Friday, October 10, 2008

PHÉP ĐỔ ĐẦU - LỄ CÚNG TẤT NIÊN
CỦA NGƯỜI CHĂM HROI

Mạnh Minh Tâm


Hàng năm, từ ngày 25 đến ngày cuối cùng của tháng chạp âm lịch, ai có dịp về các thôn buôn người Chăm hroi ở Hà Rai, xã Xuân Lãnh - Phú Tiến Phú Giang xã Phú Mỡ ( huyện Đồng Xuân ), chúng ta sẽ gặp không khí rộn ràng, hối hả trong từng gia đình - họ đang chuẩn bị lễ cúng đổ đầu, tiếng Chăm hroi gọi là Quoai chơ ruh a kơh một nghi lễ truyền thống của người Chăm được duy trì từ bao đời nay. Vừa nghe tên gọi có người nhầm tưởng đây là một hình thức tế lễ ma thuật mang màu sắc dị đoan. Song khi tìm hiểu thấu đáo cội nguồn cho thấy đổ đầu là một lễ thức đậm nét dân dã, hàm chứa ý tứ sâu xa của một cộng đồng dân tộc. Già làng Ma Phứ ở Phú Tiến nói rằng: người kinh có phong tục thờ cúng, nhưng dân tộc Chăm hroi chỉ có cúng chứ không có thờ. Lễ đổ đầu (còn gọi là tết Đỗ Đầu) như là một lễ cúng "tất niên" theo quan niệm của người Chăm hroi; dân tộc tôi cho rằng, qua một năm làm lụng, kết quả lao động đã cho dân làng có đủ cái ăn, cái mặc là nhờ vào "cái đầu" biết cách ăn nên làm ra. Để tỏ lòng biết ơn Giàng và các thần linh đã phù hộ cho mọi người "Sáng cái đầu, mạnh cái tay, khoẻ đôi chân” là nhờ vào phép đổ đầu Quoai chơ ruh a kơh. Trong lễ này với chi tiết hoà máu gà với rượu đổ lên trán các thành viên gia đình sau khi diễn trình hành lễ chính thức vừa kết thúc là hình ảnh thể hiện sự sinh sôi nẩy nở, biểu hiện tính phồn thực mang ý nghĩa lưu truyền huyết thống và sự tái sinh loài cùng với ước vọng tạo ra mọi sự sống mới trong năm mới.
Vào những ngày cuối năm của âm lịch, các làng chăm hroi gia đình nào cũng phải chuẩn bị cho ngày lễ đổ đầu. Đàn ông sửa sang nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi bò heo, lau chùi dụng cụ sản xuất như cày bừa, rìu rựa, chày cối…Đàn bà hoàn tất việc dệt thổ cẩm, dọn dẹp những việc nội trợ dở dang, lau rửa nồi niêu bát đĩa; chuẩn bị con gà, ché rượu ngon, bánh tét, trầu cau…và những vật dụng cần thiết cho cuộc lễ đổ đầu.
Ngày lễ đổ đầu không phải nhất thiết thống nhất trong một ngày giữa các gia đình cũng như các làng với nhau. Vật tế lễ thường là ché rượu ngon nhất, một con gà cồ to, nồi cơm lúa mới, bánh trái hoa quả. Lễ được tiến hành trong từng gia đình. Ngày chính thức tiến hành lễ cúng, từ sáng sớm tinh mơ chủ gia ra đứng giữa sân nhà chắp tay khấn vái trời đất: “Hôm nay gia đình cúng lễ đổ đầu xin phép các thần linh được lên chòi rinh (kho thóc) mang lúa về giã gạo nấu cơm mới, xin phép được lên đầu con suối lấy bầu nước tinh khiết từ nguồn nước mạch rừng, được cắt tiết gà để tiến hành lễ cúng phép đổ đầu của gia đình”.
Lúa từ chòi rinh đem về, sấy khô, giã ra gạo rồi nấu cơm; con gà cồ là vật hiến lễ được đàn ông mang ra cắt tiết, làm lông, mổ rửa sạch, cắt lấy hai chân để luộc riêng. Tiết gà được giữ lại một phần ba để làm phép đổ đầu, hai phần ba còn lại đem luộc chín với gà. Tiết tươi giữ lại hoà thêm chút rượu cần lấy lần đầu từ ché rượu cúng.
Tiến hành lễ đổ đầu, ché rượu đem đặt giữa nhà, gà luộc chín đem đặt vào sàn, bộ lòng gà đặt một bên, miếng huyết chín đặt trên lưng gà, hai chân gà đặt sau đuôi gà. Chén huyết gà tươi, con gà luộc, đĩa trầu cau, bốn cây bánh tét, nửa khót gạo-muối là một mâm lễ vật cúng. Các dụng cụ, rìu rựa, gùi, nỏ đặt sau ché rượu.
Thầy cúng thắp đèn sáp ong vấn trên cần rượu, mọi người trong gia đình ngồi tề tựu nghiêm trang bên mâm cúng; đàn ông ngồi bên trái, phụ nữ ngồi bên phải nhìn từ cửa vào. Tất cả chờ đợi, lắng nghe lời khấn thiêng của thầy cúng đang hành lễ. Thầy cúng vừa khấn, vừa bốc một nắm gạo vãi lên mời Giàng pơkah, giàng Pơsưh về tiển năm cũ sắp hết, mừng năm mới đến, mừng gia đình mạnh khoẻ; nhờ Giàng phù giúp dân làng, gia đình có được mùa màng bội thu. Thầy cúng lại lấy nắm gạo thứ hai vãi ra tứ phía mời thần núi, thần suối, thần sông, thần trông giữ rẫy đồng, mời ông bà tổ tiên họ hàng Atâu về cùng con cháu hưởng lễ đổ đầu của gia đình.
Sau lời khấn vái của thầy cúng, vào thời điểm được xem là Giàng, thần linh tổ tiên đang thưởng thức vật tế thì thầy cúng thực hiện phép đổ đầu. Thầy cúng lấy chén rượu hoà với huyết gà tươi đổ một vài giọt vào trên đầu, lên trán người chủ gia đình, rồi thứ tự tiếp tục làm như vậy cho các thành viên trong gia đình với lời chúc mừng năm mới được khoẻ mạnh, sản xuất của cải thật nhiều, lúa ngập đầy chòi - trâu bò, heo gà đầy đàn. Xong lễ cúng, gia đình bầy dọn thịt gà, rượu cần mời bà con hàng xóm cùng gia đình ăn uống chúc mừng, chuyện trò vui vẻ. Trong ngày đổ đầu, những gia đình có nhiều đóng góp đáng kể đối với xóm làng, đội cồng chiêng của làng sẽ tổ chức đến hát múa chúc mừng, chung vui tưng bừng như một ngày hội./.

( Đ/c: Sở VHTT Phú Yên – 220 -Trần Hưng Đạo – TP Tuy Hoà)

3 comments:

Dsox said...

I just signed up to follow your blog; you are my first. I am very curious (thac mac) ve Nguoi Cham Hroi, and nguoi Cham hoi xua o Phu Yen. Toi lam viec cho U.S. Coast Guard in California, USA, lam environmental impact assessment, nhung toi cung tiep tuc nghien cuu ve van hoa Champa.

My M.A. thesis at Dai Hoc Hawaii in 1972 reconstructed the economy of Ancient Champa. Nguoi ta biet nhieu ve nguoi Cham tai Binh Thuan, va hoi xua tai Vijaya (Binh Thuan), Amaravati (Quang Nam vs Quang Ngai), va Panduranga, nhung it ky nguoi biet ve nguoi Cham dang o tai Phu Yen.

Toi chua doc your earlier blogs but I look forward to doing so. As you can see, I can write Vietnamese, and I also read French.

Che Sah Binu, California USA

ISVAN said...

cảm ơn bài viết của tác giả. Tôi đang tìm tư liệu về Chăm H'roi nên lang thang trên mạng và tình cờ thấy bài viết này. Tôi hiện đang làm tại trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận (sở văn hóa TT DL Ninh Thuận). Rất mong học hỏi nhiều điều về văn hóa Chăm Hroi từ ông.
thân ái!
Quảng Đại Tuyên
Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận
số 28, Tô Hiệu , TP. Phan Rang - Tháp Chàm

Dsox said...

Thank you for responding. Toi la nguoi My, khong phai nguoi Viet hay Cham. Lam the nao ma Toi gui electronic thesis cua minh cho Ong?. It is 8.9 MB *.pdf file, nhung toi cung co mot ZIP file, 8.3 MB.

To cung muon gui cho Ong my most recent email list of Champa scholars. That *.xls file is 56 kb.

Che Sah Binu (David Sox)