Thursday, July 23, 2009

THẦY THUÔC CHỐN NÚI RỪNG
Mạnh Minh Tâm
Từ chuyện đất rừng có độc dược…
Hồi nhỏ, nghe bà nội kể về những người bị trúng độc, bệnh mà chết do những người dân tộc vùng cao tự chế từ cây củ, lá rừng. Bà dặn không nên quá gần gũi, thân mật với họ và nhất là đừng “chọc giận” làm cho họ đỏ mắt như có “ma lai” là nguy hiểm lắm. Bà kể, làng mình trước năm 1930, có bà Năm Beng đi buôn thượng (cách gọi thời ấy) ở vùng Cao Thồ Lồ. Buôn bán với họ một lời ba, năm lãi bảy, theo cách gọi ngày nay là “cho vay nặng lãi”. Nhờ vậy không bao lâu, của cải bà Năm tích tụ được hàng tấn lúa rẫy, bò heo hàng trăm con, trong nhà có hàng chục tôi tớ làm thuê, phục dịch để gán nợ. Từ đấy, bà Năm trở thành chủ nợ và là người giàu có nhất vùng. Ai đói ăn, thiếu mặc đều bấu víu bà để vay mượn, chịu nợ, đợi mùa rẫy tới, trả sau. Gặp những những năm tai ương, dịch bệnh liên miên, rẫy mùa thất bát, gia súc chết dịch, dân làng vay mượn lúa thóc của bà Năm để sống, cứ vậy nợ nần chồng chất, dân làng không trả nổi. Lãi mẹ đẻ lãi con, dân làng không biết lấy gì để trả nợ nên các chủ làng hầm rập, bí mật tìm một thầy lang dân tộc giỏi bào chế độc dược, tìm cách phục dược. Nhân một lần Bà Năm bị bệnh cảm thương hàn, chủ làng cho rước một thầy lang (người dân tộc) vùng khác đến bắt mạch và làm thuốc. Uống những nồi thuốc sắc từ rễ cây của thầy lang người dân tộc vùng cao năm ấy đã làm cho bà Năm lâm bệnh “sơ gan cổ trướng”, một bệnh mà thời bấy giờ gọi là “tứ chứng nan y”. Bà đã chết theo mưu kế thâm độc của bọn chủ làng hiểm ác. “Người chết của hết” của nả tích góp ngần ấy năm, các con nợ hè nhau chia chát, thất tán và dân làng thoát nợ từ ấy.
Bà Năm Beng ấy chính là bà ngoại tôi, người ở vùng xuôi, chuyên buôn Thượng, bà mất năm mẹ tôi 12 tuổi. Mẹ tôi kể, được tin bà ngoại hấp hối, ông ngoại chống ghe bầu ngược sông cái Kỳ Lộ, vượt thác vực Ông, vòng lên cây Vừng đưa xác bà về, một cái xác bụng trương to, mắt vàng chạch, da bọc xương. Cái chết của ngoại tôi hư thực khó xác nhận, làm rõ. Nhưng là lời đồn đại cứ lan truyền như chuyện dân gian; ba đời nhà tôi phải dè chừng, nghi ngại khi tiếp xúc với người dân tộc. Đó cũng là lời cảnh báo cho những người muốn “bóp hầu, bóp họng” để được lợi to từ những chuyến hàng buôn Thượng. Đã buôn bán với người dân tộc làm sao tránh khỏi phải đôi co, xích mích trong những lần trả treo, đòi nợ. Ông Bảy Ngại, người “già đời” trong những chuyến ngược xuôi buôn bán với đồng bào, nhưng luôn cảnh giác, ông không bao giờ ăn uống “chung chạ” với họ vì sợ trúng độc.
Chuyện xưa cứ phai dần, khi tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với đồng bào các dân tộc. Nhất là từ khi được quen biết và và thân tình như cha con với ông La Chí Thái, người dân tộc Banar ở làng Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) - người biết bào chế thuốc từ cây củ, lá rừng để chữa bệnh, cứu người. Nghe thuật lại chuyện trên, già Thái kể rằng “ Nhà tôi biết làm thuốc từ thời ông nội đến giờ, cũng biết một số cây củ có độc, có thể gây chết người như lá Cửu chi, lá Ngón…nhưng để mà tránh, không “đụng” đến nó, chứ không bao giờ nghĩ dùng nó để trả thù, hại người. Chuyện bào chế độc dược, theo lời cha tôi kể lại là có từ thời “cố luỷ, cố lai” một vùng (5-7 làng) chỉ có một người biết nhưng đã thất truyền. Đó là bí kíp chế ra loại thuốc chỉ dùng để tẩm độc vào mũi tên, băng cung bẩy cọp, săn heo rừng; sau này còn dùng để diệt Tây, kháng Pháp. Nghe nói, đó là loại độc dược được chế ra từ râu và nước bọt con cọp pha với nước tiểu ngâm trong bọng tre nứa bị cụt đọt ở rừng cao 100 ngày, khi nước có mùi hăng hắt, thối um thì cực độc, “độc bảng A”. Chuyện kể chơi vui vậy thôi, bây giờ tìm đâu cho ra râu cọp mà thử…”
Đến chuyện dùng “lộc rừng” để cứu người
Già Thái kể tiếp, “Tôi theo cha leo rừng hái thuốc từ thời tóc còn để “chổm”, cha tôi dặn rằng: cây quả lá rừng khi trở thành những thang thuốc chữa trị, cứu người là lộc của núi rừng. Người biết hái lộc, là người được các thần linh độ trì, uỷ thác; chữa bệnh duy trì sự sống của cộng đồng các dân tộc là việc phúc đức nối truyền mấy đời gia tộc, chớ có làm điều gì ác sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt của Yàng Bor Glaih (sấm sét)”. Lấy đó làm tôn chỉ, cha ông đã trèo đèo, lội suối để tìm những cây thuốc chữa bệnh cho dân làng mà không bao giờ lấy tiền. Cái thời làng mạc còn trần trụi, hoang dã; đàn ông chỉ mặc độc chiếc khố, đàn bà chỉ có chỉ có cái ên; trong làng đau ốm chỉ biết nhờ thầy mo, thầy cúng. Làng Xí, làng Thoại gộp lại hơn trăm dân nhưng chỉ mình cha ông biết thuốc, chữa cho nhiều người khỏi bệnh. Ơn ông, vào dịp Tết Đổ đầu, cúng mừng cơm mới người ta mang biếu con gà, ché rượu để ông cúng thần. Cực nhất là vào những năm chống càn, chạy giặc, nhà ông chỉ là cái chòi nhưng như một trạm xá tiền phương phục vụ chữa trị cho bộ đội bị thương bằng đắp lá thuốc tươi trong lúc thiếu thuốc kháng sinh; chữa trị những căn bệnh sốt rét “kinh niên” biến chứng thành bệnh “phù thũng” (sơ gan) cho dân làng. Đó cũng là những năm tháng ông La Chí Thái học được nhiều ở cha mình về những cây thuốc và cách chế biến thuốc từ những cây rễ, lá rừng; kết hợp với được học 1 lớp y tá cứu thương, sau học thêm 1 năm lớp trung y dược, và được trải nghiệm 20 năm phục vụ chữa thương cho bộ đội thời chống Mỹ; nhờ đó tích lỹ dần “vốn liếng” kiến thức làm thuốc, bắt bệnh để hôm nay trở thành thầy thuốc của buôn làng.
Thuốc chữa bệnh từ những “cây củi”
Nhìn những thanh niên vác trên vai những bó cây, không ai ngờ đó là cây thuốc mà ông Thái đã thuê người lên rừng cao lấy về. Có nhiều nhầm tưởng đó là những “cây củi”. Nhưng những bó “cây củi” đó không phải dễ tìm thấy. Mỗi ngày, có 3-5 thanh niên trong làng nhận lên núi tìm cây thuốc cho ông. Họ đi từ mờ sáng đến 3, 4 giờ chiều mới về làng, có hôm về tay không vì không tìm thấy loại cây mà ông Thái cần. Anh Ma Hóa người lấy cây thuốc cho biết: Phải lên tận rừng cao, nơi có hàng gộp đá dựng đứng mới tìm thấy nó. Cây lấy về còn tươi, vạc băm thành những dăm nhỏ, phơi khô hoặc sao khử thổ để riêng từng thứ. Cứ vậy mà bốc pha trộn theo từng chứng bệnh. Khách thăm bệnh và bốc thuốc chỗ ông là những bệnh: Viêm gan siêu vi B, suy thận, dạ dày, tá tràng, thấp khớp, bạch đới… Ngoài ra ông còn dùng thuốc tươi đắp vết thương, sưng nhức, chữa một số bệnh thông thường như ho khan, nhức đầu, đau mỏi, cảm mạo thương hàn. Ông Thái không thể biết có bao nhiêu người dùng thuốc của ông mà khỏi bệnh. Ông chỉ biết số người thăm bệnh và dùng thuốc của ông ngày càng tăng. Làng Xí Thoại nằm heo hút trong một hóc núi; vậy mà ngày nào nhà ông cũng có vài người tìm đến bốc thuốc, có hôm đông nhất là 5-7 người. Điều đó chứng tỏ thuốc của ông có hiệu nghiệm. Khách xa, ở ngoài vô là Đà Nẵng, Quy Nhơn; còn khách xa nhất ở trong ra là Ninh Thuận, Bình Thuận. Tết vừa rồi có một Sư cô tên Trần thị Vinh, ở chùa Mật Tông Phúc Hoa - Vũng Tàu, chưa một lần gặp nhưng lại biết rõ họ tên và địa chỉ của ông nên đã gửi thư, quà tặng, cho biết trong đó có người dùng thuốc của ông khỏi bệnh. Khách đến bốc thuốc nhiều nhất là người dân tộc ở các vùng và người trong tỉnh. Già làng Xí Thoại La Văn Lung xác nhận, có ông sui gia người dân tộc ở huyện Vân Canh, Bình Định bị đau cột sống nằm liệt một chỗ, khi ra thăm và điềm chỉ uống thuốc của thầy Thái, chỉ mới 3 thang thì đi lại được. Ông Ma Rui ở Thôn Da Dù bị sơ gan phù thũng, người sưng húp, không tiền đi bệnh viện, nhờ thuốc của ông mà lành bệnh. Rồi mày mò “học lóm”, bắt chước làm thuốc từ những rễ cây mà ông Thái bày chỉ, rồi mang danh là thuốc đặc trị chữa gan của người dân tộc, đi bán dạo ở TP Tuy Hoà.
Khác với thuốc đông y thường dùng, một thang đổ 3 chén nước, sắc lại còn một chén. Thuốc nam theo cách của ông Thái, cứ cho vào ấm đun sôi, nước đậm màu để uống cả ngày, khi nào cảm thấy màu thuốc đã lợt, lạt vị thì cho vào ấm thang khác, nấu uống thường xuyên thay vì uống nước trà, nước mát cho đến khi khỏi bệnh. Ông Thái thành thật cho biết, đối với bệnh viêm gan, thuốc của ông chỉ có hiệu nghiệm tiêu trừ và chữa trị khi bệnh còn ở triệu chứng, tiềm ẩn; thuốc có tác dụng là tiêu độc, sát khuẩn, tăng kháng thể, uống vào cơ thể nóng bức; mặc dù đã dặn trước nhưng có người không chịu nổi cái “nóng nảy” đó nên dùng thức ăn mát giải nhiệt (như trứng vịt lộn) đã làm cho thuốc mất tác dụng. Còn bệnh đã liệt vào giai đoạn 3, trở thành “ung”, Tây y “bó tay” thì thuốc của ông cũng vô hiệu.
Một đời làm thuốc với nguyện ước là cứu người để đức cho con cháu, nên ông Thái không nghĩ và ỷ mình biết cây thuốc để “bóp chẹt” kiếm tiền. Một thang thuốc chữa gan 30.000đ, các bệnh thông thường từ 10-20 ngàn đồng/thang là để trả công thuê người vào núi cao, suối sâu tìm cây thuốc. Gặp người bệnh có gia cảnh nghèo túng, nhất là người dân tộc thì ông biếu không, không nề hà chuyện tiền bạc.
Gia đình có nhiều cái nhất
Cái nhất đầu tiên là một gia đình ngăn nắp, sạch sẽ, ông nói: ngành y đã tập tôi thói quen “nếp sống sạch sẽ, sức khoẻ đong đầy”. Từ thuở lập làng, ông đã phá bỏ tập quán lâu đời chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn. Ông chủ trương vận động dân làng và khuyên bảo con cháu nuôi bò heo phải có chuồng trại riêng, xa nhà ở để tránh dịch bệnh. Nhà ông dùng nước giếng, khi cả làng chỉ biết có nước suối. Ông cũng là người đầu tiên xây nhà tắm, nhà vệ sinh và thực hiện “ăn chín, uống chín”. Năm nay ông bà đã ngấp ngưỡng tuổi 75 nhưng chưa một lần đến “thăm” bệnh viện. Nhìn sức khoẻ mí Minh (vợ ông Thái) phốp pháp “đỏ au”, còn ông thì săn chắc, đẹp lão trong làn da bánh mật; ai đó hay ốm đau bệnh tật, thấy sức khoẻ của ông bà mà thèm. Cái nhất tiếp theo là ông đã thực hiện chủ trương kế hoạch hoá dân số gia đình, cách đây 50 năm. Người dân tộc thời ông, chuyện sinh nở cứ tự nhiên như “đẻ cho hết trứng”. Đẻ nhiều, đẻ dày và nhất là mong có nhiều con trai để làm nương, phát rẫy; còn một lý do nữa là để bù vào “trứng lép” của những lần đẻ non, chết nhỏ. Nhưng nhà ông chỉ sinh có 3 người (1 gái, 2 trai), mặc dù thời đó chưa có chủ trương KHH DS. Nhờ vậy, nhà ông có cái nhất thứ 3 là cho con ăn học đến nơi đến chốn. Gái đầu hồi còn khổ, làng chưa có trường nên học ít, lấy chồng sớm. Hiện đang là chi hội trưởng phụ nữ thôn và là tuyên truyền viên dân số của xã. Hai trai còn lại, 1 tốt nghiệp đại học Nông lâm Huế và 1 tốt nghiệp Trường sỹ quan Lục quân, là trường hợp hiếm thấy trong gia đình các làng dân tộc ở huyện miền núi Đồng Xuân. Cái cuối cùng, Già Thái là người đầu tiên trong làng biết xài điện thoại di động phục vụ cho việc thông tin liên lạc. Những nét đẹp văn hóa, tiếp cận nhanh với cái tiến bộ trong cuộc sống đời thường của gia đình Ông La Chí Thái, tuy không có gì cao xa, nhưng là niềm khát khao của bao gia đình các dân tộc miền núi vốn đã chịu đựng và còn nhiều gian khó. Xí Thoại được công nhận là Làng văn hoá đầu tiên trong các thôn buôn đồng bào dân tộc ở huyện, trong đó có sự đóng góp về sự chuẩn mực của gia đình ông. Ông Thái tươi tắn với nụ cười nhân hậu, và mãn nguyện khi gia đình mình nhiều năm liền được huyện và tỉnh bình chọn là gia đình tiêu biểu xuấc sắc. Được chọn đi dự hội nghị toàn quốc nhân ngày Gia đình Việt Nam và được huyện cử dự hội nghị Tuyên dương Gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội năm 2007./.

No comments: