Saturday, May 16, 2009



Wednesday, May 6, 2009





ĐÁ BIA DU KHẢO KÝ
Mạnh Minh Tâm
Nhân Phú Yên tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia Núi Đá Bia. Theo chân Đoàn vận động viên chinh phục Núi Đá Bia lần thứ 3, tôi được dịp mục sở thị một danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ, độc nhất vô nhị…mà lâu nay tôi hằng ao ước!
Ngọn núi thử sức tim mạch
Trên 50 tuổi, lần đầu tiên tôi leo núi Đá bia, từ sáng sớm vừa tới chân núi, phải ngước “trật ót” mới có thể nhìn hết chiều cao ngọn Đá Bia chót vót, sừng sững giữa trời xanh; rồi nhìn sang bảng chỉ dẫn trên độ cao 706m, và nghe nói phải vượt qua 2011m dốc núi hiểm trở mà cảm thấy lừng khừng, chột dạ. Nhưng nhờ có ông bạn đồng hành đã 55 tuổi, mang cái bụng “tổ chảng” thúc giục, với quyết tâm “cứ leo cho biết, nhắm không lên nổi thì quay lại, có sao đâu mà ngại”.
Bắt đầu khởi hành chuyến leo núi là 8 giờ, vượt qua chặng đường dốc đứng, cheo leo khoảng 500m, những bước chân giở lên, đặt xuống trên bậc đá cứ nặng dần. Đằng sau, ông bạn “mập” của tôi đã có những tiếng thở nặng, nghe “phì phò”, rồi ông cứ rớt lại và xa dần đoàn đi. Dừng lại chờ ông, tôi luôn miệng nhắc “nhắm leo không nổi thì đừng có rán”; chọc cười cho bớt mệt, tôi đọc cho ông nghe 1 khổ thơ của Bảo nhân hoạ thơ Hồ Xuân Hương: “Trót hẹn cùng em phải vượt đèo/Qua đèo sỏi đá rán gân leo/ Nửa đêm lếch thếch bên triền dốc/ Mờ sáng lòng vòng cạnh hố rêu”. Cứ vậy chúng tôi cũng đã vượt qua chặng đường 1000m. Từ đoạn này, cái mệt đã bắt đầu thấm dần vào từng đường gân, thớ thịt; toàn thân mồ hôi túa ra ướt đẩm, thỉnh thoảng trong tai bùng lên tiếng ù, mắt xót vì mặn muối mồ hôi, những bước chân cũng nặng nhọc, rời rạc. Nhưng có lẽ thử thách nhất là cái đoạn còn 300m về đích, độ dốc bây giờ cứ dựng đứng, mỗi lần nhấc chân là những bậc thang đá kế tiếp như đập vào trán, vào mũi, chân cứng đờ như đeo phải đá; nếu không có dàn lan can cho tay vịn thì dễ bật ngửa ra sau…“mà chết”. Đây là đoạn phải nếm trải để biết thế nào là “mệt bể hơi tai”, tai mũi họng há hốc thi nhau thở hồng hộc, mỗi bước chân rướn lên có cảm giác như như cơ xương đầu gối phát ra tiếng kêu rào rạo. Bụng nghĩ dại, nếu có ai đó không may bị “tai biến” què quặt nằm “lếch thếch” một chỗ thì chỉ có máy bay câu xuống, chớ chẳng ai mà khiêng cán nổi? Và những cú thở “hòng hộc”, cảm giác “rào rạo” như tan biến, thay vào đó là cảm giác sung sướng, hạnh phúc dâng trào khi lần đầu tiên được đặt chân trên đỉnh núi Đá Bia.
Còn sung sướng nào bằng khi U50 chúng tôi lần đầu tiên chinh phục đỉnh đá bia với thời gian 90 phút. 90 phút tự khám tim mạch, để tự tin về sức khoẻ của chính mình. 90 phút để tâm hồn được thưởng ngoạn trên độ cao lộng gió mà dù có đi trên máy bay cũng không thể có được. Với tôi, một lần và không biết có được lần nữa hay không khi được ngắm quê hương Phú Yên trải rộng trong tầm nhìn ngút mắt. Cái nắng chói chan trên đỉnh núi cao nhưng thân thể và tâm hồn cứ mát rượi, lòng dạt dào, phơi phới khi được thoả thích nhìn một cách bao quát những cánh đồng vàng rực của vựa lúa Tuy Hoà, được nhìn những con đường ngoằn ngèo, lượn quanh chân Đèo Cả; những nét chấm phá chập chùng từ những núi đồi, ốc đảo lẫn giữa màu xanh ngọc bích yên ả của biển giã mênh mông. Tôi chợt oà lên và muốn gào thét thật to “Phú Yên đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi !”
Cụ bà chinh phục Đá Bia
Lên được Đỉnh Đá bia, tận mắt chứng kiến một khối đá khổng lồ, độc nhất vô nhị mà Toàn quyền Đông Dương Pau Doumer - người Pháp mô tả trong sách Lindochine Francaise với mệnh danh là “ngón tay Chúa”. Tôi quanh quẩn để tìm vết tích mà theo khẩu truyền vua Lê Thánh Tông đã cho tướng sỹ khắc câu thơ, phân định địa giới Đại Việt với Chiêm Thành, nhưng tìm mãi không thấy. Vòng qua bên trái Đá Bia, (phía đông Bắc) bổng dưng tôi bắt gặp một cụ bà 75 tuổi, tóc bạc phơ, tay chống gậy thư thả, dạo quanh ngắm nhìn trời mây non nước mà không biểu lộ sự mệt nhọc của tuổi già . Tôi sững sờ đến kinh ngạc, đứng nhìn bà như “trời trồng”, con xin bái phục “tiên bà”, hôm nay bà là người xứng đáng được trao giải nhất nhất cuộc đua leo núi ở đây, chứ không phải đám thanh niên choai choai tràn đầy nhựa sống kia! Đó là “tiên bà” Nguyễn Thị Thợt, ở thôn Ân Niên, xã Hoà An, huyện Phú Hoà. Bà cho biết, nghe nay năm tỉnh tổ chức leo núi, bà dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước, dỡ theo cục xôi cúng hôm tối mùng 1, nhờ đứa gái chở tới chân núi này hồi 6 giờ và bà cùng đứa cháu gái bắt đầu leo núi lúc hơn 7 giờ. Bà bảo, leo núi trước là để biết tường tận câu ca từ thời tôi còn đưa em “Chiều chiều mây phủ Đá Bia…” sau nữa là để đo cho biết, mình còn thọ được bao nhiêu tuổi; vừa đi vừa nghỉ, dừng nghỉ là lúc ngắm núi rừng, cứ thế quên mệt, lên tới đỉnh lúc nào không hay, hình như lúc đó gần 10 giờ. Bác lên đây có cảm giác thế nào – tôi hỏi? Bà nói: “Được vịn và sờ vào hòn đá to tướng, ở tuốt Hòa An mình vẫn còn thấy nó, nay tận mặt ngắm nhìn, thật sướng mắt, sướng lòng; lên được đây tôi thấy như lạc vào cảnh tiên bồng; mai này có nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện”.
Mơ một ngày…thành điểm du lịch chinh phục độ cao
Cũng như danh thắng Đá Dĩa - Tuy An, tạo hoá đã ban tặng cho Phú Yên thêm một di tích Đá Bia kỳ vĩ, hiếm có trên đời. Nhưng điều kỳ diệu hơn, ngọn núi đá khổng lồ được gắn liền với những sự tích huyền thoại: Đây là nơi phân định chủ quyền quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành trong tiến trình mở cỏi. Người Pháp xem đây là “ngón tay Chúa”, vì ngọn đá hình ngón tay chỉ thắng lên trời, dù ở cách xa 20 dặm vẫn trông thấy; một thời Đá Bia như là đỉnh hoa tiêu chỉ dẫn cho tàu thuyền Trung Hoa, Nhật Bản đi về, cập bến. Và cũng từ đó người Pháp đã cho xây dựng trên dãy núi này một ngọn hải đăng mà sách địa lý hàng hải ghi là “Mũi Varella”, nay thường gọi là Mũi Điện. Còn theo di cảo của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng trong chuyến điền dã tại Phú Yên cho biết đấy là biểu tượng Linga - Đấng Đại Sơn thần - tức Siva Ấn giáo hội nhập vào văn hoá Chămpa và được Chămpa hóa thành tính ngưỡng phồn thực. Còn theo truyền thuyết dân gian Phú Yên: tại núi Đá Bia có huyệt đế vương, vượng khí rất mạnh nên có thể lấn át đến láng giềng Trung Hoa, nên khi Cao Biền làm Tiết Đô sứ Giao Châu, một lần qua đây thấy long mạch của đất vượng khí, đã giả vờ làm rơi kiếm để chặt đứt long mạch. Nơi thanh kiếm rơi xoáy thành một lõm đất, đó là hồ Hảo Sơn ngày nay…Và một lợi thế “Thiên thời” nữa là ngày 22/8/2008, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra Quyết định công nhận, xếp hạng núi Đá Bia là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.
Có thể nói Danh thắng Đá Bia có đầy đủ những yếu tố ưu việt nhất để xây dựng thành một điểm du lịch độc đáo, hiếm có ở Việt Nam. Và một khi danh thắng Đá Bia trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, đây sẽ là nơi giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước và truyền thống giữ nước của cha ông cho thế hệ trẻ qua huyền thoại Đá bia là cột mốc biên giới phân định lãnh thổ quốc gia, giống như lời tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt thời Đại Việt “Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư…” (Rành rành đã định ở sách trời). Đến Đá Bia, bên cạnh núi đá khổng lồ, được mệnh danh là “ngón tay Chúa” còn có một quần thể núi đá “cá heo quần địa cầu”, được leo lên những mỏm đá mà tương truyền rằng đây là những mảnh vở của Đá Bia do bị sét đánh vào tháng chạp, năm Tân Mão (1771), và thú vị nhất là được thưởng ngoạn “bức tranh hoạ đồ” thu nhỏ về phong cảnh non nước Phú Yên hữu tình.
Nghĩ mà tiếc, Núi Đá Bia chưa được nhiều người, nhiều nơi biết đến bởi đường sá đi lại cheo leo, hiểm trở. Nhiều điểm du lịch không có di tích, huyền thoại người ta đã cố thêu dệt, tô vẽ thương hiệu để thu hút khách, quê mình có một danh thắng độc đáo, lý tưởng mà chưa làm được. Mong rằng di tích danh thắng Núi Đá Bia sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách thập phương nhưng không phải là một vẻ đẹp “tiềm ẩn” mà thật sự là một “vượng khí” về thu hút khách du lịch vào hàng bậc nhất, nhân sự kiện kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2011). /.









Thạch đạo trên non cao
Ký sự MẠNH TÂM

Lần nào về làng Đồng, chúng tôi cũng được nghe nói nhiều đến những gộp đá cheo leo trên đỉnh Kôn Clon sừng sững, kiêu hãnh đã từng làm bức tường cản giặc thời chống Pháp, đánh Mỹ; nơi in đậm chiến tích của đồng bào Chăm, Ba Na vùng cao Thồ Lồ, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Người làng Đồng ngẩng cao đầu ngước nhìn lên Kôn Clon khi nhắc đến những mái đá chở che qua bao nắng mưa, bom đạn và không cầm được nước mắt trong mỗi lần kể lại về sự gian khó, ác liệt mà họ đã từng cắn răng chịu đựng…
Chúng tôi đã quyết chí đi tìm sự thật về hệ thống gộp đá lạ lùng này.
CHỨNG TÍCH KỲ VĨ
Không thể tự lên đỉnh Kôn Clon, chúng tôi phải “ngoại giao” liên hệ và được những người có trách nhiệm ở thôn Phú Đồng (thường gọi là làng Đồng) vui vẻ dẫn đường; đó là ông La Chí Vũ-Bí thư chi bộ thôn, ông La Chí Tâm-Phó trưởng thôn và ông La Chí Cường-người của làng cử đi. Cùng đi với chúng tôi còn có anh Nguyễn Ninh, cán bộ Phòng VHTT huyện Đồng Xuân. Khởi hành lúc 7 giờ, hì hục vượt qua nhiều khe dốc, hàng gộp dựng đứng, hiểm trở, ông Vũ luôn miệng nhắc: “Đi khéo, chớ trật chân rớt xuống vực kia là tan xác đó!”. Thật ra núi không cao lắm nhưng đường đi khúc khuỷu, gập ghềnh, dốc cao, trơn trượt, khá nguy hiểm nếu không có người địa phương đưa lối. Từ chân núi, phải mất gần 3 giờ leo bám, luồn lách trên 2 km đường rừng, chúng tôi mới tới được khu vực đỉnh núi. Hiện ra trước mắt là những mái đá khổng lồ, hàng trăm hang gộp sừng sững, liên hoàn, hun hút, thực sự là những địa đạo bằng đá “trên cả kiên cố”; trong đời, chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi cảnh này! Một hang gộp mẹ có hàng chục ngóc ngách gộp con, chia nhiều tầng nấc, kiểu dáng, rộng hẹp đủ cỡ! Có những hang thông nối với nhau, cao, sâu tới hàng chục mét, càng chui sâu càng tối om, nắng mưa không vào tới, chúng tôi thấy ớn lạnh vì nỗi sợ rắn rết...
Ông La Chí Cường, người đã từng được cha mẹ “gùi” lên ở đây trong những trận chống càn, chỉ dẫn tường tận: đây là nơi gia đình mình đã trú ngụ, kia là nơi họp dân làng bàn mưu kế chống càn, đánh địch; đây là cái hang nhỏ dành cho gia đình có 3 người, kia là hang lớn dành cho gia đình có hàng chục người ở,... Trên mặt đá bằng phẳng và rộng kia, khi săn thú rừng về, dùng làm nơi xẻ thịt, chia cho dân làng. Mỗi hang ở đều có một cái bếp, vết tích là những đụn tro ám khói ngã màu xanh rêu, những mảnh vỡ hủ sành, chai lọ còn sót lại,... Ông Cường còn chỉ cho tôi những loại trái cây, lá rừng mà người dân đã từng ăn nó thay cơm. Vừa dẫn giải, ông vừa rủ rỉ kể chuyện: “Tui sinh năm 1958, hồi 1967 lên đây mới độ 9-10 tuổi; năm đó, lính Đại Hàn vào làng Đồng xả súng, tui bị thương cánh tay phải nhưng cha mẹ cứ để vậy, “tha” tui chạy lên đây, rồi mới tìm lá rừng băng bó vết thương. Truy kích theo dân làng, máy bay trực thăng bắn xối xả vào những gộp núi đá nhưng chẳng “thấm ngứa” gì, vì dân làng đã an toàn trong những mái đá dang tay che chở. Giặc chiếm giữ làng trong 7 ngày liền, với ý định chờ dân làng đói khát chịu hết nổi, ra khỏi hang để chúng lùa tập trung vào các ấp chiến lược. Nhà tôi cũng như dân làng không còn gì ăn, chờ tối trời mới mò ra suối Mằng Quân hái trái sung, trái ngái, trái bom núi, lá sắn, lá xanh,… ăn thay cơm trong nhiều ngày. Vậy mà chẳng hiểu điều kỳ diệu nào đã giúp chúng tôi sống vượt qua những ngày đói cơm lạt muối…”.
HUYỀN THOẠI BRĂM CHI NGĂNG
Già làng Ma Doãn, nay đã 80 tuổi, nguyên là Bí thư, Chủ tịch xã Phú Mỡ cho đến ngày giải phóng 1975, hồi tưởng: “Mình sống ở đất làng Đồng này qua hai cuộc trường chinh chống Pháp, đánh Mỹ nhưng chưa có thời kỳ nào mà dân làng chịu nhiều gian khổ ác liệt như những năm 1963-1967”. Bắt đầu từ 1962-1963, địch mở đầu chiến dịch mang tên “Hải Yến”, huy động 15 tiểu đoàn quân chính quy và nhiều máy bay tiến hành càn quét vùng miền núi tỉnh Phú Yên. Khi đến xã Phú Mỡ, chúng đốt phá gần 90% buôn làng, ai chưa trốn kịp, chúng dùng trực thăng đưa vào các khu tập trung ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Dân làng Đồng không bị bắt lùa đi là nhờ vào những hang gộp trên đỉnh Kôn Clon (Kôn Clon tiếng Ba Na là núi đá-NV). Dân làng Đồng nói riêng và cả vùng núi Thồ Lồ này còn sống sót đến ngày nay luôn ngước mặt lên gộp Kôn Clon mà thầm nói lời biết ơn. Nếu không có những hang động trong ngọn núi đá này thì dân làng Đồng, làng Len, làng Thanh, làng Xí thuộc xã Thồ Lồ (nay là xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) một là phải theo giặc hoặc phải chết dưới sự tàn sát dã man trong nhiều trận càn quét của lính Đại Hàn.
Ma Doãn kể: khi đồng bào đã chui hết vào các hang gộp này thì không một thằng địch nào dám bén mảng. Vì trong những ngóc hang đã bố trí những tay ná cự phách với hàng trăm mũi tên tẩm độc (tiếng Ba Na: Brăm chi ngăng là Mũi tên độc-NV), sẵn sàng lao vun vút cắm thẳng vào quân thù. Thời chống Pháp, có những thằng Tây hăng máu truy đuổi dân làng lên đây đã bị chết “không kịp ngáp”; chúng đã kinh hồn với loại vũ khí không phát ra tiếng nổ, không định vị được đối phương nhưng tính sát thương trong tầm ngắn, độ chính xác của dàn cung thủ thiện xạ là vô cùng lợi hại. Đã dính vào tên độc thì không trường hợp nào gọi là “bị thương” mà chỉ có “từ chết tới chết”! Loài cây dùng để lấy nhựa làm thuốc tẩm tên độc có tên là Lon chi ngăng, bây giờ chỉ còn độc nhất một cây ở suối Mằng Quân.
Ở làng Đồng bây giờ chỉ còn ông Ma Thìn nắm giữ bí kíp công thức chế ra loại độc dược này, nhưng ông đã bỏ việc bào chế từ 3 năm nay. Bên ché rượu cần với chúng tôi, Ma Thìn dứt dạc: “Ngày trước, làm thuốc độc tẩm vào băng cung, mũi tên để giết giặc, săn bắn thú dữ. Rừng bây giờ chỉ còn cây với lá, thú rừng đã bị súng đạn của lâm tặc ăn hết rồi, chế thuốc này để làm cái gì nữa?!...”.
CHỚ ĐỂ ĐỊA CHỈ ĐỎ BỊ LÃNG QUÊN
Đó là lời đề nghị và mong mỏi nhất của đồng bào dân tộc Ba Na làng Đồng trong hàng chục năm nay. Ông Ma Việt, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Mỡ, cho biết: xã đã cử người xác minh và lập danh sách từ những gia đình có người tử nạn thời đó, thì số người chết trong những trận chống càn ở làng Đồng lên con số gần cả trăm. Cách đây 5 năm, xã đã gửi danh sách này và tờ trình nhờ ông La Chí Noa (nguyên Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên) làm việc với cơ quan chức năng xem xét, lập hồ sơ về Gộp đá Kôn Clon là di tích kháng chiến. Nhưng ông Noa đã đột ngột qua đời nên công việc dở dang, bây giờ chưa biết nhờ ai? Vợ ông La Chí Noa là Nguyễn Thị Diệu Thiền đã có lần phản ảnh ý kiến cử tri xã Phú Mỡ về sự kiện trên trong một kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên nhưng chưa được ngành chức năng để ý…
Cũng như bao chiến công thầm lặng, số người chết ở làng Đồng chỉ là nhẩm tính, có thể chưa chính xác. Nhưng sự kiện dời làng lên địa đạo đá và đồng bào chết đói do kẻ thù o ép, rải chất độc là có thật. Những cái chết bất khuất, kiên cường để bám trụ buôn làng, để tự do, để được sống với cách mạng, để núi rừng miền Tây Phú Yên trở thành luỹ thép thời đánh Mỹ. Gộp Kôn Clon gắn với sự hy sinh anh dũng và chiến công của của biết bao đồng bào – xứng đáng được nghiên cứu, bảo tồn, nhắc nhớ để tự hào và tôn vinh!
Riêng vẻ đẹp lạ lùng của thạch đạo trên núi này cũng đủ hút hồn những người đam mê du khảo…