Thursday, December 4, 2008

CÂY LỘC VỪNG
TRƯỚC NẠN SĂN CÂY CẢNH

Mạnh Minh Tâm

Cây lộc vừng ở Phú Yên mọc ven sông suối, ao hồ, ruộng rộc. Cây mọc thành rừng, nhiều nhất là ở các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hoà và huyện Tuy Hoà. Mỗi năm, một mùa cây đơm bông kết trái, trái khô tách hạt cuốn theo dòng nước tấp mọc dọc bờ sông suối để duy trì sự trường tồn của một loài cây. Hiện tại có cây đã sống qua hàng trăm tuổi. Lộc vừng có đặc tính sinh sống và phát triển trong môi trường nước. Cây có vỏ dày, sần sui, gân guốc tạo nên dáng thế một cây cảnh đẹp rất tự nhiên. Dân chơi cây cảnh xếp nó vào bộ tam đa: PHỨỚC - LỘC - THỌ tương ứng với ba loại cây: Sung- lộc vừng- vạn tuế.
Ngày xưa, người ta dùng vỏ cây lộc vừng sắc lấy nước, có màu nâu sậm để nhuộm quần áo, chài lưới; đọt non (lá) hái ăn sống với mắm muối. Người dân thường dùng một mảnh vỏ cây với một nắm lá bánh tẻ của lộc vừng thái nhỏ sao vàng, khử thổ sắc lấy một bát nước uống dùng chữa bệnh kiết lỵ.
Đặc biệt vào mùa hè, lộc vừng ra hoa rất đẹp, hoa kết nụ từng chuỗi dài (5-7 tấc) tủa quanh thân cây. Khi hoa nở dọc sông suối rực lên màu tím xác pháo như những chuỗi lan ngọc điểm đong đưa soi bóng nước, tạo nên khung cảnh thơ mộng, điểm tô cho những vùng quê thanh bình yên ả. Cái đẹp của hoa lộc vừng thật quyến rủ. Ai đã ngắm hoa nở là muốn bứng gốc về trồng ở sân vườn nhà mình. Chính vì thế trong những năm qua, dân chơi cây cảnh trong và ngoài tỉnh đã để mắt tìm cách khai thác đến loài “đặc sản” của Phú Yên. Nơi có tiềm năng lộc vừng dồi dào, không phải nơi nào cũng có.
Đi dọc quốc lộ 1 từ Chí thạnh – Tuy An đến Hoà Xuân nam –Đông Hoà hai bên đường mọc lên nhan nhản những vườn ươm lộc vừng vừa khai thác từ các sông suối trong tỉnh. Có vườn đang ươm trồng những cây to cao, có hàng trăm tuổi, nặng cả tấn. Những vườn ươm này đang bón thúc cho cây bén rễ, đâm chồi để chờ xuất đi các thị trường: Hà Nội, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang… Anh Dâng, một nghệ nhân chuyên nghiệp cây cảnh ở phường 8 cho biết: “Lộc vừng Phú Yên đang được thị trường cây cảnh ưa chuộng, nhất là các tỉnh phía Bắc. Từ một vài chuyến cây xuất tỉnh vào đầu năm 2003, hiện nay chúng tôi nhận đơn đặt hàng liên tục. Đây là một loại cây cảnh sang trọng, quý hiếm; các nơi không có lộc vừng, họ mua về tôn tạo cảnh quan cho các khu du lịch sinh thái, công sở, nhà hàng, khách sạn. Vào dịp tết, giới thượng lưu, chỉ cần có một cây lộc vừng trong nhà, lặt lá trước tết 10-15 ngày – đúng vào tối 30, sáng mùng một tết cây sẽ rựng lên những lộc non mơn mởn là đủ để chúc phúc tài lộc cho một năm mới thì không gì bằng”. Vì vậy, lộc vừng rất có giá; cây nhỏ độ bằng bắp vế, cổ chân đã có tiền triệu; Cây to đại thụ cõ 5-7 triệu đồng/cây là chuyện thường. Ông Dâng mới xuất hai xe tải cây lộc vừng đi Hà Nội, mỗi xe 15-20 cây, đợt cây mới lấy từ Đồng Xuân về còn trơ gốc rễ, chất lên xe như củi, vậy mà trừ chi phí ông cũng kiếm được trên 10 triệu đồng. Tôi hỏi còn những cây trồng trong vườn lún phún những chồi non kia cỡ bao nhiêu? Ông cho biết: “Tuỳ to, nhỏ, dáng thế khi đã tạo cho cây đạt hình thái nghệ thuật mà định giá nhưng phải từ 3-5 triệu đồng/cây”. Về hoá Xuân Nam gặp anh Bính đang ươm trồng trước sân 15 cây lộc vừng, anh phân giải: “Cây lộc vừng khi đã ươm trồng sống rồi thì mau thấy bạc triệu, nhưng không phải dễ ăn như nhiều người tưởng; tìm được cây ra dáng thế đã khó, ươm trồng cho cây sống càng khó hơn. Để đào được một cây to cao nặng hàng tạ phải có ít nhất ba người, gặp chỗ không có đường vận chuyển hoặc cây to nặng không khiêng nổi phải mướn xe cẩu tới kéo, chi phí đó cũng phải mất 3 đến 5 trăm ngàn đồng/cây. Về trồng cây sống thì khỏi phải nói, còn lỡ cây chết thì tiếc đến bứt đầu, bứt tai; tai nạn hơn nếu gặp kiểm lâm thì coi như mất trắng”.
Như vậy là đã rõ, dạo này đi đâu cũng thấy dân cây cảnh đổ xô “săn lùng” lộc vừng. Những cây lộc vừng đại thụ bên con sông, bến nước đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ cắt cỏ chăn bò, giờ tự nhiên biến mất. Rừng lộc vừng dọc sông ven suối ở Phú Sơn, Thác Dài - Suối Cối, Kỳ Lộ- Xuân Quang huyện Đồng Xuân đang bị đào phá nham nhở. Dân chuyên nghiệp chơi cây cảnh biết cách đào, cách trồng, có hàng có mối bán mua thì cây lộc vừng còn có cơ hội tái sinh nơi phồn hoa, đô thị. Khổ nỗi gặp dân quê “Thấy nẫu ăn khoai vác mai chạy quấy”, cứ thấy cây là đào, không biết chăm sóc - số cây này thường bị chết quá nửa, còn cây nào trồng sống thì không biết bán ở đâu? Theo đà này vài năm tới cây lộc vừng ở Phú Yên có nguy cơ bị khai phá cạn kiệt!
Cũng như cây rừng, cây lộc vừng là một chủng loại của tài nguyên rừng. Để có được thiên nhiên đã tạo lập từ hàng trăm, thậm chí hàng thiên niên kỷ nay. Về giá trị kinh tế lộc vừng được coi như một loại cây cảnh quý hiếm, giống như các loài gỗ quý cần được bảo tồn. Những người am hiểu còn ví lộc vừng như những luỹ tre bám đất giữ làng; loài cây tự nhiên nhưng góp phần kiến tạo cảnh quan môi trường, làm xanh đẹp quê hương, giữ đất và nước, sông suối, ao hồ, chống xói mòn đất đai. Do đó, cây lộc vừng cần được quản lý, khai thác, hưởng lợi theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng khai thác và kinh doanh cây lộc vừng một cách bừa bãi như hiện nay phải sớm ngăn chặn, xử lý nghiêm như hành vi khai thác rừng trái phép./.


CÒN ĐÂU NHỮNG MẺ CÁ ĐỒNG
Mạnh Minh Tâm

Lũ xuống, nước rọt, mấy ngày nay cha con ông Sáu Kho “dầm mình” kéo trủ. Từ hôm cánh đồng Ninh Tịnh (phường 9) nước rặt xuống khỏi lưng quần, ngày nào cha con ông và con dâu cũng ra đồng từ tờ mờ sáng cho đến lúc đỏ đèn mới về nhà. Tấm lưới trủ nhà ông gần 30 sải tay, trên 50m cào kéo một mùa, giờ đã đến lúc bung vành. Lời lãi từ những mẻ cá đồng, ông dư sức mua tấm trủ mới. Ông nói ngày đầu xuống nước, một nhát trủ giăng ra, kéo khoảng 100m thường cũng kiếm được 5 đến 7 ký cá rô, sặc, cá trắng vừa “nức mắt”…Giờ nước cạn dưới ống chân, một mẻ kéo trủ chỉ hơn 1 ký. Mờ sáng đến trưa được khoảng 10 ký cá, bạn hàng đang chờ trên bờ, lấy cá bỏ chợ, 3 lạng 5000đồng, vị chi buổi sáng nay tôi có trên 150.000 đồng. Chịu lạnh kéo trủ, ngày có gần 200 -300 ngàn đồng, đỡ khổ.
Biết rằng cào bắt những lứa cá con bằng đầu mút đũa, chưa lớn kịp, thấy tiếc, nhưng biết làm sao được. Quanh đây có hàng chục người đi kéo trủ, chứ đâu chỉ riêng mình, ngồi chờ cho cá lớn, có lẽ không đến lượt mình. Già Sung năm nay đã 80 tuổi, ở Ninh Tịnh, phường 9 , ông sống ở đây từ thuở lập làng, kể rằng: “Ngày xưa sau mùa nước nổi, cánh đồng Ninh Tịnh từ Bầu sen cho đến phường Chiếu, cá ơi là cá! Một tháng sau mùa lũ lụt, cá đồng ở đây trở thành nguồn thực phẩm hàng tấn, đánh bắt đến tết cũng chưa hết, nuôi sống dân làng cả tháng trời. Nay đánh bắt theo kiểu huỷ diệt kéo trủ, châm điện những con cá non nớt, chết tức tưởi, không kịp, lớn tiếc quá mà hổng biết làm sao”.
Những nhát kéo trủ không chừa một thứ gì, từ con ốc hút, ốc bươu, cá rô hạt bí, cá sặc, tôm tép non nớt…bị lưới trủ ngược xuôi càn quét là nguy cơ huỷ diệt các loài thuỷ sinh nước ngọt. Mai này có lẽ đồng ruộng, ao hồ chỉ còn bùn đất…và nước./.