Thursday, August 6, 2009

MỪNG TẾT TRUNG THU, NHỚ TÍCH CŨ
Mạnh Minh Tâm
Một năm trong chu kỳ tuần hoàn của đất trời. Kinh nghiệm dân gian đã đúc kết phân chia thời gian ra nhiều thời đoạn. Mỗi thời đoạn được gắn với một tiết, hậu nhất định như tết Nguyên Đán hết một vòng 4 mùa; tết Thanh minh tháng 3, chuyển sang thời tiết trong sáng; tết mùng năm tháng 5 thời tiết chuyển sang chính Dương nên thường gọi là tết Đoan ngọ hay Đoan dương; các tết Trung Nguyên rằm tháng 7, Trung Thu rằm tháng 8 cũng gắn liền với tiết hậu. Lịch âm đã chia 15 ngày một tiết, 5 ngày là một hậu. Đó là chia theo sự vận động chu kỳ của khí trời đất trong một năm. Cả những biểu thị được nông dân xưa gọi là tết như: Tết Hạ Đồng, tết Thượng đồng, cơm mới…cũng quan hệ chặt chẽ với tiết, hậu. Vì vậy từ " tết" đã được các nhà nghiên cứu văn hoá học chấp nhận cho rằng "tết" có thể là âm biến của từ "tiết".
Dù tết có thể là âm biến của từ tiết nhưng sắc thái, nội dung của chúng không hoàn toàn như nhau. Khi nói "hôm nay là tiết Trung thu" thì chỉ là nhắc đến một sự chuyển đoạn chu kỳ khí tượng. Nhưng khi nói "hôm nay là tết Trung thu" thì sẽ được hiểu: Hôm nay là tết Trung thu mình và mọi người phải làm gì để cử hành ngày ấy trong không khí ngày tết.
Theo Từ điển Lễ hội Việt Nam, tết trung thu là một cuộc vui của thiếu nhi vào đêm rằm tháng 8. Còn gọi là tết trông trăng, tết trẻ con, sắm đồ chơi cho con trẻ ngắm trăng. Vì trăng đêm rằm tháng 8 là to nhất, trong sáng nhất so với trăng rằm các tháng trong năm.
Tục truyền, thời vua Đường Minh Hoàng vào một đêm trăng rằm tháng 8 nằm mơ thấy một đạo sỹ đưa lên Cung Quảng Hàn tận trên mặt trăng. Nhà vua đắm mình trong cảnh đẹp lộng lẫy, với những nàng tiên lượt là trong điệu Nghê Thường. Tan giấc mơ, vua nuôí tiếc cảnh Trung thu ở cung trăng, nên bèn đặt ra tết trung thu hàng năm để ngắm trăng và cho chế soạn ra vũ khúc Nghê Thường để thưởng ngoạn.
Mừng Trung thu hàng năm, tuỳ vào điều kiện của từng gia đình; ngoài những lễ vật truyền thống để cúng gia tiên, cỗ Trung thu chủ yếu là bánh trái và hoa quả…để trẻ em phá cỗ Trung Thu khi trăng lên sáng toả. Cùng với các thú vui ngắm trăng là đồ chơi trẻ em đủ mọi lứa tuổi là các loại lồng đèn Ông sao, đèn kéo quân…đủ kích cỡ, màu sắc. Tại các sân chơi trẻ em có múa lân, các trò chơi dung giăng, dung dẻ "dắt trẻ đi chơi", bịt mắt bắt dê…
Mỗi lễ hội dân gian đều gắn với những truyện tích ly kỳ và huyền thoại. Tết Trung thu có ý nghĩa đón mừng một thời đoạn chuyển kỳ của khí hậu, thưởng ngoạn đêm trăng thanh bình. Đặc biệt, đây còn là dịp nhắc nhở các bậc phụ huynh, các cấp, các ngành hãy quan tâm nhiều hơn nữa, dành những điều kiện tốt nhất để chăm lo cho thế hệ tương lai - con em của chúng ta./.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Đ/c: Sở VHTT Phú Yên -220 Trần Hưng Đạo - TP Tuy Hoà)

No comments: