Thursday, February 19, 2009

TÌNH LÀNG NGHĨA XÓM.

Hương Thanh

Từ nhỏ tôi đã được cha mẹ thường xuyên chỉ bảo, giáo dục về văn hoá ứng xử với những người hàng xóm làng giềng. Thực lòng mà nói lúc đầu tôi hiểu rất ít những điều cha mẹ dạy. Mỗi khi có sự va chạm gì với chúng bạn nhà ở gần bên thì mới từng bước vỡ lẽ. Có lần tôi và thằng Tý nhà liền hàng rào chơi ăn bi, chuyện thắng thua làm tụi tôi cãi vã rồi xông vào ẩu đả. Nghe mấy đứa trẻ kêu la, mẹ tôi bỏ cả bếp núc chạy ra can ngăn. Không biết đúng sai về đứa nào, nhưng mẹ không bao giờ to tiếng. Mẹ xoa đầu thằng Tý, vừa vỗ về nó, vừa nhận hết lỗi về mình vì dạy bảo con chưa đến nơi đến chốn. Rồi mẹ cầm tay tôi kéo về nhà, trong lúc tôi tức đến phát khóc lên vì mình có phần oan ức. Sau khi hỏi rõ đầu đuôi chuyện ẩu đả vừa xảy ra, mẹ giảng giải cho tôi hiểu điều hay lẽ phải, cuối cùng mẹ nói: “ Con phải luôn nhớ, đừng bao giờ để chuyện trẻ con làm mất lòng người lớn. Hàng xóm láng giềng tuy không phải ruột thịt mà hơn ruột thịt đó con ạ. Ông bà vẫn thường dạy: Bà con xa không bằng hàng xóm láng giềng gần. Hoạn nạn có nhau, tắt lửa, tối đèn có nhau”...
Một lần khác, vừa đi học về đến nhà, thấy đàn gà nhà bác bốn đang thi nhau bới bãi rau mẹ mới trồng vừa bén rễ. Nhìn những gốc rau chỏng trơ trên nền đất bừa bãi vết chân gà, tôi bực mình vớ mấy cục đá ném túi bụi vào đàn gà, làm chúng chạy nháo nhác. Đúng lúc đó mẹ đi chợ về. Thấy vậy, mẹ lại ôn tồn bảo: “Thôi đi con, không ai nuôi chó một nhà, không ai nuôi gà một sân. Nó lỡ phá rồi có đánh chết bãi rau cũng có như cũ được đâu, mẹ sẽ trồng lại đám khác”. Tôi định cãi mẹ vì thấy mẹ lúc nào cũng nhường nhịn, nhưng nhìn khuân mặt bình thản và phúc hậu của bà lòng tôi đã dịu lại. Sau đó, trả biết mẹ nói gì với bác bốn mà tôi thấy đàn gà nhà ông không còn phá rau nhà tôi nữa. Một ngày kia nhà tôi có chuyện buồn. Đó là lần đứa em trai dưới tôi gọt trái đu đủ chín bằng con dao phay, sơ ý thế nào hất mũi dao vào mắt đưa em gái mới chập chững biết đi làm nó bị trọng thương. Hôm đó cả cha mẹ tôi đều ở nhà nhưng vì quá bất ngờ, quá thương xót con nên cứ rối tung cả lên. May mà bà con lối xóm kịp thời qua giúp đỡ đưa em tôi đi viện. Suốt thời gian cha mẹ tôi thay nhau nuôi em ở bệnh viện, ngày nào cô bác hàng xóm cũng có mặt ở nhà tôi vừa thăm hỏi bệnh tình, động viên anh em tôi học hành, vừa lo giúp cha mẹ tôi chuyện cơm nước, lợn gà và trông nom nhà cửa, vườn tược. Nhờ có sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng gia đình tôi đã vượt qua được cơn hoạn nạn. Em gái tôi được cứu chữa kịp thời nên đã giữ lại được con mắt. Đó là hạnh phúc lớn nhất mà gia đình tôi mong muốn…
Chuyện đã qua gần 40 năm rồi, nay tôi đã ở độ tuổi xấp xỉ ngũ tuần. Nhưng mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thấy lòng mình rộn lên điều gì đó rất khó tả và thấy cay cay trong mắt. Sống trong đất nước hoà bình, tôi may mắn hơn mẹ rất nhiều vì được học hành đến nơi đến chốn, có bằng này bằng nọ lại được đi đó, đi đây. Nhưng so với mẹ tôi vẫn tự nhận thấy mình kém cỏi rất xa. Mẹ trình độ học vấn thấp mà sao văn hoá cao đến thế. Bởi những bài học đầu đời về lối ứng xử tình làng nghĩa xóm mà cha mẹ dạy bảo vẫn luôn đeo đuổi trong tôi, dẫn dắt tôi trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Tôi vẫn phải luôn cố gắng lĩnh hội những điều tốt đẹp nhất về tình làng nghĩa xóm mà mẹ cha đã dạy từ thuở nào, để giáo dục con cái mình như cha mẹ đã từng giáo dục tôi./.

No comments: