh chị Thu đã có cơ ngơi bề thế, con cái học hành đến nơi đến chốn, lại còn vài người cháu cùng vào định cư theo chân cây chả Bắc.
Miếng chả mịn màng, thơm phức, giòn ngọt, dứt khoát không thêm chất phụ gia “bất chính”, tuân thủ triệt để các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; đó cũng là phần cốt yếu của chữ “tín” của Nguyên Hương. Bí quyết của Nguyên Hương cũng không phải là điều quá lạ, ngoài kỹ thuật và sự nhạy cảm trong quy trình xay giã - nêm nếm - bó - hấp, thì nguyên liệu đầu vào bắt buộc phải là loại thịt heo nạc đùi tươi “tuyển”, chất lượng nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Nếu không có nguyên liệu tốt thì Nguyên Hương… dừng làm! Nếu có lúc giá nguyên liệu “xịn” có lỡ đội giá thành thì bạn hàng, khách quen của Nguyên Hương cũng sẵn sàng chấp nhận, chứ sản phẩm của thương hiệu này không thể… giả cầy!”, anh Nguyễn Văn Hùng, chồng chị Thu, nói về nguyên tắc của lò chả gia đình. Anh Hùng còn ví von khi triết lý “một lần và mãi mãi” trong ẩm thực; anh còn nhớ hồi bao cấp, giò chả Nguyên Hương thuộc hàng thức ăn xa xỉ nhưng vẫn có nhiều khách trung thành, luôn dành dụm, tiết kiệm nhiều món chi khác để mua chả giò về ăn. Ngoài việc cung ứng sỉ, thấy nhiều người Phú Yên “siêng” ăn bánh mì, Nguyên Hương bèn chuyển một bộ phận nhân công sang bán bánh mì chả giò, chả quế. Cũng chỉ bánh mì kẹp chả, thêm tí rau hành-ngò, muối tiêu và nước tương; thế nhưng nơi nào Nguyên Hương đặt xe bánh mì là nơi đó đều có cảnh… chen lấn, xếp hàng! Dự tính tiếp theo của anh chị Thu là mở thêm điểm bán xôi gấc chả giò Nguyên Hương…
Với tay nghề chế biến giò chả gia truyền Nguyên Hương, những người trong dòng họ chia nhau “cát cứ” mỗi người một tỉnh, kể cả tận Mỹ, Canada, Úc,… hầu như không có sự “đụng đầu” cạnh tranh không cần thiết; và theo chị Thu thì tất cả bà con cô bác trong gia tộc làm giò chả đều ăn nên làm ra, con cái phương trưởng, lâu lâu du lịch gặp nhau thì “ăn chơi, đãi đằng” rất thịnh soạn. Chị Thu cho biết thêm: cũng bởi chưa đầu tư nhiều cho việc quảng bá nên khách quen người Phú Yên cứ phải đến chỗ chị mua chả giò gởi cho người thân hàng mấy trăm cây số, để ăn cho… đỡ nhớ! Chị khẳng định: chất lượng, hương vị thương hiệu chả Nguyên Hương gia truyền trong dòng tộc tại các tỉnh thành trong nước và nhiều nước trên thế giới đều “iso” thơm ngon, quyến rũ tương đương nhau… Phải chăng đây là “bí truyền” để thực khách không chán giò chả gia tộc Nguyên Hương, dẫu món này làm từ… thịt?



Một nhân vật văn hoá độc đáo…
Phóng sự HÙNG PHIÊN

Tên tui Đỗ Như Phước / Tóc bạc trắng như cước / Dáng to béo tầm thước / Người rất thích hài hước / Thấy gì hay bắt chước / Không ham chức ham tước / Chỉ ham tích đầy phước... Mấy dòng “lý lịch trích ngang” của nhà sưu tập “thế giới” hàng đầu Việt Nam, ông “trùm” thơ độc vận và là người làm từ thiện nổi tiếng Đỗ Như Phước vừa qua đời ngày 7.11.2008 ở tuổi 72 (ông sinh năm Bính Tý-1936)…
Về Phú Yên, hỏi “ông Phước nhà thơ” thì hầu như ai cũng biết, bởi ông quá nổi tiếng với những “món chơi” độc sầu, lại thường lên ti vi để nói chuyện và đọc thơ vui. Ví như xuân rồi, mừng năm tuổi của mình, ông làm bài thơ vần “í” dài đến 50 câu nhưng công chúng đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn (Tuy Hòa) đã phăng phắc lắng nghe rồi vỗ tay rần rần. Bởi có “đủ thứ chuyện” như: WTO đã ký / Hội nhập thật hợp lý / Triệu người một ý chí / Quyết nâng cao dân trí / Tháo gỡ mọi thế bí / Sản xuất vượt tiêu chí / Được thế giới chú ý / Việt Nam nâng vị trí…; đến việc Không nên say lúy túy và tranh thủ … nịnh vợ: Chớ có đi bồ nhí / Để vợ cưng vợ quý… Hay như năm con Dê (Quý Mùi) ông làm thơ “ê”: Trai gái tuổi cập kê / Tối tối ra bờ đê / Ngồi dưới gốc cây lê / Bàn chuyện… trồng cà phê…, rồi không quên “làm tư tưởng”: Ăn xong Tết con dê / Công việc chớ bỏ bê / Không kéo dài lê thê / Học thêm tiếng Ăng-lê / Lấy vi tính bằng C…
Nhiều người biết, ông Đỗ Như Phước chẳng bao giờ nghĩ mình là nhà thơ, phải khó nhọc để làm thơ, “vần vè cho vui mà”, thế nhưng dân gian cứ gọi ông là nhà thơ! Cũng như chuyện ông được “đặc cách” đọc thơ trong Đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn, được công chúng hưởng ứng nhiệt thành nhưng không ít nhà làm thơ “nghệ thuật” phản đối: “Đây là sân của nghệ thuật nghiêm túc, sao để thơ “dưỡng sinh” của ông Phước chen vào?”. Ông vui vẻ: “Vậy thì thôi!”. Thế nhưng có kỳ Nguyên tiêu vắng ông, công chúng chất vấn ban tổ chức tới tấp, thế là ông trở thành một thứ “đặc sản” nghiêm túc của đêm thơ, và cũng duy nhất một mình ông không đọc thơ “nghiêm túc” trong đêm thơ Nguyên tiêu lừng danh trên núi này…
Quả thật, ông không chối thơ mình đích thị là để “dưỡng sinh” chứ đâu mong khẳng định tên tuổi; ông chỉ làm chơi “cho khỏe người” thôi, còn ai nhớ là chuyện… của họ; vậy mà thơ ông cũng thấy người ta truyền miệng đọc đầy đường… Thế nhưng không phải ai làm thơ như ông Phước cũng được người đời nhớ! Nhiều người khó tính với nghệ thuật cũng phải “bái lạy” chất dí dỏm thông minh và cái “duyên ngầm trời cho” của bút pháp Đỗ Như Phước; chẳng những “nghệ thuật hóa” loại thơ dân gian độc vận, ông còn là người đi tiên phong sáng tác loại thơ “chân lý” mà có những câu cứ tưởng của… ai: Quê tôi có một dòng sông / Mùa hè nước cạn, mùa đông lại đầy / Mặt trời mọc đông lặn tây / Cá lội dưới nước, chim bay trên trời…
Xuất phát từ cuộc chiến với ung thư, ông đã biến đời mình thành một cuộc chơi đầy ý vị và có được những thành quả… ngoài dự đoán! Mê chơi “đủ món” và lĩnh vực nào cũng có thành tựu. Suốt ngày hồn hậu nói chuyện hài hước nhưng ít ai biết được ông già 72 tuổi đã chiến đấu từng giờ với căn bệnh ung thư đeo đẳng suốt 40 năm qua (mái tóc bạc sớm cũng do việc “xạ trị” ung thư), bên mình lúc nào cũng phải gắn hậu môn nhân tạo là một bọc… chuyên dụng! Ngay cả cái “bãi đáp” này cũng được ông trào lộng: Thế giới có vệ tinh nhân tạo / Phước tui có… hậu môn nhân tạo! Ông cười hề hề và mở thắt lưng chỉ tôi xem cái “bãi đáp” của mình một cách hồn nhiên.
Ông thú thật chính việc đặt vè độc vận đã đem lại cho ông và mọi người niềm vui vô bờ bến. Phong thái hài hước cũng đã giúp ông mở lòng giao du với khắp nơi, tất cả mọi người, năm châu bốn biển. Ông kể đã có lần đọc thơ “độc vận” bằng… tiếng Nga làm cho quan khách nhiều nước ôm bụng cười “lăn lê bò toài”. Chính mối quan hệ rộng rãi này đã đưa ông đến với công việc ở Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Phú Khánh, rồi Phú Yên khi trở lại quê nhà. Như cá gặp nước, bản tính hồn hậu cởi mở, ham đi đó đây, ông lại như muốn thu cả thế giới về nhà mình qua các kỷ vật của tất cả các nước trên thế giới, chủ yếu là những thứ rẻ tiền như cờ, huy hiệu, kỷ niệm chương, búp bê... của các nền văn hóa trên thế giới. Nhiều nước bây giờ không còn tên trên bản đồ thế giới nhưng lại hiện hữu ở… nhà ông Đỗ Như Phước! Ky cóp 40 năm, căn nhà ông đã trở thành một bảo tàng thực thụ với trên 10.000 kỷ vật của 84 nước trên thế giới!
Đường quan chức của ông có thể thênh thang nếu “thích”, bởi ông tham gia cách mạng sớm, có trình độ, tư chất thông minh, gia đình ông có nhiều người thành đạt… Nhưng đời với ông “vui là chính, làm tới chức quan… hữu nghị chớ ít sao!” rồi về hưu mê say làm chuyện “tào lao” và lặn lội “cúi mình” đi gõ cửa vận động từ thiện. Có thể ông rất giàu nếu bán một số “chuyện chơi”, ví như ông đã lắc đầu từ chối khi một “đại gia” đặt vấn đề chuyển nhượng bộ sưu tập nồng ấm tình quốc tế này với giá trên 1 tỷ đồng! Thế nhưng ông Phước sẵn sàng tặng… Cuối năm 2007, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã “nghe danh-đánh tiếng” và ông Đỗ Như Phước đã tặng 84 huy hiệu-tranh-tượng-mô hình lưu niệm của các nước cho bảo tàng này. Thư cảm ơn của Giám đốc bảo tàng này có đoạn: “Hành động của ông Đỗ Như Phước là một nghĩa cử cao đẹp có ý nghĩa tác động sâu rộng với các tầng lớp xã hội trong vấn đề hiến tặng di sản Văn hóa cho Bảo tàng quốc gia”.
Sự nghiệp của ông bề thế như vậy nhưng khi tôi hỏi “Bác thích “thứ” nào nhất?”, ông Đỗ Như Phước vô tư: “Làm thơ con cóc”! Và năm con trâu này, ông có còn làm bài thơ vần “âu”?…
H.P










Nghệ sĩ ở tỉnh…
Đức Tuấn
Xin bớt chút thời gian cho tôi lạm bàn về chuyện địa bàn sống và sự đóng góp của nghệ sĩ. Xin hiểu đơn giản đây chỉ là đôi điều so sánh chuyện nghề, chuyện sống của nghệ sĩ ở tỉnh và nghệ sĩ tại các thành phố lớn…, so sánh trong giới hạn hiểu biết của người viết. Và làm sao để nghệ sĩ ở tỉnh vươn lên khẳng định mình với công chúng thưởng thức đang ngày càng đòi hỏi cao hơn trước. Trước hết phải nói, bản thân tác phẩm nghệ thuật có lớn hay không, chẳng có nhiều liên quan đến chuyện người nghệ sĩ sống ở tỉnh hay ở thành phố lớn. Chẳng phải với khả năng tầm tầm nhưng đến nơi đo hội là anh được biết đến. Khả năng anh đến đâu, anh chỉ thể hiện được đến đó thôi, không hơn không kém! Thế nhưng, có nhiều nghệ sĩ ở các tỉnh lại có suy nghĩ: phải đến sống ở các trung tâm văn hóa- kinh tế thì tác phẩm của mình mới có điều kiện… lớn được!? Có thể, nơi chốn năng động, giao lưu mạnh thì tác phẩm ra lò dễ có điều kiện đến với công chúng hơn và thu nhập của nghệ sĩ rủng rỉnh hơn. Tuy nhiên, thời đại công nghệ thông tin - internet bây giờ, chuyện khoảng cách địa lý không hẳn là điều quá quan trọng nữa rồi. Vấn đề là tác phẩm của anh làm ra có mới mẻ, giá trị đích thực hay không… Tuy nhiên, có một thực tế là nghệ sĩ ở các tỉnh nhiều khi hay có đôi nét suy nghĩ yếm thế, làm lấy có để phục vụ tại chỗ, đóng cửa khen nhau, và thế là cái sự vươn lên khẳng định có phần ít oi… Ở các tỉnh trong nươc ta bây giờ, từng lĩnh vực nghệ thuật như: sân khấu, âm nhạc, hội họa, kiến truc, văn học,… đều có những nghệ sĩ đứng chân và họ đều có những đóng góp nhất định đối với nhu cầu thưởng ngoạn của người dân địa phương. Đôi khi, sự đóng góp của họ ở trong tỉnh là khá lớn nhưng bước ra ngoài tỉnh thì ầu như chẳng ai biết về tác phẩm của họ… Thiển nghĩ, sự đóng góp tích cực, dù nhỏ dù lớn của tác phẩm nghệ thuật đều đáng quý, đáng trọng. Mỗi sắc thái văn hóa của từng địa phương, công chúng mỗi vùng đều có cái “gu” riêng trong chuyện yêu và đến với văn nghệ. Vì thế, công chúng tỉnh nào cũng rất cần những con người nghệ sĩ tại chỗ, am hiểu tận cùng vùng đất của họ để phổ hồn của đất của người nơi đó thành tác phẩm nghệ thuật. Và dù tác phẩm ấy, nơi khác không biết nhưng vẫn là tác phẩm nằm lòng của dân bản địa; thế là vui cho nghệ thuật, vui cho nghệ sĩ lắm rồi còn gì… Cũng có một thực tế khác là sự phát triển thông tin, dân trí hiện nay đã tạo nên một lớp công chúng mới, có những đòi hỏi mới về thưởng thức nghệ thuật. Thế nên, họ mặc nhiên không dùng đến những sản phẩm văn nghệ nhàng nhàng kiểu phong trào, “nghệ thuật cấp tỉnh” (như lời một số người). Sự giao thương, giao lưu sản phẩm nghệ thuật tại nhiều tỉnh bây giờ cũng đã phong phú không kém mấy các thành phố lớn, nên sự lựa chọn của công chúng đã thuận lợi hơn nhiều. Điều này dẫn đến việc một số nghệ sĩ ở tỉnh bị mất “khách hàng” ngay trên “thị phần” của mình… Tán đôi lời để thấy rằng vấn đề cốt lõi của nghệ thuật là phải tạo được hiệu ứng. Xin cho phép mong mỏi rằng nghệ sĩ tại tỉnh phải dùi mài, tạo dựng tác phẩm hay thêm nhiều để công chúng tỉnh đó thêm cơ hội “mở mày mở mặt” với thiên hạ. Những hạt nhân, những đỉnh cao văn nghệ luôn là sự kiếm tìm, trân trọng của công chúng, của nhân dân. Mong lắm thay những tài năng nghệ thuật ở các tỉnh có thể bay lên để nới rộng tầm ảnh hưởng. Đó cũng là một cách quảng bá chất văn hóa, hình ảnh của tỉnh nhà ra với nhiều người, nhiều nơi hơn nữa… Và khi nghệ sĩ có được “thương hiệu” thì mọi chuyện cũng… dễ!
Đ.Đ.T

Thursday, December 4, 2008

CÂY LỘC VỪNG
TRƯỚC NẠN SĂN CÂY CẢNH

Mạnh Minh Tâm

Cây lộc vừng ở Phú Yên mọc ven sông suối, ao hồ, ruộng rộc. Cây mọc thành rừng, nhiều nhất là ở các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hoà và huyện Tuy Hoà. Mỗi năm, một mùa cây đơm bông kết trái, trái khô tách hạt cuốn theo dòng nước tấp mọc dọc bờ sông suối để duy trì sự trường tồn của một loài cây. Hiện tại có cây đã sống qua hàng trăm tuổi. Lộc vừng có đặc tính sinh sống và phát triển trong môi trường nước. Cây có vỏ dày, sần sui, gân guốc tạo nên dáng thế một cây cảnh đẹp rất tự nhiên. Dân chơi cây cảnh xếp nó vào bộ tam đa: PHỨỚC - LỘC - THỌ tương ứng với ba loại cây: Sung- lộc vừng- vạn tuế.
Ngày xưa, người ta dùng vỏ cây lộc vừng sắc lấy nước, có màu nâu sậm để nhuộm quần áo, chài lưới; đọt non (lá) hái ăn sống với mắm muối. Người dân thường dùng một mảnh vỏ cây với một nắm lá bánh tẻ của lộc vừng thái nhỏ sao vàng, khử thổ sắc lấy một bát nước uống dùng chữa bệnh kiết lỵ.
Đặc biệt vào mùa hè, lộc vừng ra hoa rất đẹp, hoa kết nụ từng chuỗi dài (5-7 tấc) tủa quanh thân cây. Khi hoa nở dọc sông suối rực lên màu tím xác pháo như những chuỗi lan ngọc điểm đong đưa soi bóng nước, tạo nên khung cảnh thơ mộng, điểm tô cho những vùng quê thanh bình yên ả. Cái đẹp của hoa lộc vừng thật quyến rủ. Ai đã ngắm hoa nở là muốn bứng gốc về trồng ở sân vườn nhà mình. Chính vì thế trong những năm qua, dân chơi cây cảnh trong và ngoài tỉnh đã để mắt tìm cách khai thác đến loài “đặc sản” của Phú Yên. Nơi có tiềm năng lộc vừng dồi dào, không phải nơi nào cũng có.
Đi dọc quốc lộ 1 từ Chí thạnh – Tuy An đến Hoà Xuân nam –Đông Hoà hai bên đường mọc lên nhan nhản những vườn ươm lộc vừng vừa khai thác từ các sông suối trong tỉnh. Có vườn đang ươm trồng những cây to cao, có hàng trăm tuổi, nặng cả tấn. Những vườn ươm này đang bón thúc cho cây bén rễ, đâm chồi để chờ xuất đi các thị trường: Hà Nội, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang… Anh Dâng, một nghệ nhân chuyên nghiệp cây cảnh ở phường 8 cho biết: “Lộc vừng Phú Yên đang được thị trường cây cảnh ưa chuộng, nhất là các tỉnh phía Bắc. Từ một vài chuyến cây xuất tỉnh vào đầu năm 2003, hiện nay chúng tôi nhận đơn đặt hàng liên tục. Đây là một loại cây cảnh sang trọng, quý hiếm; các nơi không có lộc vừng, họ mua về tôn tạo cảnh quan cho các khu du lịch sinh thái, công sở, nhà hàng, khách sạn. Vào dịp tết, giới thượng lưu, chỉ cần có một cây lộc vừng trong nhà, lặt lá trước tết 10-15 ngày – đúng vào tối 30, sáng mùng một tết cây sẽ rựng lên những lộc non mơn mởn là đủ để chúc phúc tài lộc cho một năm mới thì không gì bằng”. Vì vậy, lộc vừng rất có giá; cây nhỏ độ bằng bắp vế, cổ chân đã có tiền triệu; Cây to đại thụ cõ 5-7 triệu đồng/cây là chuyện thường. Ông Dâng mới xuất hai xe tải cây lộc vừng đi Hà Nội, mỗi xe 15-20 cây, đợt cây mới lấy từ Đồng Xuân về còn trơ gốc rễ, chất lên xe như củi, vậy mà trừ chi phí ông cũng kiếm được trên 10 triệu đồng. Tôi hỏi còn những cây trồng trong vườn lún phún những chồi non kia cỡ bao nhiêu? Ông cho biết: “Tuỳ to, nhỏ, dáng thế khi đã tạo cho cây đạt hình thái nghệ thuật mà định giá nhưng phải từ 3-5 triệu đồng/cây”. Về hoá Xuân Nam gặp anh Bính đang ươm trồng trước sân 15 cây lộc vừng, anh phân giải: “Cây lộc vừng khi đã ươm trồng sống rồi thì mau thấy bạc triệu, nhưng không phải dễ ăn như nhiều người tưởng; tìm được cây ra dáng thế đã khó, ươm trồng cho cây sống càng khó hơn. Để đào được một cây to cao nặng hàng tạ phải có ít nhất ba người, gặp chỗ không có đường vận chuyển hoặc cây to nặng không khiêng nổi phải mướn xe cẩu tới kéo, chi phí đó cũng phải mất 3 đến 5 trăm ngàn đồng/cây. Về trồng cây sống thì khỏi phải nói, còn lỡ cây chết thì tiếc đến bứt đầu, bứt tai; tai nạn hơn nếu gặp kiểm lâm thì coi như mất trắng”.
Như vậy là đã rõ, dạo này đi đâu cũng thấy dân cây cảnh đổ xô “săn lùng” lộc vừng. Những cây lộc vừng đại thụ bên con sông, bến nước đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ cắt cỏ chăn bò, giờ tự nhiên biến mất. Rừng lộc vừng dọc sông ven suối ở Phú Sơn, Thác Dài - Suối Cối, Kỳ Lộ- Xuân Quang huyện Đồng Xuân đang bị đào phá nham nhở. Dân chuyên nghiệp chơi cây cảnh biết cách đào, cách trồng, có hàng có mối bán mua thì cây lộc vừng còn có cơ hội tái sinh nơi phồn hoa, đô thị. Khổ nỗi gặp dân quê “Thấy nẫu ăn khoai vác mai chạy quấy”, cứ thấy cây là đào, không biết chăm sóc - số cây này thường bị chết quá nửa, còn cây nào trồng sống thì không biết bán ở đâu? Theo đà này vài năm tới cây lộc vừng ở Phú Yên có nguy cơ bị khai phá cạn kiệt!
Cũng như cây rừng, cây lộc vừng là một chủng loại của tài nguyên rừng. Để có được thiên nhiên đã tạo lập từ hàng trăm, thậm chí hàng thiên niên kỷ nay. Về giá trị kinh tế lộc vừng được coi như một loại cây cảnh quý hiếm, giống như các loài gỗ quý cần được bảo tồn. Những người am hiểu còn ví lộc vừng như những luỹ tre bám đất giữ làng; loài cây tự nhiên nhưng góp phần kiến tạo cảnh quan môi trường, làm xanh đẹp quê hương, giữ đất và nước, sông suối, ao hồ, chống xói mòn đất đai. Do đó, cây lộc vừng cần được quản lý, khai thác, hưởng lợi theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng khai thác và kinh doanh cây lộc vừng một cách bừa bãi như hiện nay phải sớm ngăn chặn, xử lý nghiêm như hành vi khai thác rừng trái phép./.


CÒN ĐÂU NHỮNG MẺ CÁ ĐỒNG
Mạnh Minh Tâm

Lũ xuống, nước rọt, mấy ngày nay cha con ông Sáu Kho “dầm mình” kéo trủ. Từ hôm cánh đồng Ninh Tịnh (phường 9) nước rặt xuống khỏi lưng quần, ngày nào cha con ông và con dâu cũng ra đồng từ tờ mờ sáng cho đến lúc đỏ đèn mới về nhà. Tấm lưới trủ nhà ông gần 30 sải tay, trên 50m cào kéo một mùa, giờ đã đến lúc bung vành. Lời lãi từ những mẻ cá đồng, ông dư sức mua tấm trủ mới. Ông nói ngày đầu xuống nước, một nhát trủ giăng ra, kéo khoảng 100m thường cũng kiếm được 5 đến 7 ký cá rô, sặc, cá trắng vừa “nức mắt”…Giờ nước cạn dưới ống chân, một mẻ kéo trủ chỉ hơn 1 ký. Mờ sáng đến trưa được khoảng 10 ký cá, bạn hàng đang chờ trên bờ, lấy cá bỏ chợ, 3 lạng 5000đồng, vị chi buổi sáng nay tôi có trên 150.000 đồng. Chịu lạnh kéo trủ, ngày có gần 200 -300 ngàn đồng, đỡ khổ.
Biết rằng cào bắt những lứa cá con bằng đầu mút đũa, chưa lớn kịp, thấy tiếc, nhưng biết làm sao được. Quanh đây có hàng chục người đi kéo trủ, chứ đâu chỉ riêng mình, ngồi chờ cho cá lớn, có lẽ không đến lượt mình. Già Sung năm nay đã 80 tuổi, ở Ninh Tịnh, phường 9 , ông sống ở đây từ thuở lập làng, kể rằng: “Ngày xưa sau mùa nước nổi, cánh đồng Ninh Tịnh từ Bầu sen cho đến phường Chiếu, cá ơi là cá! Một tháng sau mùa lũ lụt, cá đồng ở đây trở thành nguồn thực phẩm hàng tấn, đánh bắt đến tết cũng chưa hết, nuôi sống dân làng cả tháng trời. Nay đánh bắt theo kiểu huỷ diệt kéo trủ, châm điện những con cá non nớt, chết tức tưởi, không kịp, lớn tiếc quá mà hổng biết làm sao”.
Những nhát kéo trủ không chừa một thứ gì, từ con ốc hút, ốc bươu, cá rô hạt bí, cá sặc, tôm tép non nớt…bị lưới trủ ngược xuôi càn quét là nguy cơ huỷ diệt các loài thuỷ sinh nước ngọt. Mai này có lẽ đồng ruộng, ao hồ chỉ còn bùn đất…và nước./.

Wednesday, December 3, 2008