Friday, December 5, 2008


Một nhân vật văn hoá độc đáo…
Phóng sự HÙNG PHIÊN

Tên tui Đỗ Như Phước / Tóc bạc trắng như cước / Dáng to béo tầm thước / Người rất thích hài hước / Thấy gì hay bắt chước / Không ham chức ham tước / Chỉ ham tích đầy phước... Mấy dòng “lý lịch trích ngang” của nhà sưu tập “thế giới” hàng đầu Việt Nam, ông “trùm” thơ độc vận và là người làm từ thiện nổi tiếng Đỗ Như Phước vừa qua đời ngày 7.11.2008 ở tuổi 72 (ông sinh năm Bính Tý-1936)…
Về Phú Yên, hỏi “ông Phước nhà thơ” thì hầu như ai cũng biết, bởi ông quá nổi tiếng với những “món chơi” độc sầu, lại thường lên ti vi để nói chuyện và đọc thơ vui. Ví như xuân rồi, mừng năm tuổi của mình, ông làm bài thơ vần “í” dài đến 50 câu nhưng công chúng đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn (Tuy Hòa) đã phăng phắc lắng nghe rồi vỗ tay rần rần. Bởi có “đủ thứ chuyện” như: WTO đã ký / Hội nhập thật hợp lý / Triệu người một ý chí / Quyết nâng cao dân trí / Tháo gỡ mọi thế bí / Sản xuất vượt tiêu chí / Được thế giới chú ý / Việt Nam nâng vị trí…; đến việc Không nên say lúy túy và tranh thủ … nịnh vợ: Chớ có đi bồ nhí / Để vợ cưng vợ quý… Hay như năm con Dê (Quý Mùi) ông làm thơ “ê”: Trai gái tuổi cập kê / Tối tối ra bờ đê / Ngồi dưới gốc cây lê / Bàn chuyện… trồng cà phê…, rồi không quên “làm tư tưởng”: Ăn xong Tết con dê / Công việc chớ bỏ bê / Không kéo dài lê thê / Học thêm tiếng Ăng-lê / Lấy vi tính bằng C…
Nhiều người biết, ông Đỗ Như Phước chẳng bao giờ nghĩ mình là nhà thơ, phải khó nhọc để làm thơ, “vần vè cho vui mà”, thế nhưng dân gian cứ gọi ông là nhà thơ! Cũng như chuyện ông được “đặc cách” đọc thơ trong Đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn, được công chúng hưởng ứng nhiệt thành nhưng không ít nhà làm thơ “nghệ thuật” phản đối: “Đây là sân của nghệ thuật nghiêm túc, sao để thơ “dưỡng sinh” của ông Phước chen vào?”. Ông vui vẻ: “Vậy thì thôi!”. Thế nhưng có kỳ Nguyên tiêu vắng ông, công chúng chất vấn ban tổ chức tới tấp, thế là ông trở thành một thứ “đặc sản” nghiêm túc của đêm thơ, và cũng duy nhất một mình ông không đọc thơ “nghiêm túc” trong đêm thơ Nguyên tiêu lừng danh trên núi này…
Quả thật, ông không chối thơ mình đích thị là để “dưỡng sinh” chứ đâu mong khẳng định tên tuổi; ông chỉ làm chơi “cho khỏe người” thôi, còn ai nhớ là chuyện… của họ; vậy mà thơ ông cũng thấy người ta truyền miệng đọc đầy đường… Thế nhưng không phải ai làm thơ như ông Phước cũng được người đời nhớ! Nhiều người khó tính với nghệ thuật cũng phải “bái lạy” chất dí dỏm thông minh và cái “duyên ngầm trời cho” của bút pháp Đỗ Như Phước; chẳng những “nghệ thuật hóa” loại thơ dân gian độc vận, ông còn là người đi tiên phong sáng tác loại thơ “chân lý” mà có những câu cứ tưởng của… ai: Quê tôi có một dòng sông / Mùa hè nước cạn, mùa đông lại đầy / Mặt trời mọc đông lặn tây / Cá lội dưới nước, chim bay trên trời…
Xuất phát từ cuộc chiến với ung thư, ông đã biến đời mình thành một cuộc chơi đầy ý vị và có được những thành quả… ngoài dự đoán! Mê chơi “đủ món” và lĩnh vực nào cũng có thành tựu. Suốt ngày hồn hậu nói chuyện hài hước nhưng ít ai biết được ông già 72 tuổi đã chiến đấu từng giờ với căn bệnh ung thư đeo đẳng suốt 40 năm qua (mái tóc bạc sớm cũng do việc “xạ trị” ung thư), bên mình lúc nào cũng phải gắn hậu môn nhân tạo là một bọc… chuyên dụng! Ngay cả cái “bãi đáp” này cũng được ông trào lộng: Thế giới có vệ tinh nhân tạo / Phước tui có… hậu môn nhân tạo! Ông cười hề hề và mở thắt lưng chỉ tôi xem cái “bãi đáp” của mình một cách hồn nhiên.
Ông thú thật chính việc đặt vè độc vận đã đem lại cho ông và mọi người niềm vui vô bờ bến. Phong thái hài hước cũng đã giúp ông mở lòng giao du với khắp nơi, tất cả mọi người, năm châu bốn biển. Ông kể đã có lần đọc thơ “độc vận” bằng… tiếng Nga làm cho quan khách nhiều nước ôm bụng cười “lăn lê bò toài”. Chính mối quan hệ rộng rãi này đã đưa ông đến với công việc ở Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Phú Khánh, rồi Phú Yên khi trở lại quê nhà. Như cá gặp nước, bản tính hồn hậu cởi mở, ham đi đó đây, ông lại như muốn thu cả thế giới về nhà mình qua các kỷ vật của tất cả các nước trên thế giới, chủ yếu là những thứ rẻ tiền như cờ, huy hiệu, kỷ niệm chương, búp bê... của các nền văn hóa trên thế giới. Nhiều nước bây giờ không còn tên trên bản đồ thế giới nhưng lại hiện hữu ở… nhà ông Đỗ Như Phước! Ky cóp 40 năm, căn nhà ông đã trở thành một bảo tàng thực thụ với trên 10.000 kỷ vật của 84 nước trên thế giới!
Đường quan chức của ông có thể thênh thang nếu “thích”, bởi ông tham gia cách mạng sớm, có trình độ, tư chất thông minh, gia đình ông có nhiều người thành đạt… Nhưng đời với ông “vui là chính, làm tới chức quan… hữu nghị chớ ít sao!” rồi về hưu mê say làm chuyện “tào lao” và lặn lội “cúi mình” đi gõ cửa vận động từ thiện. Có thể ông rất giàu nếu bán một số “chuyện chơi”, ví như ông đã lắc đầu từ chối khi một “đại gia” đặt vấn đề chuyển nhượng bộ sưu tập nồng ấm tình quốc tế này với giá trên 1 tỷ đồng! Thế nhưng ông Phước sẵn sàng tặng… Cuối năm 2007, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã “nghe danh-đánh tiếng” và ông Đỗ Như Phước đã tặng 84 huy hiệu-tranh-tượng-mô hình lưu niệm của các nước cho bảo tàng này. Thư cảm ơn của Giám đốc bảo tàng này có đoạn: “Hành động của ông Đỗ Như Phước là một nghĩa cử cao đẹp có ý nghĩa tác động sâu rộng với các tầng lớp xã hội trong vấn đề hiến tặng di sản Văn hóa cho Bảo tàng quốc gia”.
Sự nghiệp của ông bề thế như vậy nhưng khi tôi hỏi “Bác thích “thứ” nào nhất?”, ông Đỗ Như Phước vô tư: “Làm thơ con cóc”! Và năm con trâu này, ông có còn làm bài thơ vần “âu”?…
H.P










No comments: