Thursday, February 9, 2012





Monday, July 4, 2011



Thursday, October 7, 2010

NHỊP SỐNG ĐỒNG QUÊ

ĐỨNG NHÁ MÙA CÁ TRÔI
Mạnh Minh Tâm
Cuối thu, thời tiết bắt đầu chuyển đoạn lập đông, những cơn mưa rừng trút nước. Sông Bà đài, suối Cà Tơn… ầm ào thác đổ, sông cái Kỳ Lộ những ngày này dâng cao, nước mẩy đục ngầu. Đó là lúc ông Tám Bầu vác trên vai bó gọng nhá, mang sau lưng chiếc đụt, rảo bước ra truông Bà Xã rồi vòng về Bàu Cạn tìm lõm nước trũng để… đứng nhá.
Giống như chiếc vó bè ngoài Bắc, nhưng vó bè là dụng cụ chong cá quanh năm trong ao hồ, đầm, vịnh (cả nước ngọt và mặn) không theo mùa vụ. Khi kéo vó lên phải nhờ vào đòn bẩy của một hòn đá tròn bằng quả dưa, trông như cần bẩy giếng vọt, mỗi lần thả xuống, kéo lên phát ra tiếng rên ken két, nặng nề. Còn bộ nhá của ông Tám Bầu ở xứ Nam Trung bộ này thì gọn nhẹ, được làm từ những cây tre đực, chỉ dùng để bắt cá nước ngọt (cá sông) vào mùa nước lũ. Bộ gọng tre này gồm có 5 cây; một cây làm trụ to bằng cổ chân, dài gần bốn sải tay; bốn cây làm bộ kèo nhá nhỏ hơn cổ tay, dài khoản ba sãi tay dùng để căng tấm lưới gai. Tấm lưới gai có chiếc rốn dài, thụng xuống để nhốt cá mỗi khi tấm nhá kéo lên. Muốn bắt cá phải vác nhá đi dọc bờ sông để tìm chỗ đón trổ, đón trúng luồng cá chạy rồi mới thả nhá.
Ông Tám Bầu năm nay độ trên sáu mươi tuổi, làn da đen trụi vì phải dạn dày nắng mưa, nhưng trông ông còn rắn chắc khỏe mạnh. Mỗi hôm, vác nhá ra tới bờ sông, ngồi xuống dùng dây bện chặt, bắt chéo bộ gọng như chữ thập vào trụ chống, xong việc chành tấm lưới gai vuông bốn góc, ông móc trong túi gói thuốc rê “bóc lăn xe” một điếu, châm lửa bập phà cũng là lúc rốn nhá hạ sâu dưới đáy nước. Tay vẫn giữ dây cho bộ gọng nhá nhô trên mặt nước…chờ. Khi điếu thuốc trên môi sắp tàn là lúc phải kéo nhá lên để thử vận may. Những mẻ nhá đầu tiên kéo lên nhùng nhằn cá vẫy là nhá đã hứng trúng luồng cá đi tìm mồi, phải nhanh tay kéo nhá lên, thả xuống liên tục, tay bắt cá thả vào đụt, lòng mừng thầm hôm nay mình “trúng mánh”. Còn nếu như kéo nhá lên, thả xuống vài nhác mà trong rốn nhá chỉ có rác rìu và vài con ốc hút thì phải xếp nhá chuyển điểm, tìm chỗ khác.
Ngồi xem ông Tám Bầu đứng nhá, nghe ông thì thầm kể chuyện đứng nhá hồi xưa mà thấy thích. Ông nói, đứng nhá là một công cụ đánh bắt sông nước đồng quê; cái thời mà trên ruộng đồng chỉ dùng nôm, đơm, đó để bắt cá, sông nước chưa hề có các loại lưới vây, lưới dậu dài; đến mùa lũ lụt cây nhá là dụng cụ “sát cá” bá chủ. Sắm được bộ nhá chỉ có những nhà khá giả nhất làng.
Còn người chuyên đứng nhá phải là những người to khỏe, săn chắc, mới đủ sức chịu đựng cái lạnh của mưa dầm mùa đông, có những hôm mưa tầm tã nhưng để đón những đàn cá trôi vào đẻ trong ruộng mà phải “thức nửa đêm, dậy gà gáy”, người chỉ mặc một chiếc quần cộc với tấm áo tơi lá dầm mình trong lũ cả ngày đêm. Vì ham cá mà thân thể phải chịu rét, mặt môi tím tái, tay chân tê cóng run bần bật nhưng vẫn cứ thả, kéo nhá khi nào bắt hết cá mới thôi.
Sắm nhá là để bắt cá đồng, cá sông. Nhưng trúng nhất là mùa cá trôi đẻ cạn. Con cá trôi mà dân quê mình đọc trại là cá trâu, đó là đàn cá chỉ sống trên đầu nguồn sông suối, một năm chỉ chờ mùa lụt lớn, nước lũ dâng cao tận đầu nguồn cá mới xuôi dòng về hạ lưu tìm chỗ đẻ; tách tẻ ra từng đàn, rẻ tìm vào các luồng lạch suối khô, đồng cạn để xả cái “bụng bầu” úc núc. Mà lạ thật! con cá trôi chỉ đẻ trong những lạch nước cạn, gặp trúng lạch nước xăm xắp mắt cá, từng đàn tranh nhau chạy ló vây, xé nước, phát ra tiếng kêu rẹt rẹt. Trong lạch nước “vượt cạn” lý tưởng, chúng bắn ra những tia sữa trắng đục kéo thành những sợi tơ lênh đênh trên mặt nước; qua mùa lũ lụt chúng biến thành những đàn nòng nọc cá trôi con, vẫy theo dòng chảy tìm ra sông suối, ngược nước về nguồn. Năm nào mùa cá trôi vào tìm chỗ hạ sanh “bất phước”, trúng bẩy những cây nhá đón trổ thì đàn cá bị tóm gọn như lọt vào “ổ phục kích”. Chủ nhá thỏa thê vì đứng nhá trúng đậm, cả nhà được ăn những con cá trôi to tròn bằng cán rựa, bụng đầy trứng, thịt thơm ngọt lựng, béo ngật ; lớp nướng, lớp kho…ăn không hết mang cho chát hàng xóm cùng hưởng.
Đứng nhá, là dụng cụ đánh cá bắt thô sơ đồng thời cũng là cái thú say mê một thời của dân quê vào mùa nước lũ. Sông nước bây giờ con cá đã bị các phương tiện đánh bắt theo kiểu hủy diệt. Bộ nhá “trơ gọng” gác bên hiên nhà, nghề đứng nhá đã chìm dần vào quá vãng. /.

(Địa chỉ: 220 Trần Hưng Đạo – TP Tuy Hòa, Phú Yên – ĐT 0989.867.337)
CỒNG CHIÊNG TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN
CỦA CÁC DÂN TỘC MIỀN NÚI TỈNH PHÚ YÊN
Mạnh Minh Tâm

Sở VHTT&DL Phú Yên

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc miền núi Phú Yên luôn coi cồng chiêng là một tài sản vô cùng quý báu, là vật biểu thị sức mạnh trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng dân tộc. Về mặt vật chất, cồng chiêng là biểu hiện sự giàu có của từng gia đình, dòng họ, buôn làng. Có những bộ chiêng quý, nhiều gia đình phải đổi ngang giá vài chục con trâu nhưng cái quý nhất vẫn là âm thanh và giai điệu về giá trị nghệ thuật được khẳng định là "tiếng nói" và linh hồn bản sắc của dân tộc mình . Đó là những bộ cồng chiêng có âm sắc chuẩn. Đồng bào tin rằng những bộ cồng chiêng cổ mà ngày nay trở nên quý hiếm, bởi ngày xưa nó được pha đúc bằng vàng bạc ở phần núm. Vấn nạn buôn bán đồ cổ, đồng nát đổ xô săn tìm cũng vì lẽ đó và đã làm thất thoát những bộ chiêng quý giá có cách đây vài trăm năm.
Cùng với sở hữu chum ché, trâu bò, ruộng rẫy... cồng chiêng đã chứng tỏ giá trị vật chất là vậy. Song cái vô giá là từ ngàn xưa cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với đồng bào, giữ vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần các dân tộc trường sơn Tây nguyên nói chung và các dân tộc miền núi Phú Yên nói riêng. Nó có mặt trong mỗi đời người từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh cho đến lễ bỏ mả. Cồng chiêng còn quy tụ xung quanh mình nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa, hát khan, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, điêu khắc... đặc biệt về âm nhạc, cồng chiêng có sức vang xa, có tổ chức hoàn chỉnh từ giai điệu, hòa âm, phức điệu. Cũng có thể tìm ở cồng chiêng những gia trị cao về thẩm mỹ, về tính dân chủ (bình đẳng), tính tập thể (cộng đồng)... khi đi sâu vào nghiên cứu các nhà chuyên môn còn cho rằng mọi phong tục, tập quán của các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên đều thể hiện qua tiếng cồng chiêng.
Tiếng chiêng của dân tộc Ê đê mừng trẻ sơ sinh đầy cử, có ý nghĩa công nhận chính thức nó vào cộng đồng; nó được mang truyền thống mọi mặt của dòng tộc, buôn làng cho một con người mới, và khi trưởng thành nó sẽ thể hiện như cây mọc thẳng, biết vượt qua mọi khó khăn để tồn tại. Tiếng chiêng trong lễ cầu hôn nhắc nhở đôi trai gái yêu thương bền chặt, thủy chung, tuân thủ truyền thống, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng. Cồng chiêng xua đuổi khi thú giữ về phá rẫy nương; thúc giục trai tráng dân làng xung trận khi có chiến tranh và cổ vũ mọi người chiến đấu quên mình vì sự tồn vong của cộng đồng, dòng tộc. Khi buôn làng có người qua đời, tiếng chiêng nghe buồn bã, chậm chạp nỉ non; kêu gọi mọi người cùng nhau lo liệu, chia sẻ nỗi đau này, tiển biệt người đã khuất trong tình đoàn kết, yêu thương nhau hơn.
Đặc biệt trong lễ hội, khi cồng chiêng xuất hiện thì không khí và nghi thức lễ hội mới bộc lộ rõ nét. Nói cách khác cồng chiêng và lễ hội trong mối liên hệ hữu cơ, không có cồng chiêng thì lễ hội không thành. Bất cứ lễ hội nào của đồng bào, cồng chiêng bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo gây phấn khích, thu hút mọi người nô nức vào hội; khấy động không gian lễ hội tràn ngập niềm hân hoan để mọi người tìm về bên nhau, nam nữ dắt tay nhau vào những điệu múa uyển chuyển, dồn dập, say đắm hết mình.
Khi buôn làng chìm trong đêm tĩnh lặng, mọi người quây quanh bên bếp lửa hồng, đâu đó chợt đong đưa giai điệu cồng chiêng sâu lắng, gợi tình người xích lại gần nhau; cũng là lúc ghè rượu no tròn, cần vút cong, miếng thịt rừng nướng thơm phưng phức, làm sáng lên tình yêu thương trên gương mặt rạng rỡ của gia đình. Trong đêm ning nơng (tiếng Ba nah là nghỉ ngơi) trăng thanh, gió mát cồng chiêng mời gọi trai gái vui quầy múa hát, tỏ tình...
Tất cả ý nghĩa đó cho thấy, cồng chiêng có vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa trong đời sống sinh hoạt xã hội về mặt giá trị nghệ thuật mà còn là "tiếng nói" của con người và thần linh - theo quan niệm vạn vật hữu linh.
Cũng như các dân tộc trường sơn Tây Nguyên, các DTTS miền núi tỉnh Phú Yên là những người yêu chuộng, gìn giữ và sử dụng rất điệu nghệ âm nhạc cồng chiêng. Già làng Ma Ngoe ở Thồ Lồ-Phú Mỡ có lần đã khẳng định rằng: "Làng có thể dời đi do đất ở không phù hợp hoặc do luật tục quy định. Đời sống dân làng có lúc no, lúc đói do chiến tranh, thiên tai, dịch họa nhưng cồng chiêng không thể rời xa con người, buôn làng không thể thiếu tiếng cồng chiêng".
Đây hãy lắng nghe tiếng chiêng trong trường ca Ê đê Phú Yên:
Đánh lên ! cho khỉ quên ôm chặt cây, cho ma quỷ quên hại người...
Đánh lên ! cho thỏ phải giật mình, cho nai quên ăn cỏ...
Cồng chiêng của dân tộc Ba nah - chăm hroi đệm lời bài hát trong lễ hội Đâm trâu:
Ơ thần núi thần sông
Ơ ma ông, ma bà
Cho chúng tôi nhiều heo gà bò trâu
Cho chúng tôi mạnh khỏe đẹp giàu
Lúa đầy bồ, nồi gang nâu to nhỏ
Có đi xa không lạc ngõ, lầm đường...
Các dân tộc miền núi ở Phú Yên thường sử dụng các loại cồng chiêng: Giàn chiêng Araps người Ê đê, Ba nah thường sử dụng bộ bình thường có 3 cồng núm và 8 chiêng bằng. Bộ Araps đầy đủ có từ 18 đến 20 chiếc - đây là loại chiêng hai đầu có người khiêng và một người nhạc công theo đệm, được các dân tộc miền núi Phú Yên yêu thích và sử dụng rộng rãi. Nhưng đối với dân tộc Chăm hroi, Ba nah ở huyện miền núi Đồng Xuân giàn nhạc cụ được sử dụng phổ biến nhất vẫn là bộ cồng 3, chinh 5, trống đôi. Đều là nhạc khí thuộc bộ gõ nhưng khi hòa thanh cồng 3, chinh 5, trống đôi đã tạo ra âm sắc có nét đặc trưng, dễ nhận diện bản sắc dân tộc. Cồng 3 giữ bè trầm tạo âm thanh nền vang rền, sâu lắng; chinh 5 vang giai điệu khoan nhặt, thanh thoát; trống đôi tiết tấu dồn dập tạo ra tưng bừng không gian lễ hội. Với đặc trưng ấy, cồng chiêng dân tộc Chăm hroi, Ba nah thường được chọn đại diện tham dự các ngày hội lớn của dân tộc và tham gia giao lưu liên hoan văn hóa các dân tộc khu vực và toàn quốc.
Ngày nay, khi "không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" đã trở thành kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đóng vai trò và khẳng định giá trị bản sắc cộng đồng văn hóa các dân tộc trường sơn Tây Nguyên thì nhạc cụ cồng chiêng các dân tộc miền núi Phú yên cũng là một bộ phận góp phần làm phong phú, đa sắc, đa hình và độc đáo, làm giàu vốn văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc Phú Yên nói riêng. Một vốn quý cần có chính sách khuyến khích gìn giữ và phát huy trong tiến trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
MMT.
...................................................................................................................................
(Đ/c: Sở VHTT Phú Yên - 220 Trần Hưng Đạo - TP Tuy Hòa - ĐT 827767)


Tình quê