Friday, October 10, 2008

Hoàng hôn nhạt nhòa – Thơ QUANG NGỰ
Ảnh: KIM SA
Chỗ ngồi thuở ấy bờ đê
Hai chúng mình đã hẹn thề dưới trăng
Anh mơ ngày ấy đến nhanh
Em mơ ngày ấy sẽ thành nàng dâu

Nhưng giờ em ở nơi đâu?
Chỗ ngồi xưa đã tím màu cỏ may
Người buồn cảnh cũng buồn lây
Sông sâu đã cạn, non đầy khói sương

Mây vương bóng giữa chiều buồn
Anh vương lòng giữa hoàng hôn nhạt nhòa.

PHÉP ĐỔ ĐẦU - LỄ CÚNG TẤT NIÊN
CỦA NGƯỜI CHĂM HROI

Mạnh Minh Tâm


Hàng năm, từ ngày 25 đến ngày cuối cùng của tháng chạp âm lịch, ai có dịp về các thôn buôn người Chăm hroi ở Hà Rai, xã Xuân Lãnh - Phú Tiến Phú Giang xã Phú Mỡ ( huyện Đồng Xuân ), chúng ta sẽ gặp không khí rộn ràng, hối hả trong từng gia đình - họ đang chuẩn bị lễ cúng đổ đầu, tiếng Chăm hroi gọi là Quoai chơ ruh a kơh một nghi lễ truyền thống của người Chăm được duy trì từ bao đời nay. Vừa nghe tên gọi có người nhầm tưởng đây là một hình thức tế lễ ma thuật mang màu sắc dị đoan. Song khi tìm hiểu thấu đáo cội nguồn cho thấy đổ đầu là một lễ thức đậm nét dân dã, hàm chứa ý tứ sâu xa của một cộng đồng dân tộc. Già làng Ma Phứ ở Phú Tiến nói rằng: người kinh có phong tục thờ cúng, nhưng dân tộc Chăm hroi chỉ có cúng chứ không có thờ. Lễ đổ đầu (còn gọi là tết Đỗ Đầu) như là một lễ cúng "tất niên" theo quan niệm của người Chăm hroi; dân tộc tôi cho rằng, qua một năm làm lụng, kết quả lao động đã cho dân làng có đủ cái ăn, cái mặc là nhờ vào "cái đầu" biết cách ăn nên làm ra. Để tỏ lòng biết ơn Giàng và các thần linh đã phù hộ cho mọi người "Sáng cái đầu, mạnh cái tay, khoẻ đôi chân” là nhờ vào phép đổ đầu Quoai chơ ruh a kơh. Trong lễ này với chi tiết hoà máu gà với rượu đổ lên trán các thành viên gia đình sau khi diễn trình hành lễ chính thức vừa kết thúc là hình ảnh thể hiện sự sinh sôi nẩy nở, biểu hiện tính phồn thực mang ý nghĩa lưu truyền huyết thống và sự tái sinh loài cùng với ước vọng tạo ra mọi sự sống mới trong năm mới.
Vào những ngày cuối năm của âm lịch, các làng chăm hroi gia đình nào cũng phải chuẩn bị cho ngày lễ đổ đầu. Đàn ông sửa sang nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi bò heo, lau chùi dụng cụ sản xuất như cày bừa, rìu rựa, chày cối…Đàn bà hoàn tất việc dệt thổ cẩm, dọn dẹp những việc nội trợ dở dang, lau rửa nồi niêu bát đĩa; chuẩn bị con gà, ché rượu ngon, bánh tét, trầu cau…và những vật dụng cần thiết cho cuộc lễ đổ đầu.
Ngày lễ đổ đầu không phải nhất thiết thống nhất trong một ngày giữa các gia đình cũng như các làng với nhau. Vật tế lễ thường là ché rượu ngon nhất, một con gà cồ to, nồi cơm lúa mới, bánh trái hoa quả. Lễ được tiến hành trong từng gia đình. Ngày chính thức tiến hành lễ cúng, từ sáng sớm tinh mơ chủ gia ra đứng giữa sân nhà chắp tay khấn vái trời đất: “Hôm nay gia đình cúng lễ đổ đầu xin phép các thần linh được lên chòi rinh (kho thóc) mang lúa về giã gạo nấu cơm mới, xin phép được lên đầu con suối lấy bầu nước tinh khiết từ nguồn nước mạch rừng, được cắt tiết gà để tiến hành lễ cúng phép đổ đầu của gia đình”.
Lúa từ chòi rinh đem về, sấy khô, giã ra gạo rồi nấu cơm; con gà cồ là vật hiến lễ được đàn ông mang ra cắt tiết, làm lông, mổ rửa sạch, cắt lấy hai chân để luộc riêng. Tiết gà được giữ lại một phần ba để làm phép đổ đầu, hai phần ba còn lại đem luộc chín với gà. Tiết tươi giữ lại hoà thêm chút rượu cần lấy lần đầu từ ché rượu cúng.
Tiến hành lễ đổ đầu, ché rượu đem đặt giữa nhà, gà luộc chín đem đặt vào sàn, bộ lòng gà đặt một bên, miếng huyết chín đặt trên lưng gà, hai chân gà đặt sau đuôi gà. Chén huyết gà tươi, con gà luộc, đĩa trầu cau, bốn cây bánh tét, nửa khót gạo-muối là một mâm lễ vật cúng. Các dụng cụ, rìu rựa, gùi, nỏ đặt sau ché rượu.
Thầy cúng thắp đèn sáp ong vấn trên cần rượu, mọi người trong gia đình ngồi tề tựu nghiêm trang bên mâm cúng; đàn ông ngồi bên trái, phụ nữ ngồi bên phải nhìn từ cửa vào. Tất cả chờ đợi, lắng nghe lời khấn thiêng của thầy cúng đang hành lễ. Thầy cúng vừa khấn, vừa bốc một nắm gạo vãi lên mời Giàng pơkah, giàng Pơsưh về tiển năm cũ sắp hết, mừng năm mới đến, mừng gia đình mạnh khoẻ; nhờ Giàng phù giúp dân làng, gia đình có được mùa màng bội thu. Thầy cúng lại lấy nắm gạo thứ hai vãi ra tứ phía mời thần núi, thần suối, thần sông, thần trông giữ rẫy đồng, mời ông bà tổ tiên họ hàng Atâu về cùng con cháu hưởng lễ đổ đầu của gia đình.
Sau lời khấn vái của thầy cúng, vào thời điểm được xem là Giàng, thần linh tổ tiên đang thưởng thức vật tế thì thầy cúng thực hiện phép đổ đầu. Thầy cúng lấy chén rượu hoà với huyết gà tươi đổ một vài giọt vào trên đầu, lên trán người chủ gia đình, rồi thứ tự tiếp tục làm như vậy cho các thành viên trong gia đình với lời chúc mừng năm mới được khoẻ mạnh, sản xuất của cải thật nhiều, lúa ngập đầy chòi - trâu bò, heo gà đầy đàn. Xong lễ cúng, gia đình bầy dọn thịt gà, rượu cần mời bà con hàng xóm cùng gia đình ăn uống chúc mừng, chuyện trò vui vẻ. Trong ngày đổ đầu, những gia đình có nhiều đóng góp đáng kể đối với xóm làng, đội cồng chiêng của làng sẽ tổ chức đến hát múa chúc mừng, chung vui tưng bừng như một ngày hội./.

( Đ/c: Sở VHTT Phú Yên – 220 -Trần Hưng Đạo – TP Tuy Hoà)



Chợt bồi hồi xao xuyến con tim

Ta ra đi mơ ngày hạnh phúc

Hạnh phúc vời xa xhập chờn cơn sốt

Ngậm ngải tìm trầm hay ngậm đắng cay

BỮA CƠM LÀNG
ĐẬM ĐÀ TÌNH QUÊ

Mạnh MinhTâm

Ngày lễ phát động xây dựng thôn văn hoá Tịnh Thọ,(xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hoà) là một ngày tụ họp đông vui nhất của dân làng. Mỗi người một việc; Ban thôn thì lo nội dung, trang trí, trang âm cho buổi lễ; hội người cao tuổi, đoàn thanh niên lo tập dợt những tiết mục văn nghệ; chị em phụ nữ thì chuẩn bị một bữa cơm trưa cho toàn thể dân làng…Tinh thần xúm xít, chung lo; ai cũng tươi rói nụ cười vì được phục vụ đón mừng sự kiện Tịnh Thọ xây dựng thôn văn hoá.
Trước lễ là một chương trình văn nghệ gần 30 phút, những tràng pháo tay kéo dài cổ vũ cho các cụ ông cụ bà sáu bảy mươi tuổi biễu diễn. Đặc sắc và được tán thưởng rầm rộ là tiết mục hát bài chòi của cụ bà trên 60 tuổi, một bài ca ngợi thời kháng chiến đánh Mỹ, theo thể thơ song thất lục bát, dài dằng dặc, cụ thuộc làu, hát đúng nhịp điệu không bì “xì hơi” là quá giỏi.
Vào lễ, nhân dân tập trung chú ý lắng nghe những điều khoản Quy ước thôn văn hoá và thực hiện những nghi thức lễ phát động. Thay mặt đảng uỷ và uỷ ban xã, Ông Nguyễn Ngọc Ngoãn - Phó chủ tịch phát biểu xúc tích, giản dị và dễ hiểu rằng: Văn hoá là cái không phải bổng nhiên mà có mà đều do con người tạo dựng nên; để xây dựng Ninh Thọ trở thành thôn văn hoá mỗi gia đình phải làm tốt công tác xây dựng gia đình văn hoá, giữ được nếp nhà trong ấm ngoài êm, ông bà cha mẹ sống mẫu mực để làm gương, nuôi dạy cho con cháu học hành tử tế, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân; mọi người phải giỏi làm kinh tế để thoát nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% để mỗi năm trong thôn có thêm nhiều hộ giàu lên nhờ biết cách làm ăn, tiêu xài có kế hoạch.

Kết thúc lễ phát động, Trưởng thôn Hồ Như Hiển mời đại biểu tỉnh huyện và bà con dân làng dùng bữa cơm trưa được chị em phụ nữ thôn cất công chuẩn bị từ sáng sớm. Dưới tán bóng xoài mát rượi nhà thôn trưởng, già trẻ gái trai quây quần, chung hưởng bữa cơm làng; với những món ăn theo cách nói của bà con là “cây nhà lá vườn” nhưng thật đầm ấm, vui vẻ: một bát cháo lòng, đây là tấm lòng dân làng đãi khách. Mọi người ngồi chung mâm cơm đều chấm thức ăn trong chén nước mắm đặt giữa mâm như cùng gặp nhau trong một điểm hoà đồng… Trong tiếng mời chào rôm rả “kính cụ, kính anh”, phảng phất nét sinh hoạt văn hoá làng xã, một thoáng đời sống hương ẩm cộng đồng của dân tộc Việt từ xa xưa hiện về.
Trưởng thôn cho biết: Mỗi năm chỉ có một “bữa cơm làng” tổ chức vào dịp Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ( ), bữa cơm này không theo quan niệm xưa “miếng thịt làng” hơn “một sàng thịt chợ” mà là một dịp cho bà con gặp gỡ, thắt chặt quan hệ tình làng nghĩa xóm. Nhờ những buổi họp mặt như thế này, những hục hặc, bất hoà trong chòm xóm đã được xí xoá “chín bỏ làm mười”. 80 hộ - 358 khẩu của thôn Tịnh Thọ, hơn nửa là dân “tứ xứ” ở các tỉnh phía bắc, phần lớn trước đây là công nhân Nông Trường Sơn Thành quy tụ về đây lập nghiệp. Xa quê ai cũng cần có bạn bè, coi láng giềng như bà con ruột thịt. Nhưng không phải, không có những kẻ ngang ngạnh, phóng túng cần có dịp gặp gỡ, cởi mở chân tình để cảm hoá thuyết phục. Sống nơi “đất cũ đãi người mới” nhưng đa số bà con ở đây vẫn giữ được truyền thống văn hoá Làng; bữa cơm làng có ý nghĩa nhắc nhở tinh thần “Đồng cam cộng khổ” và tình nghĩa “tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Sau bữa cơm là chương trình “hát cho nhau nghe”, cao hứng anh Bình – Bí thư đảng uỷ xã lên ôm ghi-ta điện đàn cho cả nhóm hát, say sưa hát vang những bài ca cách mạng chào mừng chiến thắng 30-4. Bữa cơm làng được nhân đôi niềm vui, tin tưởng một ngày Ninh Thọ xây dựng thành công thôn văn hoá./.
…………………………………………………………………………………..
(Đ/c: Sở văn hoá, thể thao&du lịch Phú Yên – 220 Trần Hưng Đạo – TP Tuy Hoà)