Friday, December 5, 2008

GIAI THOẠI VĂN NGHỆ:

“Ngợ” sĩ… nghĩ sợ
BÌNH SVC

Dân xứ Nẫu Phú Yên thường phát âm “ê” thành “ơ” nên nghệ sĩ thì đọc là ngợ sĩ (nói lái là nghĩ sợ). Nhằm tỏ bày ngưỡng mộ một số “nhà” ở đây, đã khiến tôi liều chấp bút; không liều thì biết đến chừng nào có ký sự bạn văn thơ này. Thôi thì: có biết, có quen, có sao ghi thế, có gì thêm bớt sau, chả mắc mớ gì…
CỐ NHÀ THƠ TUỔI TÝ
Tôi và cố nhà thơ nhà gần nhau, tình huynh đệ hơn hai mươi năm, nhiều kỷ niệm, gạt qua một bên chuyện chức danh công vụ, chỉ nói đến chất thật của cố nhà thơ: Đỗ Như Phước. Thơ ca họ Đỗ chủ yếu là gieo theo vần, miễn đọc nghe xuôi tai là được, một năm mười hai con giáp bất kể đến giáp nào chỉ việc đưa bút lên là xong ngay một bài thơ của giáp đấy, ngay cả gặp bịnh nan y phải vào tạm trú bệnh viện vẫn hỉ hả làm thơ tả bịnh của chính mình. Một tâm hồn lạc quan đến phút chót của tận cùng đời người, câu cửa miệng của nhà thơ này là đừng quá cầu toàn với hiện tại. Chính cái sự không cầu toàn đấy mà suốt cả cuộc đời của mình nhà thơ chuyên trị nghề hữu hảo, hết hữu nghị Việt xô, đến hữu nghị Việt-Cuba, và cũng chính cái sự biết chấp nhận những gì mà cuộc sống ban cho, nhà thơ đã cả gan thách thức căn bịnh khó chữa một khoảng thời gian cực dài. Thật kỳ tài và đáng nể. Thôi thì ông cố nhà thơ tuổi Tý ơi, xin ông hãy bình yên về với vĩnh hằng, hàng năm đến tết Nguyên Tiêu sẽ có người thay ông đọc lại những bài thơ gieo vần của ông đấy. Xin trịnh trọng cúi chào.
NHÀ THƠ “TIỀN SẠCH”
Đời người như bóng câu cửa sổ, trời kêu ai nấy dạ. Lê thiện Ngân cũng đột ngột từ giã anh em để về trời, còn lại là sự nhớ. Thiện Ngân là “tiền sạch”, nhà thơ này đã sống y chang như cái tên, cuộc đời điềm đạm ít bon chen hung dữ, chơi với bạn bè có trước có sau, thơ văn đậm chất từ bi, nghe đâu trước tham gia cửa thiền sau xét lại mình thiếu căn tu, đành về lại đời thường tiếp bước thơ ca.
Ông Ngân ơi! Những dòng ký sự này chỉ là chợt nhớ, chợt nghĩ, chợt thương để tưởng đến những bạn văn thơ đất Phú mà trong đấy có ông, ở đây không có những lời cao bóng cả, chúc tụng vô hồn mà là cái gì đấy thì tự bản thân ông cũng thừa hiểu bởi giờ đây ông đã là gì? Ông có biết không? Tuy ông không còn nói, không còn nghĩ, không còn làm thơ nữa nhưng ông vẫn hiểu được những gì mà bạn ông muốn nói, bởi ông đã là “Ma” mà ma luôn có những năng lực siêu phàm, có đúng không? Hử.
Rồi sẽ có một ngày các bạn ông có mặt đầy đủ bên mộ ông để quần tụ một bữa cho đỡ nhớ, riêng ông uống không được thì bọn tôi rắc rượu lên mộ ông, hưởng được cái hương hoa cũng quý lắm rồi. Thôi, xin nghiêng mình chào ông.
NHÀ VĂN NGÔ PHÚ THUẬN
Phải dùng đến từ “Lão” để gọi đến ông nhà văn này, dù sao cũng lắm tuổi thuộc hàng trên hưởng dương. Không phải đương nhiên lão được bạn bè phong cho chức danh “nhà văn” không cần thẻ một cách hoành tráng. Bởi xét thấy hành trình viết lách của lão cũng khá bầm dập trần ai, nhiều lận đận khốn nạn vì đói rách triền miên, đi đâu cũng phun đầy đói nghèo. Chính thế lão mới quyết “rắp tâm” tìm đường “cải tổ”, lão này trước đây bạ gì viết nấy, truyện ngắn, truyện dài, ngay cả món thơ ca cũng đâm đầu vào chẳng trúng trật gì nên khổ là chí phải, muốn gì thì gì cũng cần có cái chất “Pro”mới nên cơm cháo.
Khổ quá, đói quá riết cái đầu cũng buộc ló “khôn”, lão đã tìm ra được “Lộ trình” để “cải tổ” món truyện ngắn. Đấy là phải đi ngược lại những gì mà thiên hạ đã làm, mà quả thật thiên hạ cho “có” lão bảo “không”, thiên hạ đồ rằng hạnh phúc thì lão phản trở ngược là làm gì có hạnh phúc trên đời này tỷ như đặt vấn đề: “Có ai đã thấy Phật bao giờ?”. Văn của lão nhiều ý, đa nghĩa, ác nhiều hơn thiện, moi móc tủn mủn nhức óc đến độ ban giám khảo cuộc thi Báo Văn Nghệ chịu hết xiết đành cho lão giải nhất với hai truyện tầm tầm “Buổi sáng biến mất” và “Cơm chiều”.
Thế là đột phá thành danh, có hàng đặt liên miên, chẳng mấy khi rỗi rãi la cà với anh em. Nghe đâu truyện được in thành sách, lại còn dịch sang tiếng Tây, tiếng Mỹ nữa mới đúng “ác”.
“Nhà văn lớn” đương nhiên cái gì cũng phải lớn, chắc hẳn sau này không khéo sẽ thành “ học giả” chứ chẳng chơi!

NHÀ THƠ “DƠ”
Tổng quan mà xét thì anh này đáng được phong là “nhà thơ dơ nhất Việt Nam”, bộ dạng thường trực luộm thộm thều thào, có thể kết luận rằng đối với “Lê Anh” thì đất Phú này không có người nào gọi là xấu cả, gặp ai đôi lần, có thành bạn hay không Lê Anh vẫn chốt thẳng đét rằng: cái tay đấy tốt lắm. Đấy! Một con người thơ ca, một cuộc đời lận đận, thất bại nhiều hơn thành công, quanh năm được vợ hầu, chỉ biết nhìn sáng đón gió tạo hứng để viết những lời thơ rặt chất phú yên như: gió nồm xanh, say thơ dưới chân tháp cổ,vv.vv.
Nhà thơ Lê Anh là người luôn được nhớ, được mời trong những dịp giỗ, tiệc, và y như rằng nhu cầu phải đọc thơ trong những lần như thế đã ăn sâu vào máu thịt, không được đọc toàn thân sẽ ngứa ngáy, luôn nhấp nhổm đề nghị được đọc thơ để được tự sướng, mặc dù vẫn biết rằng lúc ấy mà đọc thơ là tréo cẳng ngỗng, là tra tấn người nghe, nhưng Lê Anh cóc biết chỉ biết rằng tôi đây cần phải đọc thơ, thế thôi. May thay độ rày nhà thơ ta có phần chững lại, bớt cái thói bạ đâu cũng đòi xì thơ, bạn bè mừng. Xin hết sức cảm ơn.
NHÀ THƠ “ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI”
Tay này mới toanh đây, bộ dạng dân miền Tây lấc cấc tóc nhuộm hoe vàng, thoạt nhìn mà ai dám gọi là nhà thơ chắc chết liền. Thế mà dám đội đá vá trời tự xuất bản hai tập thơ có kích khổ chã giống ai. Thế mới tài, cần gì phải đi học trường thơ, đời và vợ nó đánh cho tơi tả liền tức cảnh sinh thơ ngay:
- Tập1, 90 bài mang tên “Áp thấp nhiệt đới”. Giá bán: 100 đồng /1 bài.
- Tập 2, 117 bài mang tên “Bên trong khung kiếng màu trà”. Gía bán: 90 đồng/1 bài
Cả hai tập đều xuất bản “lậu”, bỏ tiền túi tự in phát tặng bạn bè đọc chơi. Tay “áp thấp” này đã từng được vợ con và dòng họ cho rằng mắc bệnh thần kinh, từng sém cho đi “nhà thương điên Biên Hòa”, nhưng với y thì luôn chắc rằng: “Tui khôn tổ nội chứ điên khùng cái gì?”. Thôi được, điên hay không cứ việc nhìn qua các vần thơ hắn làm là biết ngay thôi.
Ba năm kết làm bạn thơ bạn nhậu
Ta với ngươi đem phần thiếu tặng nhau
Ở nơi ấy chắc thơ không biên tập
Ngươi cứ viết đi cho cạn tim ngươi
Bốn thơ trên dành ai điếu Lê Thiện Ngân về với trời xanh. Đã chưa? Điên gì mà điên! Có thể cho là cực hay, nếu chốn âm gian mà còn “biên tập thơ” thì Thiện Ngân dại gì về dưới ấy.
NỬA BÁO NỬA THƠ “TUẤN LIÊN”
Coi bộ khá độc chiêu, viết báo thành thơ, viết thơ thành báo, có khác gì nửa người nửa ngợm, riêng phần ngợm thì lấn lướt hơn, nên tính khí ngang tàng phung phí không biết lượng sức, cắm đầu cắm cổ, mắt nhắm chân chạy ma ra tông nên “Công danh, mi ở nơi đâu?”.
Ôm đồm đi đâu cũng khoe “tui là nhà thơ” trong khi đương kim là nhà báo đài phát thanh và làm thuê tùm lum báo; oai quá đi chứ, thu nhập của viết báo hơn xa lắc lương phóng viên. Hắn tự hào: “Ta có con cá rô, ta muốn thả một hay nhiều ao là quyền của ta”. Nguyên lý dở ồm thế mà lắm ông len lén copy, mới biết hậu sinh khả uý đến nhường nào.
Nhà “lỡ cỡ” này có cái giỏi chuyên viết “chân dung thiên hạ”, hắn thêm thắt vẽ vời khiến chân dung thường thường trở thành tuyệt tác, hóa đơn nhuận bút luôn chờ sẵn. Sướng!
Thơ hay như gái chưa chồng
Cứ ngông ngông cứ ngồng ngồng bay ra
Là câu viết trong tập thơ “Chiều chậm” năm 1993, hai câu thơ trên hắn đã tự vẽ chính chân dung của mình, cứ ngông ngông, cứ ngồng ngồng, mọi thứ sẽ tuốt tuột bay ra.
Chưa hết, còn sự này nữa mới đáng cho là độc đáo, viết báo: chuyện con ruồi, dám mở quán sách bán báo cho nông dân mới là chuyện lạ, ở một nơi mà chữ nghĩa được xem là xa xỉ thì tờ báo những mấy trang chỉ có nước đem đi gói kẹo. Vậy mà hắn ngông ngông đưa những tờ báo lắm chữ đến được tận tay nông dân, công nhân. Tới nay quán sách vẫn tồn tại, số đầu báo bán ngày càng tăng, có nghĩa là Viết báo + bán báo = đi đúng đường, ngông nhưng hiệu quả. Đáng được ngợi khen!
NHÀ TIỂU THUYẾT NHIỀU KỲ
Công nhận đúng là gan rồng, thọ giáo nghề viết văn chưa quá tuần lễ, thế mà dám thay gan người thành gan rồng để viết tiểu thuyết thần thoại dài mấy trăm trang. Xin cúi đầu bái phục. Không rõ phần hậu sự của pho tiểu thuyết có nên cơm cháo gì không thì chưa biết, chứ thấy mới sơ sơ đã nặn ra bao nhiêu là hồi, là chương rằng đủ thấy nội công cực kỳ thâm hậu, dám sánh với tác giả viết Cô gái đồ long hay Thần điêu đại hiệp.
Gốc là dân kỹ thuật 100%, trong đầu rặt dây đồng, dây điện vậy mà chuyển tông thành nhà văn nhanh như điện xẹt. Vậy mới biết cái hấp lực của chữ nghĩa văn chương nó ghê gớm đến nhường nào, viết cả ngàn bài chỉ đăng được vài bài, tiền nhuận bút còi cọc thế mà tâm hồn nó sướng lâng lâng còn hơn cả cầm tiền triệu trong tay.
Đó là kỹ sư điện tử Đinh Hùng sống tại Ninh Tịnh, phường 9, Tuy Hoà. Ai muốn học tập xin cứ việc liên lạc. Địa chỉ: Đài Phát Thanh Phú Yên. Tự cảm thấy ký sự này hơi dài, hơn nữa còn quá nhiều “đa, đề” nên xin kết thúc tại đây.

1 comment:

Đào Đức Tuấn's Blog said...

Đọc bài này thấy hay ác!