Monday, September 22, 2008

VỀ ĐÂY SAY NHỊP TRỐNG ĐÔI

VỀ ĐÂY SAY NHỊP TRỐNG ĐÔI

Mạnh Minh Tâm


Nghệ thuật múa trống đôi của dân tộc chăm hroi, Ba nah ở huyện Đồng xuân (Phú Yên) cũng như các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian không xác định được ai là người sáng tạo và nó có từ bao giờ. Song trong tiềm thức của mỗi người dân ở đây, múa trống đôi đã trở thành báu vật, hồn trống ăn sâu vào máu thịt của dân làng, đặc biệt trống đôi là món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp lễ hội.
Dân tộc chăm hroi, Ba nah có ít lễ hội, lễ hội thường gặp là: Lễ cúng mừng sức khỏe, lễ bỏ mã, lễ hội cầu mùa, mừng cơm mới; trong đó lễ hội Đâm trâu (xoay cột) được coi là lễ hội có quy mô nhất, số cộng đồng tham gia đông vui nhất; bởi nó không cấm cứ hay cự tuyệt các cộng đồng làng xã khác tới dự mà còn mở cửa cho khách thập phương cùng vui chơi chan hòa với niềm phấn khích hoan hỉ. Những ai là công chúng phố thị, may mắn được một lần dự lễ hội này sẽ không ngăn nổi sự phấn khích vào hội khi xem trống đôi biểu diễn.
Với tư cách làm nhạc nền cả tiết tấu và giai điệu cho phần hội: trống đôi, cồng 3, chinh 5 là một bộ hòa thanh trứ danh làm cho cuộc hội đông vui đến nức lòng, trong đó vai trò và tác dụng của múa trống đôi thường gây ấn tượng mạnh nhất. Mỗi loại nhạc cụ có điệu thức riêng: Chinh 5 giữ giai điệu khoan nhặt, thanh thoát âm vang ngân xa; cồng 3 giữ bè trầm sâu lắng mượt mà, nhưng nghe lâu sẽ đơn điệu dễ bị nhàm chán; cho nên sự có mặt của trống đôi luôn làm cho người ta "say hội"; làm cho cuộc hòa thanh tìm được sự đồng điệu, chảy rót vào nhau, tạo cho cuộc hội đạt tới cao trào của sự hứng khởi "Còn tiếng trống đôi hội chưa giã bạn" là vậy . Sự hấp dẫn của múa trống đôi thật khó tưởng tượng và diễn tả một cách tách bạch. Bởi nó có tiết tấu, âm điệu không như trống tuồng, trống trận, trống chèo... Tuy nhiên qua đôi lần quan sát có thể nhận thấy được những nét cơ bản về tính độc đáo của loại nhạc cụ này, dưới góc độ thưởng thức cảm nhận.
Trước hết, điệu thức của trống đôi là một tập hợp những chuỗi tiết tấu đầy ngẫu hứng, không được giới hạn trong một trường độ, cao độ nhất định. Đôi nam nghệ nhân ra biểu diễn, mỗi người một trống mang vào vai và múa máy theo nhịp trống từ chính đôi tay của họ tạo ra; tiết tấu thưa nhặt, dồn dập, âm điệu ngẫu biến chồng lên nhau, biến hóa sắc màu gợi lên trong trí nhớ người nghe sự tưởng tượng - âm điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác đổ của đại ngàn. Múa trống đôi còn có một ngữ điệu rất riêng đó là thông qua tiếng trống, điệu múa của hai nghệ nhân biểu diễn họ có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm như một cuộc giao tiếp chuyện trò. Người Chăm hroi, Ba nah ở huyện miền núi Đồng Xuân cho rằng đánh trống đôi là một cách nói chuyện sâu lắng nhất. Khi hai người song diễn luôn luôn có một người nêu câu hỏi và buộc người cùng chơi phải đối đáp; tiếng trống thay cho lời, điệu múa nói lên cách ứng xử. Đồng điệu, thích nhau thì âm trống, điệu múa hòa quyện nghe rất "sướng tai, lạ mắt". Còn ví như không ưa nhau thì tiếng trống nghe đốp chát, nghỉnh ngảng, tức giận biểu hiện coi thường bạn chơi. Do đó nghệ nhân múa trống đôi phải là một cặp "ngang sức ngang tài" người tung, kẻ hứng hiểu ý nhau mới giữ cho cuộc chơi trọn vẹn. Già làng kể rằng, có một bận hai làng cử đại diện giao lưu, thử sức tài nghệ múa trống đôi; cuộc chơi giữa chừng, nghệ nhân làng bên cởi trống đôi vung quẩy bỏ về, người xem theo hỏi tại sao? Anh ta nói rằng "nó coi thường, chơi xỏ tao" công chúng ai mà biết nghệ nhân kia đã chơi xỏ cái gì? Điều đó chỉ có hai nghệ nhân mới rõ. Già làng khẳng định "Ai không thạo trống đôi không nghe được lời của nó"
Trống đôi còn một nét độc đáo nữa đó là nghệ thuật biểu diễn, trống không gọi là đánh trống mà gọi là múa trống đôi. Chơi trống còn "bập bẹ" thì có nhiều người biết nhưng để đạt trình độ nghệ nhân, thể hiện được đặc tính nói trên thì một làng chỉ có vài người. Biểu diễn trống đôi rất khó, đây là một cuộc chơi tổn hao trí lực. Một nghệ nhân chưa tập luyện trước, phục vụ một đêm lễ hội cơ thể mỏi nhừ hơn một ngày vung dao phát rẫy. Cứ tưởng tượng mà xem, mang một cái trống nặng bốn năm ký, đôi tay thường xuyên múa máy va đập chặt xuống, vuốt lên hai bên mặt trống, tang trống để tạo nên âm thanh toóc, toóc, bụp bùm bum, chát...toàn thân lại phải tung bật, nhảy múa liên hồi; những lúc tiết tấu dồn dập sướng lên còn xoáy hai mũi bàn chân vào nền múa, tóe bụi mới đã. Cách chơi như vậy, người có đủ trí lực múa trống đôi chỉ là những nam thanh niên khỏe mạnh.
Với đặc tính độc đáo, đạt trình độ cao của nghệ thuật biểu diễn; trống đôi là một nhạc cụ thuộc loại quý hiếm của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Phú Yên đáng được trân trọng gìn giữ và phát huy. Nhạc sỹ Ngọc Quang - giám đốc sở VHTT là người nhiều năm để tâm nghiên cứu, gắn bó với nhiều loại nhạc cụ dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên đã có nhận xét: "Múa trống đôi là một sự phối hợp đầy ngẫu hứng và sáng tạo, rất độc đáo của người Chăm, Ba na. Điều kỳ diệu là những nghệ nhân ở đây họ chưa hề biết một nót nhạc nhưng khi biểu diễn họ ứng biến tài tình như một nhạc công đạt trình độ "cao siêu". Từ ngẫu hứng dâng trào dẫn đến tự do phá thể, nghệ thuật múa trống đôi có nét ngẫu hứng giống như nhạc công chơi nhạc Jazz. Tôi có trạng thái tâm lý khi nhắm chút rượu cần, nghe trống giục giã là không thể ngồi yên mà như về đây để say nhịp trống đôi"./.
..........................................................................................................................................
(MMT Đ/c: Sở VHTT tỉnh Phú Yên- 220 Trần Hưnng Đạo - TP Tuy Hòa, ĐT827767)





ảnh đẹp


CỒNG CHIÊNG - NHẠC CỤ

CỒNG CHIÊNG - NHẠC CỤ
NHẬN DIỆN BẢN SẮC DÂN TỘC
Mạnh Minh Tâm

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc miền núi Phú Yên luôn coi cồng chiêng là một tài sản vô cùng quý báu, là vật biểu thị sức mạnh trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng dân tộc. Về mặt vật chất, cồng chiêng là biểu hiện sự giàu có của từng gia đình, dòng họ, buôn làng. Có những bộ chiêng quý, nhiều gia đình phải đổi ngang giá vài chục con trâu nhưng cái quý nhất vẫn là âm thanh và giai điệu, giá trị nghệ thuật được khẳng định là "tiếng nói" và linh hồn bản sắc của dân tộc mình . Đó là những bộ cồng chiêng có âm sắc chuẩn. Đồng bào tin rằng những bộ cồng chiêng cổ mà ngày nay trở nên quý hiếm, bởi ngày xưa nó được pha đúc bằng vàng bạc ở phần núm. Vấn nạn buôn bán đồ cổ, đồng nát đổ xô săn tìm, cũng vì lẽ đó và đã làm thất thoát những bộ chiêng quý giá có cách đây vài trăm năm.
Cùng với sở hữu chum ché, trâu bò, ruộng rẫy... cồng chiêng đã chứng tỏ giá trị vật chất là vậy. Song cái vô giá là từ ngàn xưa cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với đồng bào, giữ vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần các dân tộc trường sơn Tây nguyên nói chung và các dân tộc miền núi Phú Yên nói riêng. Nó có mặt trong mỗi đời người từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh cho đến lễ bỏ mả. Cồng chiêng còn quy tụ xung quanh mình nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa, hát khan, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, điêu khắc... đặc biệt về âm nhạc, cồng chiêng có sức vang xa, có tổ chức hoàn chỉnh từ giai điệu, hòa âm, phức điệu. Cũng có thể tìm thấy ở cồng chiêng những giá trị cao về thẩm mỹ, về tính dân chủ (bình đẳng), tính tập thể (cộng đồng)... khi đi sâu vào nghiên cứu các nhà chuyên môn còn cho rằng mọi phong tục, tập quán của các dân tộc trường sơn Tây Nguyên đều thể hiện qua tiếng cồng chiêng.
Tiếng chiêng của dân tộc Ê đê mừng trẻ sơ sinh đầy cử, có ý nghĩa công nhận chính thức nó vào cộng đồng; nó được mang truyền thống mọi mặt của dòng tộc, buôn làng cho một con người mới, và khi trưởng thành nó sẽ thể hiện như cây mọc thẳng, biết vượt qua mọi khó khăn để tồn tại. Tiếng chiêng trong lễ cầu hôn nhắc nhở đôi trai gái yêu thương bền chặt, thủy chung, tuân thủ truyền thống, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng. Cồng chiêng xua đuổi khi thú giữ về phá rẫy nương; thúc giục trai tráng dân làng xung trận khi có chiến tranh và cổ vũ mọi người chiến đấu quên mình vì sự tồn vong của cộng đồng, dòng tộc. Khi buôn làng có người qua đời, tiếng chiêng nghe buồn bã, chậm chạp nỉ non; kêu gọi mọi người cùng nhau lo liệu, chia sẻ nỗi đau này, tiển biệt người đã khuất trong tình đoàn kết, yêu thương nhau hơn.
Đặc biệt trong lễ hội, khi cồng chiêng xuất hiện thì không khí và nghi thức lễ hội mới bộc lộ rõ nét. Nói cách khác cồng chiêng và lễ hội trong mối liên hệ hữu cơ, không có cồng chiêng thì lễ hội không thành, lễ hội sinh ra cồng chiêng nhưnng lễ hội chỉ là cái cớ, là dịp cho cồng chiêng hoạt động. Bất cứ lễ hội nào của đồng bào, cồng chiêng bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo gây phấn khích, thu hút mọi người nô nức vào hội; khuấy động không gian lễ hội tràn ngập niềm hân hoan để mọi người tìm về bên nhau, nam nữ dắt tay nhau vào những điệu múa uyển chuyển, dồn dập, say đắm hết mình.
Khi buôn làng chìm trong đêm tĩnh lặng, mọi người quây quanh bên bếp lửa hồng, đâu đó chợt đong đưa giai điệu cồng chiêng sâu lắng, gợi tình người xích lại gần nhau; đó cũng là lúc ghè rượu no tròn, cần vút cong, miếng thịt rừng nướng thơm phưng phức làm sáng lên từng gương mặt rạng rỡ của gia đình. Trong đêm ning nơng (tiếng Ba nah là nghỉ ngơi) trăng thanh, gió mát cồng chiêng mời gọi trai gái vui quầy múa hát, tỏ tình...
Tất cả ý nghĩa đó cho thấy, cồng chiêng có vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa trong đời sống sinh hoạt xã hội về mặt giá trị nghệ thuật mà còn là "tiếng nói" của con người và thần linh - theo quan niệm vạn vật hữu linh.
Cũng như các dân tộc trường sơn Tây Nguyên, các DTTS miền núi tỉnh Phú Yên là những người yêu chuộng, gìn giữ và sử dụng rất điệu nghệ âm nhạc cồng chiêng. Già làng Ma Ngoe ở Thồ Lồ-Phú Mỡ có lần đã khẳng định rằng: "Làng có thể dời đi do đất ở không phù hợp hoặc do luật tục quy định. Đời sống dân làng có lúc no, lúc đói do chiến tranh, thiên tai, dịch họa... nhưng cồng chiêng không thể rời xa con người, buôn làng không thể thiếu tiếng cồng chiêng".
Đây hãy lắng nghe tiếng chiêng trong trường ca Ê đê Phú Yên:
Đánh lên ! cho khỉ quên ôm chặt cây, cho ma quỷ quên hại người...
Đánh lên ! cho thỏ phải giật mình, cho nai quên ăn cỏ...
Cồng chiêng của dân tộc Ba nah - chăm hroi đệm lời bài hát trong lễ hội Đâm trâu:
Ơ thần núi thần sông
Ơ ma ông, ma bà
Cho chúng tôi nhiều heo gà bò trâu
Cho chúng tôi mạnh khỏe đẹp giàu
Lúa đầy bồ nồi gang nâu to nhỏ
Có đi xa không lạc ngõ, lầm đường...
Các dân tộc miền núi ở Phú Yên thường sử dụng các loại cồng chiêng: Giàn chiêng Araps người Ê đê, Ba nah thường sử dụng bộ bình thường có 3 cồng núm và 8 chiêng bằng. Bộ Araps đầy đủ có từ 18 đến 20 chiếc - đây là loại chiêng hai đầu có người khiêng và một nhạc công theo đệm, được các dân tộc miền núi Phú Yên yêu thích và sử dụng rộng rãi. Nhưng đối với dân tộc Chăm hroi, Ba nah ở huyện miền núi Đồng Xuân giàn nhạc cụ được sử dụng phổ biến nhất vẫn là bộ cồng 3, chinh 5, trống đôi. Đều là nhạc khí thuộc bộ gõ nhưng khi hòa thanh cồng 3, chinh 5, trống đôi đã tạo ra âm sắc có nét đặc trưng, dễ nhận diện bản sắc dân tộc. Cồng 3 giữ bè trầm tạo âm thanh nền vang rền, sâu lắng; chinh 5 vang giai điệu khoan nhặt, thanh thoát; trống đôi tiết tấu dồn dập tạo ra tưng bừng không gian lễ hội. Với đặc trưng ấy, cồng chiêng dân tộc Chăm hroi, Ba nah thường được chọn đại diện tham dự các ngày hội lớn của dân tộc và tham gia giao lưu liên hoan văn hóa các dân tộc khu vực và toàn quốc.
Ngày nay, khi "không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" đã trở thành kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; đóng vai trò và khẳng định giá trị bản sắc cộng đồng văn hóa các dân tộc trường sơn Tây Nguyên thì nhạc cụ cồng chiêng các dân tộc miền núi Phú yên cũng là một bộ phận góp phần làm phong phú, đa sắc, đa hình và độc đáo làm giàu vốn văn hóa dan gian các dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc Phú Yên nói riêng. Một vốn quý cần có chính sách khuyến khích gìn giữ và phát huy trong tiến trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
MMT.
...................................................................................................................................
(Đ/c: Sở VHTT Phú Yên - 220 Trần Hưng Đạo - TP Tuy Hòa - ĐT 827767)