Thursday, February 19, 2009

tÕt quª
Trương Đức Thuận

Tờ lịch tháng Chạp cuối cùng sắp được bóc, khiến lòng tôi trào dâng một nỗi niềm khó tả. Vậy là, một năm nữa sẽ trôi qua! cảm giác xa vắng của một người ly hương lại trỗi dậy. Lòng nhủ lòng, mới đó mà đã mười hai năm, mười hai năm xa nhà học tập, làm việc, lăn lộn với những bon chen cuộc sống đời thường.
Phú Yên, những ngày cuối năm lại có những cơn gió thổi từ Bắc miền Trung vào, kèm theo những hạt mưa rả rích vương trên vai áo, khiến lòng tôi se lạnh, một cái rùng mình trong vô thức; những kỷ niệm ùa về trong ký ức. Trong tôi dâng lên nỗi nhớ nhà và những người thân da diết, lòng se sắt lại rồi tự vấn: có lẽ giờ này những người sinh thành và nuôi tôi lớn nên người đang nghĩ và nhắc đến mình; những đứa bạn ngày nào cùng chăn trâu, cắt cỏ, cùng cắp sách đến trường của một thời nông nổi không biết giờ này có ai nhớ đến mình không, hay ai đó đã lãng quên?. Ngồi buồn, bật máy, nhắp chuột vào bài hát “Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, giọng ca ngọt ngào, đằm thắm và thật sâu lắng ngân lên của nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền: “… nơi tuổi thơ ta đã trải qua đẹp như giấc mơ… nơi bền lâu là nơi lắng sâu, thiếu quê hương ta về, ta về đâu?”-lời bài hát mang tính triết lý sâu xa, đưa dòng suy nghĩ, những kỷ niệm ngày nào ùa về in nguyên trong tâm trí.
Năm nào cũng vậy, mỗi độ cuối mùa thu những cơn gió heo may còn vương vấn sót lại, theo đó là cái gió mùa đông bắc ùa về trên mảnh đất miền núi Quỳ Hợp -phía Tây bắc xứ Nghệ thân yêu, mẹ tôi lại thu lượm những gốc cây to hơn bình thường còn sót lại đâu đó bên góc vườn rồi tập trung lại một nơi-đó là củi đun chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày tết, điều mà rất nhiều người ở quê tôi thường làm.
Trước những ngày Tết đến, mẹ lại chuẩn bị tất cả những thực phẩm cần thiết cho nồi bánh chưng ngày tết. Khi mẹ gói bánh chưng, tôi thích nhất là được nhìn hai bàn tay của mẹ cứ thuăn thoắt tước và bẻ góc những lá Dong(
[*]) để có được chiếc bánh chưng vừa ý, và điều mong đợi nhất của một đứa trẻ trong tôi lúc ấy là những chiếc bánh chưng được gói cuối cùng, vì thường những chiếc bánh chưng này ít gạo mà nhân bánh thì thật tuyệt: nào thịt lợn, nàođậu xanh, nào hành, nào tiêu… nhiều hơn, và chính nó lại được vớt ra sớm nhất, tất nhiên người được “thừa hưởng” lại chính là tôi. Khoảng thời gian khó quên nhất là quanh bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng xanh ngày tết thì bên ngoài là một bầu trời đen kịt, gió bấc hun hút thổi, những làn gió mang theo cái rét lạnh giá len lỏi qua góc bếp thổi vào, khiến tôi rùng mình(!). Nhưng bên cạnh là Ba, mẹ, là chị, em và những mùi thơm ấm nồng bốc ra từ nồi bánh chưng đang sôi sùng sục bên bếp lửa bập bùng… đã lấn át đi cái rét cắt da cắt thịt. Những lúc ấy, Ba và mẹ hay kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà lúc nào cũng bắt đầu vẫn là “ngày xửa ngày xưa…”, gợi lại cho chúng tôi trở về những năm tháng thơ ấu của mẹ. Giờ đây lại nhớ về mẹ, được biết ngày 04 tết năm nay mẹ sẽ được Hội người cao tuổi làm lễ mừng thọ 70, Ba và chị thì đã có kế hoạch, thế mình sẽ làm gì đây để mẹ có một niềm vui trọn vẹn?!
Những ngày cuối năm, bao kẻ ly hương nhớ tết quê đến nao lòng; những con người lam lũ đường trường, cật lực suốt năm vì miếng cơm manh áo, bước chân ra đi để tìm cho mình một cuộc sống tự lập. Lúc này, những ngày cuối năm biết bao sự bộn bề của công việc, nhưng tôi vẫn tự cho mình đôi phút thảnh thơi, những lúc ấy, trong lòng nghèn nghẹn bao cảm xúc vì nỗi nhớ quê nhà, rồi thương cho những người xa xứ. Nỗi nhớ cứ thế, cứ thấm sâu, in hằn vào từng dòng suy nghĩ, lòng người, da diết… đến xót xa. Tự trong lòng dâng lên một nỗi ăn năn, cứ như đang mang trong mình một món nợ gì lớn lắm đối với quê nhà mà đến giờ này chưa thể trả. Những dòng suy nghĩ miên man đã đưa tôi quay về miền ký ức xa xôi, ôn lại những cái tết đã qua. Ngày Tết! người lớn trông mong sự đoàn tụ, lớp trẻ quay về sự thuần khiết với lòng mình để bái vọng những tiền nhân, trẻ con thơ ngây trong những bộ quần áo mới, chạy nhảy khắp xóm làng thông báo ngu ngơ mình đã thêm tuổi mới… Ấm áp biết bao khi quanh mâm cơm đầy đủ các thế hệ trong gia đình, những người thân đi làm xa giờ đây được đoàn tụ; lớp trẻ thì báo công sau một năm học tập; người lớn thì ôn lại những thành quả đã làm cả năm qua, kể lại những nơi mình đã đi qua với những danh lam thắng cảnh, con người và phong tục tập quán nơi đó; chúc tụng nhau những lời tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Bao kỷ niệm buồn, vui đã qua có dịp tha hồ mà tâm sự. Rồi chuyện buồn năm cũ khép vào quá khứ để nhường chỗ cho điềm lành và niềm vui sẽ đến trong năm mới.
Năm tháng cứ lặng lẽ trôi đi, lũ trẻ chúng tôi ngày nào giờ đây đã trưởng thành, công danh mỗi người khác, họ thành đạt với ước mơ riêng mình. Nhưng một điều ai cũng phải có đấy là gia đình, họ trở thành những người chủ của gia đình, và chính đó cũng là sự minh chứng cho vòng luôn hồi bất tận trong cuộc đời của mỗi con người. Đến những ngày cuối năm, họ cũng lại tiếp tục chuẩn bị cho gia đình những nồi bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, những cành đào cho ngày tết; lại nhắc nhở mọi người thân yêu trong gia đình đang làm việc mọi nơi nhớ thu xếp công việc để về sum họp, thắp hương bái vọng tổ tiên với ước mong một năm mới an bình và hạnh phúc!
Tuy Hòa, tháng 12/2008.

([*]) Lá Dong-một loại lá thường được người miền Bắc dùng để gói bánh chưng.

No comments: