Thursday, July 23, 2009

CHỨC VỤ VÀ UY TÍN
Mạnh Minh Tâm
Thông thường, bất cứ người lãnh đạo nào cũng có một uy tín nhất định. Bởi vì không có uy tín thì không thể lãnh đạo, thuyết phục và tập hợp người khác được, cho nên chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn. Ai cũng biết rằng, người lãnh đạo mà không có uy tín thì nói chẳng ai nghe và cũng chẳng làm nên trò trống gì. Hơn nữa khi tập thể và cấp trên giao cho người đó một chức vụ, tức là đã có sự cân nhắc, căn cứ vào phẩm chất, năng lực và uy tín mà người đó có được. Không có uy tín làm sao anh ta có thể được cất nhắc và đề bạt?
Tuy nhiên, sự đời không đơn giản như vậy, không phải hễ có chức vụ là đã có uy tín và càng không phải có uy tín một cách đầy đủ. Uy tín theo đúng nghĩa chân chính, nó là sự tín nhiệm có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Chức chức vụ không đẻ ra uy tín. Và uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Thực tế cho thấy, có những người ở cương vị khá cao nhưng lại không có uy tín hoặc uy tín quá thấp. Ở một tập thể, cơ quan mà có người lãnh đạo uy tín “hão” như vậy, thường xảy ra hiện tượng “Trên bảo dưới không nghe”, trước mặt thủ trưởng thì vâng dạ, tỏ vẻ cung kính lễ độ nhưng đằng sau, bên trong thì xì xầm chê trách, tìm cách đối phó, hoặc phớt lờ, tim cách bất hợp tác.
Rõ ràng giữa chức vụ và uy tín có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không phải là một. Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Chức vụ là điều kiện khách quan để củng cố và nâng cao uy tín. Trong khi uy tín là cái quyết định sự tồn tại của chức vụ. Và một khi uy tín mất đi, thì theo quy luật thông thường, chức vụ trước sau cũng sẽ mất theo.
Vậy cái gì là quyết định uy tín? Uy tín hình thành và phát triển theo con đường nào?
Thực tế cho biết, uy tín là sự phản ảnh phẩm chất và năng lực của một người, do đó tất yếu nó phải do phẩm chất và năng lực người đó quyết định. Đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố về sự nổ lực chủ quan của một người trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực, trong đó nổi bậc nhất, quan trọng nhất là những yếu tố sau đây:
- Sự gương mẫu đến mực thước về các mặt, đặc biệt là chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lối sống trong sạch, tận tâm, tận lực với công việc và trách nhiệm được giao.
- Có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm cả nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống.
- Có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, tập hợp sự đoàn kết nhất trí, tạo sự hứng khởi cho đội ngũ cán bộ CNV hăng hái làm việc và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ, tạo ấn tượng tốt và đúng đắn trong các mối quan hệ, trước hết là với những người đồng sự, những người thường xuyên có quan hệ trực tiếp với mình.
- Nhận xét, đánh giá, bố trí, đề bạt, đặt để cán bộ đúng tầm và tương thích với vị trí và trình độ chuyên môn mà cán bộ phải đảm nhiệm đó.
Không có những yếu tố cơ bản đó, người lãnh đạo không thể có uy tín được. Bởi uy tín không phải tự nhiên mà có. Nó phải là kết quả của quá trình phấn đấu, rèn luyện gian khổ, bền bỉ của bản thân mỗi người. Một người lãnh đạo, bằng hành động thực tế, chứng tỏ được mình thật sự có những phẩm chất và tài năng thì “Hữu xạ tự nhiên hương”, tự nhiên họ được những người dưới quyền và lãnh đạo cấp trên tin yêu, kính trọng và tín nhiệm; không cần phải dài dòng những lời sáo rổng, hoa mỹ, diễn thuyết trên diễn đàn.
Trái lại một người nào đó, thiếu gương mẫu trong lời nói và việc làm, không đảm đương nổi nhiệm vụ được giao, thậm chí còn lợi dụng chức quyền làm điều sai trái; thì dù họ có nắm giữ chức vụ gì, dù họ có tự đề cao bao nhiêu, có được người này, người khác tán tụng thì họ vẫn không thể có uy tín, vả chăng có được, đó chỉ là uy tín giả. Sinh thời Bác Hồ chúng ta đã từng căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ quyết lên trán chữ “Cộng sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có đủ tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải mực thước cho người ta bắt chước”.
Như thế, xây dựng cho được một uy tín cần thiết không phải là việc dễ dàng. Phấn đấu để giữ vững và không ngừng nâng cao uy tín càng khó khăn hơn. Nó đòi hỏi phải có ý chí và nghị lực. Người ở vị trí càng cao, càng phải hết sức chăm lo, giữ gìn uy tín. Uy tín của một người có chức vụ không chỉ đơn thuần là uy tín cá nhân mà còn là uy tín chung, danh dự của một tập thể, cơ quan, đơn vị. Chỉ cần một phút thiếu cảnh giác, buông thả mình là có thể phạm sai lầm lớn, làm mất uy tín của mình, làm hại thanh danh của một tập thể. Không phẩi ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”!
Không nhận thức đầy đủ những điều nói trên, hiện nay có một số người lầm tưởng rằng, dường như họ có chức vụ là đã có uy tín, mọi mệnh lệnh lời nói và việc làm của họ đều được cấp dưới đồng tình, chấp hành một cách triệt để. Từ đó nảy sinh tính chủ quan, không chịu lắng nghe, thiếu sự gần gũi, thông cảm chia sẻ với những nổi khó khăn nhọc nhằn của đồng sự; không công tâm, minh bạch, dân chủ khi bàn bạc công việc; thậm chí còn cá nhân, độc đoán, tư lợi nhưng lại thích “lên lớp” dạy bảo người khác; thích người khác tâng bốc, trọng vọng, quỵ luỵ mình. Nhân viên vất vả, nổ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ không một lời động viên, nhưng lỡ xảy ra thiếu sót, sai phạm là lập tức nhận những lời đay nghiến, hô hét, họ xem người dưới quyền không khác gì con cháu trong nhà. Những người cầm cân, nảy mực như thế, tuy chức vụ của họ còn đó nhưng họ đã tự đánh mất uy tín cuả mình từ lâu rồi.
Lại nói về xây dựng uy tín, trong thực tế có nhiều mẫu hình; có người muốn xây dựng uy tín cho mình nhưng không phải bằng nổ lực và sự gương mẫu, mực thước mà bằng những thủ thuật riêng như: Tranh thủ, lôi kéo người này; công kích, nói xấu người kia, hạ uy tín người khác để đề cao mình. Cũng có người xum xoe, nịnh bợ, lấy lòng cấp trên cố giữ một khoảng cách nào đó với cấp dưới, thậm chí đe nạt nhân viên, cố tỏ vẻ ta đây là “nhân vật quan trọng”; họ chỉ nhận làm và muốn làm những việc náo “ngon ăn” và dễ “nổi tiếng” để củng cố địa vị. Những người có chức vụ như thế thường rất chú ý giữ mình, giữ đến mức tròn như hòn bi…
Họ không biết rằng, với những thủ đoạn ấy, họ chẳng bao giờ xây dựng cho mình được uy tín, mà nếu có chăng thì uy tín của họ cũng chỉ là uy tín giả, uy tín bề ngoài, không hơn không kém.
Trong nhiều Nghị quyết, nhất là Nghị quyết về chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã khẳng định mạnh mẽ, cần phải kiên quyết thi hành kỷ luật những cán bộ, đảng viên làm bậy; phải thay đổi những đảng viên không có đủ những yêu cầu về phẩm chất và năng lực đảm dương công việc được giao, không còn uy tín trước quần chúng. Nhưng chính sự nể nang, bao che, công tác tự phê bình và phê bình chưa được phát huy đúng mức nên rơi rớt đây đó việc cất nhắc, đề bạt cán bộ chưa tương xứng giữa uy tín và chức vẫn còn tồn tại, gây trở ngại lớn trên con đường củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ của chúng ta./.

No comments: